Bài 1: Hoạt động lập pháp xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của nhân dân
75 năm đồng hành cùng dân tộc, Quốc hội Việt Nam thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Thế nhưng, một số đối tượng thù địch, bất mãn lại cố tình xuyên tạc, phủ nhận thực tế nêu trên. Điều cần khẳng định rằng, suốt 75 năm qua, Quốc hội Việt Nam ngày càng hoạt động hiệu quả, nỗ lực hết sức để mọi quyền lực Nhà nước đều của dân, do dân, vì dân...
Năm 2020 vừa kết thúc với vô vàn khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Trong khó khăn ấy, Việt Nam vẫn đứng vững với việc tăng trưởng kinh tế thuộc hàng cao nhất thế giới, khống chế thành công dịch bệnh, khắc phục nhanh hậu quả thiên tai. Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nguyên nhân quan trọng dẫn đến thành công đó là mô hình thể chế với nguyên tắc quyền lực nhà nước là tập trung, thống nhất. Nguyên tắc này giúp chính quyền Trung ương có đủ sức mạnh và thẩm quyền để ban hành quyết định nhanh chóng cho toàn hệ thống. Thể chế này có được trước hết là do công tác lập hiến và lập pháp...
Không có luật ban hành nào đi ngược lợi ích của nhân dân
Lập hiến và lập pháp là một trong những hoạt động quan trọng nhất của Quốc hội (QH) Việt Nam. Chức năng này đã được thể hiện xuyên suốt qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Ngoài Hiến pháp năm 1946 quy định nguyên tắc chung “Nghị viện nhân dân đặt ra các pháp luật”, thì cả 4 bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và 2013 đều khẳng định QH là cơ quan lập hiến và lập pháp. Hiến pháp năm 2013 (hiện hành) đã khẳng định, QH là cơ quan làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, làm luật, sửa đổi luật; thực hiện quyền lập hiến, lập pháp.
Lý giải về vấn đề nêu trên, PGS, TS Lê Minh Thông, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH cho rằng, quyền lập pháp được giao cho QH xuất phát từ vị trí đặc biệt của QH trong cấu trúc quyền lực Nhà nước Việt Nam. Bởi QH là cơ quan thực hiện dân chủ đại diện cao nhất của nhân dân. So với cơ quan thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, QH với vai trò là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) là đại biểu cao nhất cho cử tri toàn quốc thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của cử tri cả nước. Các ĐBQH vừa là đại biểu của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, các vùng lãnh thổ, vừa là đại biểu của cả nước, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phục vụ lợi ích của dân tộc và đất nước. Mọi quyết định của QH trong việc thực hiện quyền lực của nhân dân không chỉ do nhân dân ủy quyền, mà còn nhân danh nhân dân-chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, thể hiện ý chí của nhân dân và vì quyền, lợi ích của người dân. Về thực chất tính tối cao của quyền lực QH xuất phát từ quyền chủ thể tối cao của nhân dân đối với quyền lực nhà nước. Với vị trí đặc biệt như vậy, hoạt động lập pháp của QH chính là xuất phát từ ý chí, nguyện vọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không thể có chuyện các luật, nghị quyết của QH ban hành lại đi ngược lợi ích của nhân dân.
Thực tế 75 năm qua, QH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành hàng nghìn luật, nghị quyết, pháp lệnh nhưng chưa có luật, nghị quyết, pháp lệnh nào đi ngược lại với lợi ích của nhân dân.
Có một số người phát biểu trên mạng xã hội cho rằng “quy trình làm luật ở Việt Nam không theo luật và chẳng giống ai”. Có lẽ họ đã không biết được quy trình xây dựng luật tại Việt Nam chặt chẽ và công khai, minh bạch theo quy định của Hiến pháp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Quy trình này bao gồm nhiều khâu, nhiều giai đoạn. Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, UBTVQH lập và trình QH xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở chương trình đó, UBTVQH phân công, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện chương trình này. Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH có trách nhiệm thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện các dự án luật trên cơ sở ý kiến của các ĐBQH, ý kiến của nhân dân, các chuyên gia, đối tượng chịu tác động, các cơ quan, tổ chức hữu quan, UBTVQH với tư cách là cơ quan chuẩn bị và chủ trì kỳ họp QH có trách nhiệm cho ý kiến đối với các dự án luật. Giữa hai kỳ họp, các đoàn ĐBQH cũng tổ chức các hội nghị để trao đổi, thảo luận và lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan. Với một số dự án luật quan trọng, phức tạp, UBTVQH còn tổ chức hội nghị các ĐBQH chuyên trách và các chuyên gia đóng góp. Ý kiến của ĐBQH là cơ sở quan trọng, mang tính quyết định trong việc hoạch định chính sách, chỉnh lý và hoàn thiện từng nội dung của dự án luật.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Theo trình tự này, QH đã nắm trọn quyền lập pháp, từ khâu xây dựng chương trình, trình dự án, lấy ý kiến góp ý, thẩm tra, chỉnh lý và thông qua luật. Quy trình xây dựng luật ở Việt Nam hiện nay cũng tương đồng và phù hợp với quy trình xây dựng luật ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vì thế, ý kiến một số người cho rằng QH chỉ là cơ quan thông qua luật là không có cơ sở lý luận và thực tiễn. Thực tế cho thấy, nếu so sánh giữa dự án luật trình QH với các dự án luật đã được các cơ quan của QH thẩm tra, chỉnh lý, hoàn thiện và QH thông qua thì chất lượng được nâng cao, phù hợp với điều kiện thực tiễn, nhất là về các chính sách, cả về mặt nội dung cũng như hình thức văn bản.
Không có chuyện đại biểu nhấn nút biểu quyết theo “chỉ đạo”
Thực tế đã chứng tỏ QH Việt Nam hoạt động ngày càng hiệu quả. ĐBQH nhấn nút biểu quyết thông qua luật trên cơ sở ý chí, nguyện vọng của cử tri. Thế nhưng, vẫn có người lại đưa ra luận điệu lạc lõng là "QH Việt Nam chỉ thảo luận, thông qua những nội dung theo quyết định của Đảng, việc thảo luận dự án luật chỉ để “cho vui". Luận điệu này khó có thể thuyết phục được những người quan tâm, theo dõi hoạt động của QH và đông đảo cử tri Việt Nam.
Trên thực tế, những vấn đề quan trọng, trong đó có các dự án luật mà QH xây dựng, thông qua đều có dấu ấn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là điều bình thường, bởi theo Điều 4, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Hiến pháp, Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Mọi hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam đều hướng tới nhân dân, vì nhân dân. Bởi vậy, việc QH Việt Nam thảo luận về những vấn đề do Đảng lãnh đạo là đúng Hiến pháp, vì nhân dân, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Thực tế, trước khi thông qua luật hoặc nghị quyết, các ĐBQH đều được thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn. Những nội dung không thuộc bí mật quốc gia đều được công bố công khai, minh bạch cả về tài liệu lẫn các ý kiến thảo luận. Những đạo luật lớn liên quan tới các vấn đề lớn của đất nước được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm như: Hiến pháp, Luật Đất đai... đều được phát thanh, truyền hình trực tiếp các buổi thảo luận để cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát.
Những ai thường xuyên theo dõi hoạt động QH đều biết rằng, các dự án luật khi đưa ra QH thảo luận đều có những ý kiến đồng tình, ý kiến phản bác. Tất cả ý kiến dù đồng tình hay phản bác đều được trân trọng, tiếp thu, giải trình đầy đủ và QH chỉ quyết định theo đa số. Mấy nhiệm kỳ gần đây, không dự án luật nào mà tất cả các ĐBQH đều nhất trí. Một số dự án luật chỉ khoảng 70% ĐBQH nhấn nút đồng ý khi thông qua; thậm chí có dự án luật không được thông qua. Như vậy, trong số những đại biểu nhấn nút không đồng ý, chắc chắn có đại biểu là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó, không thể có chuyện ĐBQH là đảng viên đều phải nhấn nút biểu quyết đồng ý theo “chỉ đạo”.
Cũng có những nội dung sau khi thảo luận, tranh luận đã bị QH bác bỏ, chẳng hạn việc QH chưa đồng ý thành lập Tòa án Nhân dân khu vực, Viện Kiểm sát Nhân dân khu vực khi thông qua các luật tổ chức liên quan tới hai ngành này. Tại Kỳ họp thứ tám, QH khóa XIV, cơ quan soạn thảo đề xuất mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ. Tuy nhiên, sau khi các ĐBQH nhận được ý kiến của cử tri đã thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Kết quả biểu quyết cho thấy, đa số ĐBQH không nhất trí mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ.
Mới đây nhất, vào tháng 11-2020, tại Kỳ họp thứ mười, khi UBTVQH xin ý kiến ĐBQH về các vấn đề liên quan đến dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đã có tới 302 đại biểu không đồng ý (62,79%) việc tách nội dung bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành để ban hành luật riêng. 321 đại biểu không đồng ý (66,74%) với đề xuất của Chính phủ trong việc thay đổi thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an.
Tại cuộc họp báo ngay sau kết thúc kỳ họp, đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của QH cho biết: “Qua thăm dò xin ý kiến, có kết quả như vậy là làm đúng theo tinh thần mới, thể hiện tính dân chủ và quy định chung của QH. Ủy ban Pháp luật cũng không có quyền bác luật, mà chính QH sẽ quyết định. Ủy ban Pháp luật sẽ tham mưu và thẩm tra theo đúng quy định của pháp luật”.
Đó là những ví dụ cụ thể khẳng định QH Việt Nam không “thảo luận cho vui” mà thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số, theo ý nguyện của cử tri và nhân dân. Những luận điệu nhằm làm giảm sút niềm tin của nhân dân với QH chẳng thể nào làm thay đổi được thực tế.
Tiếp tục đổi mới quy trình xây dựng pháp luật
Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được QH khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 tạo cơ sở pháp lý cho tiến trình đổi mới công tác xây dựng pháp luật ở nước ta. Luật có những quy định mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn để Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các tổ chức thành viên khác của mặt trận và các cơ quan, tổ chức khác, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được phản biện xã hội thì hồ sơ dự án, dự thảo gửi thẩm định, thẩm tra, trình cơ quan có thẩm quyền phải bao gồm văn bản phản biện xã hội. Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức, ĐBQH chủ trì soạn thảo và cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, để MTTQ Việt Nam thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật. Ý kiến tham gia về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và ý kiến phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải được nghiên cứu, giải trình, tiếp thu trong quá trình chỉnh lý dự thảo văn bản.
Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đảng và Nhà nước ta luôn nhận thức sâu sắc sự cần thiết xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, toàn diện, là cơ sở xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình xây dựng pháp luật, chúng ta đã tham khảo và bảo đảm các bộ luật, luật, nghị quyết được ban hành phải tương thích với luật pháp quốc tế. Thế nhưng không thể bê nguyên xi luật pháp quốc tế về Việt Nam. Đã từng có những luận điệu của thế lực thù địch “gợi ý” rằng "chỉ cần lấy nguyên luật pháp của quốc tế về áp dụng ở Việt Nam để đỡ tốn tiền làm luật". Đây là quan điểm sai lầm và vô cùng nguy hiểm bởi chúng ta là người Việt Nam. Chúng ta phải xây dựng hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện đất nước Việt Nam, bảo đảm lợi ích lâu dài của Tổ quốc và nhân dân Việt Nam.
Trước những luận điệu xuyên tạc, bóp méo bản chất quy trình xây dựng pháp luật của QH, xuyên tạc lịch sử 75 hào hùng của QH, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, nhận diện và cảnh giác trước những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch để chủ động phòng tránh, không để bị tác động, gây hoang mang tư tưởng hoặc thay đổi nhận thức chính trị vì những luận đó. Đặc biệt, đối với mỗi ĐBQH cần phát huy hơn nữa vai trò trách nhiệm trước cử tri, thận trọng khi phát ngôn để các thế lực thù địch không thể “thêm mắm, thêm muối” lợi dụng nhằm đạt được những mục đích xấu xa, đen tối của chúng.
(còn nữa)
Nguồn: qdnd.vn
Không có nhận xét nào