Biên giới 1979 trước 'biển người' phương Bắc (Phần 6: Khi khói tan)
Tám mươi tư năm cuộc đời ông Nông Văn Niêm từng nhiều lần đánh võ tay không với người Trung Quốc để giữ đất Sóc Hà, từng bị họng súng kề ngực, đá ném thành thương tật.
Ông không nói được nhiều tiếng Kinh. Nhưng ông nhớ rõ ngày tiếng pháo rót sang cũng là ngày cha mình chết. Lúc ông cụ bị mảnh pháo văng vào bụng, người con đang giữ chốt cùng với dân quân Sóc Hà. Ông cũng nhớ mình mất một tháng hai mươi ngày đi bộ từ Nà Sác xuống Bắc Kạn tìm vợ con thất lạc.
Từ trên chốt trở về sau những ngày chiến đấu, ông thấy ngôi nhà sàn năm gian bị đạn pháo đánh sập một nửa phía sau. Những cột gỗ chống nhà sàn cũng bị gãy đổ. Ruộng ngô trước cửa nhà hôm ông lên chốt còn mới nhú xanh, trâu bò vợ ông vẫn hay chốt then trong chuồng. Bây giờ về lại, cha già đã mất, nhà đã đổ, ruộng ngô đã cháy, chuồng không thấy trâu bò.
"Chẳng ai quên đâu, nhớ hết đấy. Nhưng có ai hỏi đến thì mới nói thôi. Chiến tranh qua rồi thì yên ổn mà làm ăn thôi, chẳng ai thích đi gây sự trước cả".
Tà Lùng, Trà Lĩnh và Sóc Giang, những nơi quân Trung Quốc từng tràn qua, giờ đều là những cửa khẩu được hưởng cơ chế Khu kinh tế cửa khẩu, theo quy định của Chính phủ từ năm 2014.
Con đường từ cửa khẩu Tà Lùng về thành phố Cao Bằng trở thành tuyến thông thương chính, nơi có tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 123 triệu USD năm 2018. Những chiếc container từ bên kia biên giới, nhận giấy thông hành, xuôi Quốc lộ 3, qua đèo Khau Chỉa sẽ đưa hàng hóa đi khắp vùng.
Cuộc chiến không kết thúc ở tháng Hai. Cuộc chiến kéo dài mười năm sau đó. Quân Trung Quốc tiếp tục chiếm đóng ở 10 điểm, liên tục tạo xung đột, quấy nhiễu để gây áp lực buộc Việt Nam phải rút quân khỏi Campuchia. Đất nước cùng lúc gánh hai cuộc chiến.
Dải biên giới phía Bắc, một thời trở thành vành đai trắng vì đạn pháo và mìn. Một năm sau, mười người gia đình ông Niêm dắt díu nhau lộn về Hà Quảng. Cả Nà Sác khi ấy vẫn chưa nhà nào dám về. Cũng có những nhà không bao giờ về nữa.
Ông Nông Văn Niêm trước căn nhà ở bản Nà Sác.
Gia đình ông Niêm phải ở lại bản Giới, cách đó mấy cây số để đợi bộ đội gỡ hết mìn. Đúng mười năm, ông sống trong cảnh có nhà mà không dám về. Năm 1990, khi về lại nhà cũ, cỏ dại đã mọc ngang đầu.
Ông lên rừng chặt củi, nhào đất sét ruộng, dựng lại ba gian nhà trên nền đất cũ. Vợ chồng trỉa lại ngô, nuôi lại lợn. Năm 1996, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Sóc Giang động thổ thi công, bên kia lại gây chuyện. Ông Niêm đang cày ruộng cũng vứt đó, cùng dân Nà Sác kéo nhau ra cửa khẩu nói lý.
"Dân Nà Sác này nghèo, nhưng không sợ Trung Quốc đâu", ông đứng dưới sân nhà, vốn là mặt ruộng chỉ về phía đường biên.
Từ cái sân đất nhà ông nhìn lên, một hàng rào biên giới được phía Trung Quốc dựng lên. Cái hàng rào dây thép gai màu xanh lơ, cao quá đầu. Người ta cố sơn xanh khối thép ấy, nhưng vẫn khác hẳn màu xanh của cỏ cây nơi biên giới.
Bốn mươi năm, bao nhiêu trận lũ sông Bằng cũng không cuốn trôi được khối bê tông nằm ngay dưới chân cầu Bằng Giang mới. Một phần trụ cầu cũ bị đánh sập vẫn nằm đó. Dàn đèn ngũ sắc trên cầu Bằng Giang mới, là điểm nhấn của toàn thị xã này về đêm. Ông Hồ Tuấn mở một quán nhậu chân gà nướng, ngay bên chân cây cầu ấy.
Nghĩa trang liệt sĩ Quảng Uyên cách Khau Chỉa chưa đầy chục cây số, ông Hồ Tuấn đôi khi rẽ vào thắp hương cho đồng đội. 406 ngôi mộ nằm ở đây, có 250 mộ liệt sĩ Trung đoàn 567. Họ đều hy sinh tháng Hai năm 1979. Nhiều liệt sĩ nằm lại nghĩa trang các đồn biên phòng, các huyện biên giới từ Pa Nậm Cúm đến Pò Hèn đều có chung ngày giỗ. Nhiều ngôi mộ ở Vị Xuyên, Hà Giang thì mới hơn, từ 1984 đến 1989.
Người Cao Bằng như họ ít nhắc những đau buồn của cuộc chiến. Ký ức sẵn trong đầu, ai hỏi thì họ kể.
Những người sống ở đường biên này, không quên ngày hôm qua nhưng vẫn nhận thức được ngày hôm nay; nhớ như in thời chiến nhưng biết trân trọng thời bình; và cùng một gương mặt, họ luôn biết khi nào coi là thù, lúc nào, cần là bạn.
Nguồn: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào