MKRdezign

TIN MỚI

Công đức: chuyện một dòng tiền không kiểm toán (Phần mở đầu)

Nguồn thu tiền mặt tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang là nơi xuất phát của nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm.
***
Đền Cao, xã An Sinh, Kinh Môn, Hải Dương, đầu năm 2006.

An Sinh Vương Trần Liễu tọa trên ngai trong ngôi đền cao nhất đỉnh núi An Phụ. Xa xa phía Đông Bắc là dãy Yên Tử, phía Tây Bắc là Kính Chủ - Nam Thiên đệ lục động. Còn phía Tây Nam là miền châu thổ mênh mông. Ở thung lũng nhỏ bé dưới chân ngài, người dân xã An Sinh đang tất bật vụ mùa.

Trong thung lũng ấy, tại Văn phòng Đảng ủy xã An Sinh, xảy ra một vụ án "lợi dụng chức vụ quyền hạn" hiếm hoi tại Việt Nam mà toàn bộ tiền giao dịch chỉ mang mệnh giá từ 10 nghìn đến 50 nghìn đồng: Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn và Chủ tịch UBND xã An Sinh đang ăn cắp tiền công đức của Đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu.
Vị Chủ tịch Công đoàn sẽ viết giấy đề xuất xin tiền từ tiền công đức thu tại Đền Cao để "hỗ trợ quỹ Công đoàn". Chủ tịch UBND sẽ ký duyệt. Bí thư Đảng ủy chỉ chịu trách nhiệm giữ im lặng. Tám triệu đồng được cho vào quỹ Công đoàn để hợp lý hóa tờ giấy đề xuất. 47 triệu đồng còn lại, họ chia nhau đút túi riêng.
Việc kiêm nhiệm Trưởng ban quản lý khu di tích đền Cao An Phụ không chỉ mang đến cho ông Chủ tịch xã một hoạt động sinh lợi. Ngày 31/1/2006, một ngày trước khi khai hội đền Cao, trong phòng làm việc riêng tại ủy ban xã, vị Chủ tịch đề xuất với bà kế toán lễ hội: chỉ đạo cho hai cấp dưới soát quay vòng vé tham quan. Bà kế toán đồng thuận.
Cũng trong phòng Chủ tịch xã, bà kế toán đề xuất thêm: hằng ngày, khi bà mở khóa hòm công đức để kiểm đếm tiền thu được tại di tích, bà sẽ trích lại một khoản để hai người chia nhau. Ngài Chủ tịch gật đầu.
Mọi việc vận hành trơn tru như dự định trong suốt 3 tuần sau đó. Từ những vé tham quan di tích giá ba nghìn đồng và những đồng lẻ công đức của du khách, nhóm này chiếm đoạt được gần 200 triệu đồng. Cho đến chiều 26 tháng 2 - lần "thụ lộc" đền Cao cuối cùng của họ.
Trong những đồng tiền lẻ mà các cán bộ An Sinh gom góp thành khối tiền hàng trăm triệu, có những đồng bạc của bà Xuyên. Mười Hai tháng Giêng năm ấy, bà Xuyên bán đổ đống được hai sào hành, tiền lãi hơn hai triệu đồng. Tranh thủ vừa cấy xong đám mạ, phơi hành khô đợi bán, người nông dân sắp cái lễ hoa quả lên viếng ở đền Cao đúng dịp Rằm tháng Giêng.
Chiều hôm ấy, tiếng hô hoán, bàn tán ầm ầm, của những người hàng xóm khiến bà Xuyên đang dở tay cắt rễ hành cũng đặt dao xuống, chạy ra ngoài cổng nghe ngóng. Dân tình đổ về đằng Ủy ban, đằng nhà các cán bộ xã đông nghịt.
Người phụ nữ hôm nay bị cảnh sát huyện Kinh Môn còng tay dẫn đi, cùng với tang vật chính là người hôm ấy còn viết phiếu công đức, hướng dẫn bà Xuyên sắp lễ, thắp nhang, hỏi han mùa màng cấy hái.
"Chết chửa, quá là báng bổ thánh thần", đám đông vãn dần khi những bóng xe cảnh sát đi hết, nhưng tiếng xì xào còn tiếp tục nhiều tháng sau. Mọi người bắt đầu hỏi dò nhau về số tiền "hôm nọ" mình cúng trên đền. Họ lo về những cái "hạn" ngôi làng nhỏ bé này sắp phải gánh từ cơn thịnh nộ của đức An Sinh Vương.
Tháng 1 năm 2007, tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử vụ án. Xã An Sinh rồng rắn hơn hai chục xe máy, đi 30 cây số lên thành phố xem tòa. Bà Xuyên cũng đi hai ngày liền. Người "hưởng nhiều lộc" nhất từ An Sinh Vương Trần Liễu, Chủ tịch xã An Sinh, bị kết án 7 năm tù.
Trong bài viết này, là câu chuyện của đồng tiền công đức, diễn ra dưới ban thờ của 4 vị danh nhân nhà Trần: Trần Liễu, Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông và Trần Quốc Tảng.
Dưới con mắt của An Sinh Vương Trần Liễu và các con cháu của ông, trong những sân đền và cửa chùa, là một dòng tiền mặt với đặc tính cơ bản: sự bất cân xứng về thông tin giữa những người đưa và người nhận. Giữa những tín đồ như bà Xuyên và các "tay hòm chìa khóa", là hàng nghìn tỷ đồng không kiểm toán, với 3 tính chất: khối lượng lớn; nhiều biến thể và không thể kiểm soát bằng pháp luật hiện hành.
Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào