Bài 2: Hoạt động giám sát: Đã “dám” và đã “sát”
Theo quy định của hiến pháp, chỉ có Quốc hội (QH) mới có quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước.
Bài 1: Hoạt động lập pháp xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Thực tế, trong thời gian qua, hoạt động giám sát của QH đã liên tục đổi mới và ngày càng có hiệu quả, xứng đáng với sự tin cậy của cử tri và nhân dân. Tiếc rằng, một số người do không biết hoặc cố tình xuyên tạc nên đã có cái nhìn sai lệch về hoạt động này. Có người còn phát biểu “giám sát của QH Việt Nam không “dám” và không “sát”...
Giám sát thực chất, đáp ứng nguyện vọng của cử tri
Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ khóa XIV trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm. Có sự trao đổi, tranh luận sôi nổi để làm rõ thêm những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục.
Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Có thể coi đây như là bước đầu tổng kết, đánh giá cuối nhiệm kỳ đối với hoạt động giám sát của QH. Chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thể hiện tinh thần trách nhiệm của QH, các cơ quan của QH, các vị ĐBQH trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm mà đã được QH giám sát, ra nghị quyết yêu cầu thực hiện”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết thúc nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VPQH |
Chất vấn chỉ là một trong rất nhiều hoạt động giám sát của QH. Theo Luật Hoạt động giám sát của QH và hội đồng nhân dân (HĐND) thì giám sát là hoạt động “theo dõi, xem xét, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát”, “xử lý theo thẩm quyền hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”.
Giám sát của QH bao gồm giám sát tối cao và giám sát chuyên đề của QH, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và các ĐBQH.
Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thành viên khác của Chính phủ; giám sát tối cao văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; giám sát tối cao nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thông tư liên tịch giữa bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Đoàn ĐBQH tổ chức hoạt động giám sát của đoàn và tổ chức ĐBQH trong đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia giám sát với đoàn giám sát của QH, UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH tại địa phương. Ngoài hoạt động giám sát tối cao, QH còn có chức năng, nhiệm vụ xem xét báo cáo giám sát chuyên đề, xem xét báo cáo của ủy ban lâm thời, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn; xem xét báo cáo của UBTVQH về kiến nghị giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH...
Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ này, hoạt động giám sát của QH đã có nhiều đổi mới, mang lại hiệu quả thiết thực. QH đã ban hành nhiều nghị quyết sau hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề với những nội dung xác đáng, thiết thực. Về cơ bản, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát khác đã nghiêm túc, có giải pháp phù hợp, nỗ lực chỉ đạo việc thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của QH, UBTVQH và báo cáo đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu của QH, UBTVQH. Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH đã tiến hành thẩm tra các báo cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu giám sát về việc thực hiện nghị quyết về giám sát để tham mưu cho QH, UBTVQH xem xét, đánh giá việc thực hiện nghị quyết. Mặc dù còn có những vấn đề chưa thực hiện đầy đủ nhưng về tổng thể đã tạo sự chuyển biến tích cực, một số lĩnh vực có sự chuyển biến mạnh mẽ, được QH và cử tri ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với hoạt động chất vấn, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn là hình thức giám sát đặc biệt quan trọng của QH. Cho đến nay, QH đã trải qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm (tại nhiệm kỳ khóa XIII và nhiệm kỳ khóa XIV). Kết quả mức độ tín nhiệm của từng chức danh đã phản ánh chân thực, khách quan ý chí của QH trong việc đánh giá năng lực, phẩm chất, việc hoàn thành nhiệm vụ đối với người được QH bầu, phê chuẩn. Kết quả này giúp những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được trách nhiệm của mình rõ hơn để có phương hướng khắc phục các khuyết điểm, thiếu sót, phấn đấu rèn luyện nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động, thực hiện tốt chức trách, quyền hạn được giao, tạo chuyển biến rõ nét trong ngành, lĩnh vực được giao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, kịp thời để cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát, được dư luận xã hội đánh giá cao. Nhiều bộ trưởng, trưởng ngành lần đầu lấy phiếu có kết quả thấp, nhưng sau đó đặt quyết tâm chính trị cao hơn, tạo sự thay đổi rõ nét trong lĩnh vực phụ trách, được ĐBQH và cử tri ghi nhận, đánh giá đúng mức.
Đảng lãnh đạo nhưng không đứng trên Quốc hội
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định vai trò của QH là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Người viết: “Những vấn đề quan trọng nhất của nhà nước trong phạm vi toàn quốc đều do QH quyết định”.
Theo Điều 4, Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”; “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với QH nói chung và hoạt động giám sát nói riêng không có nghĩa là Đảng đứng trên QH, “Đảng chỉ tay để QH giơ tay” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Giám sát của QH không chồng chéo với công tác kiểm tra Đảng, công tác thanh tra của Chính phủ và cũng không “làm theo công tác kiểm tra Đảng” như một số người đã phát biểu.
75 năm qua, QH và các cơ quan của QH, đoàn ĐBQH đã tiến hành nhiều nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề cụ thể của đời sống xã hội.
