Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 4: Không thể trở về)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Lời mở đầu)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 1: Món hàng trên Wechat)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 2: Những cô gái biến mất)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 3: Cô dâu 6 vạn tệ)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 1: Món hàng trên Wechat)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 2: Những cô gái biến mất)
Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 3: Cô dâu 6 vạn tệ)
Tháng 8 năm 2017, Tòa án nhân dân tỉnh Yên Bái mở phiên xét xử lưu động anh em Cư Seo Quang, Cư Seo Đồng và Sùng Seo Vảng về tội Mua bán người. Anh em Quang, Đồng đều nhận mức án 7 năm tù, riêng Vảng 9 năm.
Cư Seo Quang lĩnh án khi còn gần một tháng nữa mới tròn 18 tuổi. Nhưng thanh niên này, trước khi lọt lưới công an đã kịp gây ra bảy vụ án, ba vụ mua bán người và bốn vụ mua bán trẻ em, lừa bán 9 cô gái sang Trung Quốc.
Khi bị truy nã, các đối tượng trong đường dây này đã trốn sang Trung Quốc. Thào Seo Chúng gia nhập băng nhóm người Việt, sống trong một căn nhà thuê ở Hà Khẩu. Nhóm này chuyên liên lạc với người trong nước, mua lại các nạn nhân bị lừa bán, rồi chuyển sâu vào nội địa Trung Quốc bán làm gái mại dâm hoặc làm vợ. Chúng bị công an Trung Quốc tiêu diệt trong một cuộc vây bắt tháng 3/2017, khi cố dùng súng chống trả.
Ngày Quang bị xét xử, Chang đang ngồi lắp ráp thiết bị điện tử trong nhà máy ở Thái Nguyên. Hai tháng sau khi bị bán, cô trốn được về nước và làm đơn tố cáo. Mẹ Chang không cho con gái mình đi học tiếp. Chị sợ con bé bị lừa bán thêm một lần. Cô gái chiều lòng mẹ, đi làm công nhân. Giàng Thị Dung, sau cuộc giải cứu trở về cũng đã nghỉ học. Những cô gái không thể quay trở về theo đúng nghĩa.
Khi Miên mặc váy cưới, đứng khóc trong lễ đường ở Bắc Kinh, ông Giàng A Tờ đang lang thang ở mấy vùng nông thôn Vân Nam để tìm con gái. Ông cầm trên tay tấm chân dung con được in từ Facebook. Ông hỏi thăm những làng nào có nhiều trai "ế" nhất. Nhà nào có con trai mới lấy vợ Việt Nam là ông đến, gặp đồn công an nào ông cũng hỏi. Nhưng bặt vô âm tín. Ông đâu biết, con gái đã bị bán tới thủ đô Trung Quốc, cách nơi ông đang tìm hơn 3.000 cây số.
Người cha bán hết ba nương ngô, hai con trâu, vay thêm mấy chục triệu ngân hàng làm lộ phí. Qua hai tuần hết nhẵn túi, ông đành phải trở về. Người cha vừa vay thêm tính đi tiếp, thì nhận được tin con.
Những ngày làm vợ, Miên chỉ quanh quẩn trong ngôi nhà hai tầng với bố mẹ chồng. Người chồng đi làm nửa tháng mới về một lần. Sống trong căn nhà đó, Miên như người câm. Cô không biết nói ngôn ngữ của họ, cũng không hiểu họ nói gì.
Miên nghĩ đời còn dài, nên ngoan ngoãn sống, rồi năn nỉ chồng mua điện thoại dùng cho đỡ buồn. Cô tạo được Wechat, chồng về thì gỡ, chồng đi thì cài. Miên tìm được Wechat của bố. Ở Bắc Hà, các chú hay sang Trung Quốc làm thuê, và họ giữ liên lạc bằng cách đó. Cô chụp ảnh, gửi vị trí nơi mình đang sống cho ông.
Một tuần sau, công an Trung Quốc đến tận nhà đưa cô đi. Mẹ chồng chạy theo níu tay giữ lại. Bà hỏi cho bao nhiêu tiền thì cô chịu ở lại. Miên giật tay ra. "Các người kế hoạch hóa gia đình, sao hậu quả lại là con gái Việt Nam phải nhận?", cô hỏi. Người công an phiên dịch lại câu ấy, mẹ chồng buông tay để Miên đi.
Miên gặp lại người yêu trong tù. Bán Miên xong, Ao cũng bỏ trốn. Một tháng sau, Ao đầu thú. Nghe tin cô trở về, bố mẹ Ao đến nhà tìm. Họ bảo đi thăm con trai và muốn cô đi cùng. Miên chần chừ, rồi cũng quyết định đi. "Em chỉ muốn gặp để hỏi vì sao nó lại làm như thế".
"Anh không có ý định bán em. Không ai ngu đến mức bán người yêu lại tổ chức sinh nhật cho em", Ao quỳ xuống khi nhìn thấy người yêu cũ.
"Mày không yêu tao sao, mà lại bán tao?".
"Anh xin lỗi. Anh bị mấy thằng bạn lừa, anh thật sự không muốn bán em".
Ao lãnh một cái tát từ Miên, nhưng không chống cự. Cô gái bước khỏi phòng thăm gặp với gương mặt đầy nước mắt. Người con trai ấy là mối tình đầu của Miên.
