MKRdezign

TIN MỚI

Những cô dâu việt giá sáu vạn tệ (Phần 3: Cô dâu 6 vạn tệ)


Lúc mua Đòa về, người chồng vừa tròn 30 tuổi. Trong ngôi làng chuyên trồng lúa ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông, những cô gái trong làng lên thành phố kiếm việc, lấy chồng, bỏ lại ngôi làng "độc thân" với gần trăm người đàn ông chưa tìm được vợ. Quảng Đông là tỉnh mất cân bằng giới tính nhất Trung Quốc, khi số chênh lệch giữa nam và nữ là 5,56 triệu người.
Gần một năm sống ở nhà chồng, Đòa gặp hơn chục cô gái bị bắt cóc, bán làm vợ như mình. Mỗi lần trong thôn có một cô mới mua về, người đàn ông mà chồng cô gọi là "shū shū" (chú), lại đến nhờ Đòa làm "phiên dịch", hỏi xem cô gái kia ở đâu, nhà như thế nào. Có tháng, Đòa gặp 3 người, nhiều nhất là Điện Biên.
Người chú của chồng Đòa trên 50 tuổi, từng mất một đời vợ. Thông qua người mối lái, ông mua được một cô dâu Việt Nam. Dần dà, người ấy trở thành ông mối trong làng. Mỗi khi người buôn có "hàng" sẽ chụp ảnh gửi cho ông. Người đàn ông cầm điện thoại cho đám con trai trong làng xem. Ai thích thì ông dẫn đi xem mặt. Ông chính là người cho chồng Đòa xem ảnh của cô, được gửi từ "đại lý".
Trong các giao dịch buôn người, theo công an Trung Quốc, cách để các môi giới tìm được khách hàng, hầu hết đều thông qua truyền miệng. Ai đó ở trong làng đã mua một cô dâu Việt Nam, và những người có nhu cầu sẽ đi hỏi thăm.
"Làng ấy đông con trai chưa vợ, toàn 40 tuổi trở xuống. Có những người mới ngoài 20 cũng thích lấy vợ Việt Nam. Họ nghe nói con gái Việt Nam hiền hành, biết chăm gia đình", Đòa kể.
Tờ Tân Hoa Xã nhận định tình trạng bất bình đẳng giới khiến nhiều đàn ông Trung Quốc phải tìm kiếm vợ nước ngoài. Tại nước này, nàng dâu Việt được truyền miệng là "chăm chỉ, thật thà, tính cách truyền thống", vì thế được không ít nam giới, đặc biệt ở vùng nông thôn ao ước. Một lý do khác khiến "trai thừa" Trung Quốc tìm kiếm nàng dâu Việt là chi phí thấp, thường chỉ vài chục nghìn tệ. "Đối với những người ở nông thôn, đây là con số chấp nhận được".

 Lúc đặt chân sang đất Trung Quốc, Miên bị giam bốn ngày trong một ngôi nhà. Cô không biết mình đang ở đâu. "Đi ôtô mất hai ngày, có lẽ là khá sâu trong đất Trung Quốc". Miên nghĩ đời mình thế là hết. Cô không chịu ăn cơm liền bị vả, túm tóc, hoặc lấy dao kẹp cổ. Người phụ nữ trong ngôi nhà đó khuyên cô nên chấp nhận lấy chồng. Nếu không gật đầu, còn bị bán xa hơn nữa.

"Để không bị hành hạ thì tốt nhất nên nghe lời họ. Thế là em đã đi lấy chồng", cuối cùng, Miên đầu hàng.
Miên đi máy bay. Cô cũng không biết vì sao mình không có giấy tờ gì vẫn vào được máy bay. Cô xuống máy bay thì chồng và bố mẹ chồng đã đợi sẵn.
"Chồng bảo thật sự bên Trung Quốc không có con gái nên nó mới lấy em thôi. Nó cũng không có ý đồ gì hãm hại em", Miên thuật lại lời chồng lần đầu gặp gỡ. Anh ta ra điều kiện, cô sinh được một hoặc hai đứa con thì cho về Việt Nam thăm bố mẹ. Nếu cô muốn, anh ta sẽ xin làm giấy tờ đầy đủ, để cuộc hôn nhân này trở thành hợp pháp.
Số liệu tại Hội nghị thường niên về hợp tác phòng chống mua bán người giữa hai nước Việt – Trung mới đây công bố, từ 2015 – 2017, có hơn 12.500 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với đàn ông Trung Quốc.

"Khoảng 90% trong số trên là nạn nhân bị lừa bán, chứ không phải tự nguyện kết hôn ngay từ đầu", thượng tá Nguyễn Minh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai khẳng định.
Ông Thắng phân tích, nhiều nạn nhân bị bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc làm vợ, sinh con. Bị hại không biết kẻ đã bán mình là ai để tố cáo, qua thời gian dài thì chấp nhận ở lại. Họ tìm cách trở về Việt Nam, rồi xin xác nhận giấy tờ bằng cách khai báo đi làm ăn xa, nhập hộ khẩu để hợp thức hóa cuộc hôn nhân. 
Đòa từ chối tổ chức đám cưới với người chồng gấp đôi tuổi. "14 tuổi, em không muốn trải qua một đời chồng như thế". Mỗi lần dắt vợ đi chơi, anh ta giới thiệu với họ hàng đây là cô dâu mới. Hoặc sẽ ở nhà canh, sợ cô bỏ trốn. Anh ta không bắt ép vợ, thậm chí là ngủ chung. Ở với nhau nửa năm, người chồng bắt đầu nói lời yêu. Nhưng Đòa vẫn nghĩ cách trở về.

  Một sáng mùa hè, công an Trung Quốc tìm đến nhà người chú của chồng Đòa. Ông bị dẫn lên đồn hỏi chuyện. Đến sáng hôm sau, công an tìm đến nhà một cô dâu trong xóm, dẫn đi. Cả làng biết chuyện. Người chồng nhìn nét mặt vợ, cũng trở nên cảnh giác. Đi đâu anh ta cũng dắt Đòa theo. Có lần cô đòi về, chồng liền dặn sang nhà anh trai ở tạm, tránh gặp khi công an đến nhà tìm.

Nhưng rồi người vợ, với ý nghĩ "phải về Việt Nam" thôi thúc, đã tìm được đồn công an gần nhất trên trấn để trình báo. Họ dẫn cô lên đến công an tỉnh để liên hệ về Việt Nam và thông báo luôn cho nhà chồng lên làm việc.
"Anh biết là em thông minh. Bây giờ em trốn được về Việt Nam, nhưng bọn anh sẽ tìm được bắt em về", anh rể của chồng buông lời đe dọa qua điện thoại của phòng cách ly. Qua tấm kính cửa, Đòa nhìn thấy người chồng khóc, liên tục ra dấu cho vợ nghe điện thoại. Nhưng cô từ chối. 
Đòa được trao trả về Việt Nam tháng 7 năm 2017 qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Trên chuyến xe trở về cùng Đòa còn hai cô dâu nữa.

Nguồn: Vnexpress.net


Không có nhận xét nào