Trong nhiệm kỳ này, cùng với những nội dung giám sát thường xuyên, QH đã chọn những vấn đề “nóng” nhất, được cử tri và nhân dân quan tâm nhất để tiến hành giám sát tối cao, giám sát chuyên đề. Cũng bắt đầu từ nhiệm kỳ này, QH đã trực tiếp thành lập các đoàn giám sát chuyên đề, thay vì ủy quyền cho UBTVQH thành lập và triển khai như trước, được cử tri đánh giá cao. Một số lĩnh vực vốn được coi là nhạy cảm cũng đã được QH xem xét, thảo luận kỹ lưỡng và được truyền thanh, truyền hình trực tiếp, thể hiện tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát của QH. Kết thúc hoạt động chất vấn, giám sát chuyên đề, QH đều ban hành nghị quyết để làm căn cứ giúp Chính phủ, các bộ, ngành triển khai thực hiện. Đồng thời, tại kỳ họp cuối năm của năm giữa nhiệm kỳ và năm cuối nhiệm kỳ, QH tiến hành xem xét, giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề và chất vấn trong cả nhiệm kỳ. Qua đó thể hiện thái độ, trách nhiệm của QH trong việc giám sát đến cùng những vấn đề quan trọng của đất nước, những vấn đề cử tri quan tâm, tạo sự đồng thuận, tin tưởng của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ, các bộ, ngành trong bộ máy nhà nước và hoạt động của QH.
Đi đôi với nhiệm vụ giám sát hoạt động của nhà nước, QH còn tự giám sát mình. Trong nhiệm kỳ QH khóa XIV, cùng với việc quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực trong bộ máy hành chính nhà nước nói chung, các ĐBQH cũng rất quyết liệt chống tiêu cực trong đội ngũ. QH khóa XIV ghi nhận số ĐBQH phải rời vị trí khi chưa hết nhiệm kỳ ở mức độ kỷ lục... Việc gương mẫu xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật của các ĐBQH cho thấy hiệu lực của QH không chỉ từ vai trò, chức năng theo quy định của hiến pháp, pháp luật mà còn từ phẩm chất, tư cách và năng lực hoạt động của ĐBQH.
Thực tế đó là minh chứng bác bỏ luận điệu của những đối tượng có âm mưu đen tối, cố tình xuyên tạc rằng “hoạt động giám sát của QH không thực chất, chỉ quyết nghị theo chỉ đạo của Đảng, chỉ mang tính hình thức ”.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội
Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của QH. So với Luật Hoạt động giám sát của QH năm 2003, luật hiện hành đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về hiệu quả hoạt động giám sát, đó là “giám sát của QH, HĐND là hoạt động giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước”. Đây là điều mới được bổ sung nhằm làm rõ tính chất giám sát của QH, HĐND; làm rõ mối liên hệ giữa hoạt động giám sát của QH và các cơ quan của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH; giữa HĐND, thường trực HĐND, các ban của HĐND và đại biểu HĐND trong việc bảo đảm hiệu quả của hoạt động giám sát.
Nhằm bảo đảm cho kiến nghị giám sát có tính hiệu quả và khả thi cao hơn trên thực tiễn, luật bổ sung quy định về trình tự, thủ tục QH xem xét đối với kiến nghị giám sát của cơ quan của QH, đoàn ĐBQH, ĐBQH; UBTVQH xem xét đối với kiến nghị giám sát của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, đoàn ĐBQH và ĐBQH trong trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát của các chủ thể này. Luật cũng quy định rõ thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải thực hiện các yêu cầu, kiến nghị giám sát đối với từng hoạt động giám sát để ĐBQH chất vấn tại kỳ họp QH và phiên họp UBTVQH, cách thức xác định số lượng ĐBQH cần thiết kiến nghị QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn. Bổ sung quy định về việc giám sát của đoàn ĐBQH và của ĐBQH trong việc thi hành pháp luật ở địa phương để phù hợp với vị trí, tính chất giám sát của từng chủ thể.
Cùng với hoạt động lập pháp, QH đặc biệt quan tâm đến giám sát việc thực hiện hiến pháp, pháp luật. Sự giám sát của QH không chỉ bảo đảm cho việc thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quy định của hiến pháp, pháp luật trong thực tiễn mà còn kịp thời phát hiện bất cập, hạn chế trong quy định của pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế. Để thực hiện tốt nội dung nói trên, ngày 26-3-2020, UBTVQH đã ban hành Kế hoạch số 519/KH-UBTVQH14 về việc giám sát văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau khi UBTVQH ban hành kế hoạch, các cơ quan của QH đã xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện. Tại Phiên họp thứ 48 (tháng 9-2020), lần đầu tiên UBTVQH nghe báo cáo tổng hợp kết quả giám sát của các ủy ban của QH về nội dung này. Các cơ quan của QH cũng đã chủ động đưa vào chương trình công tác hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách.
75 năm qua, QH Việt Nam luôn làm tròn trọng trách của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quyền lực giám sát của QH là thực chất. Cử tri cả nước hãy cảnh giác trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch xuyên tạc hoạt động giám sát của QH. Các ĐBQH cũng cần tỉnh táo trước những thông tin sai lệch. Bên cạnh phẩm chất và năng lực cần thiết, ĐBQH cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, theo sát vấn đề giám sát, đôn đốc, nhắc nhở các đối tượng giám sát một cách thường xuyên. Khi các kết luận giám sát chưa được thực hiện, ĐBQH cần kiên quyết phản ánh trước nghị trường, truy đến cùng vấn đề chưa thực hiện tốt để tạo chuyển biến thực sự trong thực tế và kiên quyết đấu tranh với những hành vi xuyên tạc hoạt động giám sát của QH.
(còn nữa)
Nguồn: qdnd.vn
Không có nhận xét nào