Năm Miên 15 tuổi, trai bản đến rủ đi chơi nhưng cô đều lắc đầu. Miên muốn đi học. Con gái trong bản này chỉ học đến lớp 9 rồi đi lấy chồng. Miên trở thành cô gái đầu tiên của bản xuống Mường Khương học cấp 3. Người trong bản khen cô giỏi, các em gái đều muốn được như Miên.
Ao hơn Miên một tuổi, học khoá trên, cùng trường. Đôi trai gái yêu nhau hai năm, cả hai nhà đều biết. Miên đã về nhà người yêu chơi nhiều lần.
Trở về từ trại giam, Miên mới bỏ cái sim điện thoại hay dùng để nói chuyện với người yêu cũ. Cô trốn biệt trong nhà, không gặp ai. "Mình tự trách mình lúc ấy còn quá trẻ đi, không hiểu tình yêu là sự lừa dối, mù quáng để bị lừa. Nhưng bố bảo "Vì con yêu sai người thôi".
Miên và Đòa, bây giờ sống cùng các cô gái trở về trong Ngôi nhà nhân ái, dưới sự bảo trợ của một quỹ phòng chống buôn người tại Việt Nam. Các cô gái vẫn đến trường, học may vá. Miên đang học lớp 12 và mong muốn thi vào đại học Dược. Những cô gái may mắn trở về từ bên kia biên giới, đã chọn cách ở lại ngôi nhà này, học cách quên quá khứ.
Miên ít khi về Bắc Hà, dù rất nhớ cao nguyên đầy hoa mận trắng mùa xuân. Cô sợ gặp người trong bản, nghe những lời phân biệt "con gái chưa đi Trung" và "con gái đã đi Trung". Họ coi những người đã đi Trung là "đồ thừa" và cấm con gái chơi với Miên.
"Lúc em về, làng xóm thương bố mẹ, bảo nếu mày chết đi thì nhà mày đã không mất nhiều tiền như thế. Nương bán hết rồi, giờ lấy gì mà ăn? Mấy đứa con gái trong thôn muốn đi học, nhưng bố mẹ chúng bảo cứ nhìn mình đi. Đi rồi cũng sẽ có kết cục như nó", nhiều đêm Miên khó ngủ, dằn vặt vì "mình ảnh hưởng đến con gái trong bản quá lớn". Cô muốn nói "mọi thứ không như thế đâu", nhưng không biết làm cách nào để giải thích.
Năm 2015, Bắc Kinh chuyển từ chính sách một con sang chính sách hai con. Nhưng có thể phải mất hàng thập kỷ nữa mới có thể nhìn thấy kết quả gia tăng số lượng phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Và khi đó, các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam vẫn là nơi được tội phạm nhòm ngó để phục vụ hàng chục triệu "trai thừa" nước này.
Khung cảnh khúc suối cạn tại Nà Lốc, nơi các cô gái bị đưa qua.
Miên và Đòa không thể trở về làng bản. Nhưng họ vẫn may mắn hơn nhiều người phụ nữ khác không thể trở về Việt Nam.
Căn nhà gỗ của Giàng A Phồng nằm cách nhà Lù Thị Chang một đồi cỏ gianh. Bao quanh là những thửa ruộng bậc thang mới cấy. Đứng từ sân nhà A Phồng có thể nhìn thấy Quốc lộ 32 . Con đường chạy qua bản Đề Sủa, qua thị trấn Than Uyên, theo Quốc lộ 4D, qua Sa Pa về thành phố Lào Cai. Hai năm qua, đã có 7 người từ bản này bị bán theo con đường ấy sang bên kia biên giới, trong đó có vợ Phồng.
Anh Phồng nhận được một cuộc gọi từ đầu số +86 vào chiều 26 Tết, khi đang chở con gái đi chợ Than Uyên mua váy mới. Nhìn thấy dãy số dài, anh biết cuộc gọi từ Trung Quốc nên vội tấp xe vào lề đường nghe máy.
"Em đây, anh sống thế nào?", đầu dây bên kia vang tiếng chị Chơ.
"Anh đang đưa con Cáy đi mua quần áo". Sau đó là hàng loạt câu hỏi ở đâu, làm gì.
"Em không quay về được, anh cố nuôi con. Sau này em tìm được lối thì em về. Em tắt máy đây, chồng mới sắp về rồi".
Cái Cáy ngồi sau yên xe, đòi nói chuyện với mẹ. Nhưng không kịp. Bên kia đã tắt máy. Từ ngày mẹ ra đi, con bé chưa có thêm cái váy mới nào. Váy cũ mặc ba năm đã rách, bố với anh trai không biết khâu. Cái Su, cái Tẩn ở ngõ dưới vẫn được mẹ dệt váy cho.
Chị Chơ đi theo một người đàn ông sống gần cửa khẩu Lào Cai. "Người đó hay tới bản này chơi, rủ nó đi cửa khẩu tìm việc cho".
Ba năm, người đàn ông mất vợ chỉ đi nương, lấy củi một mình. Gian nhà gỗ không sắm thêm gì mới. Cái máy khâu vợ hay dùng may vá, thi thoảng người chồng vẫn mang ra lau cho mới. Nhưng không có kim may, cò giật chỉ cũng đã han.
Sau cuộc gọi kia, anh Phồng biết mình đã mất hẳn vợ. "Nó đã là vợ người ta, như con lợn đã bị nhốt trong chuồng rồi, làm sao mà về với mình được nữa".
Không có nhận xét nào