MKRdezign

TIN MỚI

Công đức: chuyện một dòng tiền không kiểm soát (Công đức tùy tâm)

Đền Hồng Sơn, thành phố Vinh, Nghệ An, con trai của An Sinh Vương Trần Liễu - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn tọa trên ngai, vây quanh bởi gia quyến và các vị danh tướng.
Bất chấp không gian khiêm tốn giữa lòng thành phố, số tiền công đức đền thu trong năm 2016 là 1,47 tỷ đồng, theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh này.
Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 1.400 di tích đã được xếp hạng. Phần lớn trong số này, đều là các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo. Và không phải ban quản lý nào cũng có sự tự hào "minh bạch" như ở đền Cửa Ông.
Theo quy định của tỉnh, quyết toán thu - chi và dự toán chi tiêu phải được các Ban quản lý lập văn bản báo cáo và nộp về cơ quan có thẩm quyền. Song trong hai năm qua, chỉ 4 di tích có nguồn thu công đức tiền mặt trên một tỷ đồng thực hiện chế độ báo cáo.
Tháng 8 năm 2017, một đoàn thanh tra được lập ra. Trong gần 1.400 cái tên, họ chọn bảy địa điểm được coi là có lượng người tới chiêm bái đông đảo để tiến hành thanh tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức.
Các bản kết luận thanh tra sau đó có những gạch đầu dòng khá giống nhau trong mục "tồn tại": chưa thực hiện chế độ báo cáo quyết toán thu, chi; chưa thẩm tra phê duyệt quyết toán; chưa mở tài khoản tại Kho bạc để quản lý tiền công đức; chưa xây dựng dự toán sử dụng nguồn công đức; chưa trích tỷ lệ phần trăm cho ngân sách địa phương và nguồn bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của tỉnh...
Trả lời cho kết luận thanh tra, đặc biệt là số tiền khoảng 600 triệu đồng chưa trích nộp cho Quỹ bảo tồn di sản , ông Bùi Quang Phương, trưởng ban quản lý đền Hồng Sơn giải thích, do "điều kiện khách quan", "chậm giấy tờ, chậm thủ tục".
Nguyên nhân là tiền công đức đang được tập trung để trùng tu hạ điện với nguồn kinh phí lớn. Vị trưởng ban bảo đảm sẽ nộp "trong thời gian tới".
UBND tỉnh Nghệ An cuối năm đều có văn bản nhắc nhở. Nhưng khi chưa có chế tài, những khoản tiền chưa được trích về vẫn là những món nợ khó đòi.
Nhưng những người viếng đền không quan tâm đến các mâu thuẫn hành chính. Họ đổ về đền Hồng Sơn, hàng trăm người mỗi ngày trong những ngày lễ đầu năm, để "dâng sao giải hạn". Hoạt động này, dù diễn ra ngay trong không gian của di tích, từng nằm hoàn toàn ngoài sự quản lý của bên hữu trách: các thầy cúng tự tổ chức, tự thu tiền con nhang theo sự sáng tạo riêng (hoặc yêu cầu của các bậc thánh thần).
Theo chia sẻ của Trưởng ban, nguồn thu công đức từ đền Hồng Sơn trước năm 2011, thường chỉ ở mức 200 triệu đồng. Nhưng từ ngày có Ban quản lý mới, số tiền thu thường xấp xỉ một tỷ đồng. Ngoài minh bạch thu chi, đền tăng được nguồn thu còn là nhờ "quản lý chặt các dịch vụ thầy cúng đầu năm".
Theo mô hình quản lý mới, các "thầy" sẽ đăng ký trước với nhà Đền lượng người dự lễ giải hạn, cầu an, hoặc bất cứ hoạt động nào do mình chủ trì. Ban quản lý sẽ bố trí không gian, thời gian và người theo dõi. Ban quản lý không tham gia thu phí hoạt động do các "thầy" tổ chức. Nhưng khi buổi cúng kết thúc, các "thầy" sẽ phải công đức lại cho đền một khoản "hợp lý".
"Các ông thầy vào đó, các ông làm lễ ra tiền, các ông phải có trách nhiệm đóng góp vào đền. Ví dụ các ông làm lễ đó xong, thì phải để lại một khoản phần trăm theo biểu giá hợp lý. Ông làm một cái lễ 150 nghìn, ông phải công đức ít nhất là 50 nghìn".
Vị trưởng ban quản lý đền Hồng Sơn, tuy vậy vẫn lắc đầu, "đền này ít khách, không ăn thua gì". Sự "ăn thua" này, trong những ngày đầu xuân, có thể nhìn rõ hơn ở đường Tây Sơn, Hà Nội trong đêm mùng 8 tháng Giêng. Dòng người xếp hàng cả cây số, đứng ngồi khấn vái, chuyện trò, tay cầm sẵn sớ, sẵn tiền đợi lượt "dâng sao".
Đó cũng có thể là những ngôi đền cúng Ông, cúng Thánh, cúng Mẫu trong những giá hầu đồng tiền tỷ. Trong tiếng nhạc của 36 giá hầu, trong điệu lưu thủy kim tiền, những tờ đô la và đồng bạc polymer liên tục được vung ra bốn phía.
Cho đến lúc này, các văn bản luật và dưới luật về nguồn thu của cơ sở tín ngưỡng chỉ đang điều chỉnh hai khái niệm chủ yếu là "tiền công đức" và "tiền giọt dầu" - các phương pháp quyên góp cơ bản từ nhà hảo tâm cho việc duy trì và xây dựng đền, miếu. Nhưng trên thực tế, nguồn thu có thể rất đa dạng.
Sân chùa Trình, Yên Tử trong ngày đầu năm, một người mặc áo tu hành đứng giảng giải về "tam tài" trong vòng đời của một con người. "Ngoại tài là tiền bạch nhà cửa trâu bò, nội tài là thân sinh, gia quyến" còn mật tài là thứ dây đeo ông đang cầm trên tay, đã được niệm chú cầu nguyện.
Vòng người vây quanh chăm chú lắng nghe, liên tiếp chìa tay xin thứ "mật tài", sau khi đã đút tiền vào hòm công đức, và vào hộp "mừng tuổi" đặt trước mặt ông. Cây hoa ngọc lan chùa Trình hôm ấy phấp phới hàng ngàn dải lụa "mật tài" ghi những điều ước nguyện nhà cửa, đỗ đạt, lô đề.
Sự nở rộ của các dịch vụ tâm linh kiểu này nằm ngoài mọi sự kiểm soát chính thống: nó phụ thuộc vào sự tự giác của ban quản lý di tích.
Nguồn: vnexprss

Không có nhận xét nào