Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 2: Những cô gái biến mất)
Tư tưởng "cần kiểm soát dân số" được trình bày rộng rãi tại Trung Quốc lần đầu vào tháng 7/1955, bởi một nhà kinh tế tên Mã Dần Sơ, ủy viên Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân. Ông này, sau các nghiên cứu, cho rằng tốc độ tăng dân số của Trung Quốc đang tăng quá nhanh so với tốc độ tăng vốn.
Hai năm sau, Mã lần đầu trình bày Lý thuyết dân số mới tại Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, với kết luận rằng sự gia tăng dân số với tốc độ cao sẽ không có lợi cho sự phát triển của Trung Quốc. Vị này chủ trương rằng nhà nước cần phải kiểm soát sinh sản của người dân.
Bài phát biểu được Nhân dân Nhật báo đăng tải đã tạo nên một sự náo động. Lý thuyết của Mã Dần Sơ bị chỉ trích nặng nề khi không phù hợp với truyền thống của người Trung Hoa.
Nhưng rồi quyết tâm phát triển kinh tế đã chiến thắng mọi quan niệm.
Sau ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập năm 1949, ổn định xã hội cùng tiến bộ y tế khiến tỷ lệ tử vong giảm mạnh, tỷ lệ sinh tăng tạo nên một cuộc bùng nổ dân số.
Trong vòng ba mươi năm, dân số nước Trung Quốc mới đã tăng gần gấp đôi, từ 500 triệu lên 969 triệu người vào năm 1978. Trung Quốc khi đó đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương thực và nhà ở. GDP đầu người thời gian này chỉ đạt 250 USD một năm.
Cuộc bùng nổ dân số đã khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu đưa ra biện pháp chính thức để kiểm soát sinh đẻ và kế hoạch hóa gia đình. Trong thập kỷ 70, để hãm đà tăng, chính quyền kêu gọi người dân sinh "muộn, hi, thiểu". Muộn nghĩa là nam nữ kết hôn sau tuổi 25; hi là khoảng cách giữa các lần sinh nở dài hơn; và thiểu khuyến nghị các cặp vợ chồng dừng lại ở hai con.
Nhưng những gì Trung Quốc phải đối mặt những năm sau này, với sai lầm của công cuộc Đại nhảy vọt, khiến lý thuyết về kiểm soát dân số của Mã Dần Sơ bắt đầu được nhìn nhận lại.
"Chỉ trích lầm một người, dân số tăng nhầm 300 triệu", trở thành câu nói tổng kết của người Trung Quốc về vụ việc này.
Tháng 1 năm 1979, trang nhất Nhân dân Nhật báo đưa tin về hội nghị của Văn phòng sinh đẻ kế hoạch toàn quốc, đề xướng "Mỗi cặp vợ chồng tốt nhất sinh một con, nhiều nhất hai con".
Giữa tháng 12 năm ấy, Phó thủ tướng Trần Mộ Hoa tuyên bố: "Giờ chúng ta đề ra ‘tốt nhất một con’, bỏ ‘nhiều nhất hai con’ đi. Đây là yêu cầu chiến lược trong quá trình phát triển dân số của nước ta". Sau này, bà Trần Mộ Hoa được giao phụ trách Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia.
Tháng 9 năm 1980, Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc thống nhất "Chỉ sinh một con". Ngày 25 tháng 9 năm 1980, Trung ương Trung Quốc ban hành thư chỉ đạo có nội dung "Để khống chế dân số dưới 1,2 tỷ cho tới cuối thế kỷ 20, Quốc vụ viện kêu gọi toàn quốc, đề xướng mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con".
Chính sách được Trung Quốc đưa vào Hiến pháp 1982. Điều 25 quy định "Nhà nước ban hành sinh đẻ kế hoạch nhằm làm cho sự tăng dân số hài hòa với kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội". Và Điều 49 có nội dung "Cả vợ và chồng đều có nghĩa vụ thực hiện sinh đẻ kế hoạch". Sinh đẻ theo kế hoạch đã trở thành một loại trách nhiệm công dân phải thực hiện với đất nước của mình. Từ đó đến nay, Trung Quốc bốn lần sửa đổi Hiến pháp, song những điều trên vẫn giữ nguyên.
