Công đức: chuyện một dòng tiền không kiểm soát (Thân phận chiếc hòm)
Đỉnh núi Yên Tử, Quảng Ninh, cháu ngoại của An Sinh Vương Trần Liễu - Phật Hoàng Trần Nhân Tông an tọa đài hoa sen trên đỉnh núi cao hơn 1.000 m quanh năm sương mờ.
Cách đây tròn 720 năm, Phật Hoàng rời hành cung Vũ Lâm, Ninh Bình tới vùng núi non này để tu hành 10 năm cuối đời và lập ra thiền phái Trúc Lâm. Hôm nay, ngay dưới chân Phật Hoàng, vị vua công đức hiển hách, trí tuệ minh triết, là một cuộc tranh luận chưa hồi kết về tiền.
Có một vấn đề phổ biến của các ngôi chùa như trên dãy Yên Tử: Phần "chùa" thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam - một tổ chức tôn giáo phi chính phủ. Theo thông lệ lịch sử và thông lệ quốc tế, nguồn tiền công đức sẽ do Giáo hội tự thu chi, không có trách nhiệm phải báo cáo ai. Nhưng phần "ngôi" trong chữ "ngôi chùa", là quần thể công trình, lại thường xuyên là một "di tích lịch sử" cấp địa phương hoặc quốc gia. Di tích này, theo lý thuyết, phải thuộc sự quản lý của chính quyền nhân dân.
Một ngôi chùa mà cũng là di tích lịch sử đồng thời thuộc sự quản lý của hai pháp nhân. Lập luận của chính quyền: họ cần tiền công đức để tu bổ di tích. Lập luận của phía bên kia: không ai được động vào tiền của nhà chùa.
Bà Điệp, người thợ hồ kính Phật từ Bắc Ninh, mang một quan niệm cao cả: tiền công đức, một khi cho đi, thì là tiền của Phật. Và "Phật thì có mắt, nên không ai làm bậy được", bà nói.
Nhưng quan niệm giàu tính triết học này không giúp được gì cho mâu thuẫn của các pháp nhân muốn cầm tiền. Thông qua truyền thông, chính quyền các cấp của Quảng Ninh từng nhiều lẫn giãi bày về việc nếu không có tiền công đức, họ không biết lấy gì tôn tạo Yên Tử. Đã có lúc chính quyền tại Quảng Ninh đưa ra phương pháp "bán vé" vào khu di tích Yên Tử với lý do cần tiền tu bổ, tôn tạo. Biện pháp này bị dư luận phản đối kịch liệt.
Còn phía nhà chùa, Đại đức Thích Đạo Hiển, chánh thư ký Giáo hội tại Quảng Ninh, khẳng định rằng việc tôn tạo ở Yên Tử nhiều năm qua Giáo hội đã lo bằng tiền công đức rồi.
Năm 2017, chính quyền Quảng Ninh hành động quyết liệt: đưa ra văn bản quy phạm pháp luật cho phép can thiệp vào nguồn công đức và giọt dầu của Yên Tử.
Trong một báo cáo ngày 20/1/2017, Sở Tài chính tỉnh Quảng Ninh ước tính sơ bộ số thu tiền giọt dầu, công đức tại các chùa của tỉnh này khoảng trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Đối với các chùa, việc quản lý số thu nộp và sử dụng chủ yếu do nhà chùa tự quản.
Văn bản này, đồng thời để nghiêng và bôi đậm "công tác quản lý nhà nước đối với nguồn thu này trên địa bàn tỉnh hiện còn rất khó khăn, bất cập, chưa quản lý và kiểm soát được".
Ba ngày sau, phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ký quyết định 489 về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với nguồn thu tâm linh này. Chính quyền muốn đặt một khóa riêng lên hòm công đức.
Đáp lại văn bản này, Trưởng Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh, Thích Thanh Quyết , đồng thời là trụ trì của chùa Yên Tử, từ chối thực hiện. Vị Thượng tọa gửi bản đề nghị thu hồi Quyết định 489 tới UBND tỉnh Quảng Ninh với lý do "không phù hợp với quy định của pháp luật" và bị các cá nhân tập thể "phản ứng gay gắt".
Vị Trưởng Ban Trị sự giáo hội phật giáo tỉnh Quảng Ninh nêu 7 dẫn chứng luật pháp, phân tích và bảo vệ cho ý kiến của mình. Ông kết lại với lời cảnh báo đến chính quyền "nhiều phản ứng tiêu cực có thể tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định như: đòi khiếu kiện đông người, thậm chí đòi tự thiêu".
Theo thống kê của UBND TP Uông Bí, số tiền công đức chùa Yên Tử thu về trong 10 năm, từ 2007 đến 2017 khoảng 242 tỷ đồng. 4% trong số này dành hỗ trợ cho Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. 96% còn lại do nhà chùa quản lý, cùng 100% tiền giọt dầu.
Đại đức Thích Đạo Hiển cho rằng vấn đề không phải ở tiền mà ở chủ quyền của người tu hành phải được tôn trọng.
Cuộc tranh luận "ai được sờ vào tiền công đức" chưa có hồi kết. Tháng 2 năm 2019, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, Vũ Thị Thu Thủy, người ký quyết định 489, từ chối trả lời báo chí.
Mâu thuẫn quyền hạn này cũng bộc lộ ở các Ban quản lý di tích cấp cơ sở. Khi cơ quan này được giao quản lý những di tích là chùa, có trụ trì là thành viên của Giáo hội, câu hỏi được đặt ra: ai được quyền quản lý tiền giọt dầu, công đức tại những cơ sở tôn giáo này?
Ông Phạm Nghĩa Dũng, chánh Thanh tra Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Nghệ An quan niệm "đã gọi là tiền thì từ nguồn nào cũng phải do nhà nước quản lý".
Trong khi đó, Trưởng Ban quản lý di tích huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương bày tỏ thực trạng ở địa phương "Giáo hội Phật giáo họ quản lý hết, vì họ là người đến trước". Nhưng ông chủ trương "không va chạm", vì không cơ sở pháp lý nào hướng dẫn ông phải làm gì với những mâu thuẫn này.
(còn nữa)
Nguồn: vnexpress.net
Không có nhận xét nào