Miên chào đời một ngày đầu hè năm 2000, khi thung lũng mận tam hoa trên cao nguyên Bắc Hà sắp vào mùa. Theo phong tục của người Mông đen, ba ngày sau, cô bé được làm lễ đặt tên. Ông Giàng A Tờ thắp hương báo cáo tổ tiên đã sinh được con gái đầu lòng. Ông mổ lợn, làm hai mâm cơm mời anh em đến nhà ăn cỗ.
Cùng năm ấy, Trung Quốc cán mốc thiên niên kỷ với đúng mục tiêu đề ra, khi kìm hãm được dân số ở mức 1,26 tỷ người; thu nhập bình quân gần 1.000 USD và tăng trưởng dân số hạ xuống còn 0,8%.
Nhưng ở bên kia biên giới, nhiều người Trung Quốc không thể mổ lợn ăn cỗ khi có con gái. Hai tác giả Valerie M. Hudson và Andrea M. den Boer chỉ ra, từ năm 1995 tới giữa thập niên 2000, mỗi năm Trung Quốc "biến mất" khoảng một triệu bé gái. Vì lựa chọn giới tính thai nhi và vứt bỏ con gái.
Các nhà nghiên cứu xã hội học gọi các trẻ em gái đáng ra phải xuất hiện theo tỷ lệ sinh thông thường, nhưng không thể ra đời vì tâm lý trọng nam khinh nữ là "missing girls" – những cô gái biến mất.
Biểu ngữ "Mỗi gia đình chỉ sinh một con là tốt".
Chính sách kéo dài bốn thập niên đã giảm được 400 triệu đứa trẻ ra đời. Một tỷ lệ lớn trong số đó là con gái. Nhiều gia đình Trung Quốc đã quyết định: đứa con duy nhất mà họ được cho phép sinh trong suốt cuộc đời, nên là con trai.
Những người chống lại Chính sách một con bị trừng phạt bằng chủ nghĩa lý lịch. "Chúng tôi như một đội du kích sinh quá con, trốn tránh khắp nơi. Các con đi học, thầy cô chẳng bao giờ thấy mặt bố của học sinh. Tên thật của cha cũng buộc phải giấu. Mỗi khi ra ngoài, chúng tôi phải đi cách nhau 200 mét", đạo diễn Trương Nghệ Mưu giải bày trên Xinhua, cuối năm 2013 về việc vi phạm chính sách. Ông với người vợ Trần Đình có ba đứa con, hai trai, một gái.
Chính quyền tỉnh Giang Tô thống kê có 425 đứa trẻ mồ côi, phần lớn là bé gái, bị bỏ rơi trong năm đầu tiên thực hiện chính sách. Ở Quảng Tây, 80% những đứa trẻ bị mang ra chợ đen bán là con gái.
"Qua siêu âm, nếu phát hiện mang thai con gái, không ít người sẽ bỏ thai, thậm chí giết con ngay khi mới chào đời", theo Sohu.
Theo thống kê đến cuối năm 2017, nam giới ở tất cả các tỉnh của Trung Quốc đều nhiều hơn nữ giới. Số liệu Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố đầu năm nay, tính riêng ở Trung Quốc đại lục, nam giới nhiều hơn nữ giới 31,6 triệu người. Chỉ tính những người sinh sau năm 2000, tỷ lệ đã là 118 bé trai trên 100 bé gái.
"Những con số này khiến nam nhân nước ta như ngồi trên đống lửa", tờ Sohu bình luận.
"Những cô gái biến mất" vì kế hoạch hóa gia đình tại Trung Quốc những thập kỷ trước được thay thế một phần bởi những cô gái biến mất khỏi các bản làng Việt Nam.
Nguồn: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào