Biên giới 1979 trước 'biển người' phương Bắc (Phần 2: Sự bình yên của họ Đặng)
Mùa đông năm 1978, những người nước ngoài qua lại Nam Ninh, Côn Minh thường thấy từng đoàn xe lửa chở đầy binh sĩ, xe quân sự bít bùng kín bạt xuôi về phương Nam. Họ không biết những đoàn quân ấy đi đâu. Nhiều người dân Trung Quốc thì tin rằng đây là một cuộc hành quân diễn tập.
Cùng thời điểm ấy, đường phố huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây trở nên chật chội hơn, khi những tốp lính áo xanh tô châu thường xuyên đi lại. Vài chục lượt xe quân sự hoạt động mỗi ngày, làm đất đường cuộn tung lên. Huyện lị của tỉnh Quảng Tây cách đường biên giới vài chục cây số. Bên kia là Hà Quảng của Việt Nam.
Cựu trinh sát Nhan Văn Dĩnh.
Trong những người quan sát đoàn quân, có một người đàn ông Nùng hay mặc áo chàm đã phai. Ông Nhan Văn Dĩnh "sang thăm họ hàng" ở bên kia biên giới. Ông Dĩnh khi ấy, là đội trưởng trinh sát Đồn 167, công an vũ trang Sóc Giang, đóng ở Hà Quảng.
"Lính đỏ, thế là bộ đội chính quy của Trung Quốc rồi", ông nhận ra Quân giải phóng Trung Quốc từ bộ quân phục màu xanh tô châu, phù hiệu đỏ trên cổ áo. Trước Tết Kỷ Mùi, lực lượng tập trung từ vài tiểu đoàn đã tăng lên cấp sư đoàn. Mang tin trinh sát về, ông Dĩnh thấy "trán chỉ huy nhăn lại", dặn tiếp tục nắm tình hình.
Lịch sử bộ đội biên phòng Cao Bằng sau này thống kê, chỉ một ngày trước cuộc tấn công, dọc biên giới Cao Bằng đã có hơn 300 lần ôtô vận tải của Trung Quốc chở binh lính và quân nhu vào các cửa khẩu. Riêng cửa khẩu Tà Lùng, hơn 300 xe tải chở đá tập kết sẵn ở mốc 24, ý đồ lấp sông Bắc Vọng cho bộ binh và xe tăng tiến sâu vào huyện Quảng Hòa.
Trong ký ức của cựu trinh sát, vẻ mặt của người anh em bên kia biên giới bắt đầu "khó coi" từ sau ngày Việt Nam thống nhất, mùa xuân năm 1975. "Lúc mình sang làm việc, cái mặt của nó không được đẹp lắm, ăn nói cũng khác lắm lố". Hai đồn công an vũ trang làm việc xong, không còn ngồi chung một mâm cơm nữa. Bên này thịt lợn, mời cơm, bên kia từ chối.
Xã Nà Sác của nữ dân quân Sầm Thị Đòng có chung 3,5 km đường biên với Trung Quốc. Dân hai bên trước nay uống cùng một mó nước, chung bãi chăn trâu, lấy củi cùng dãy núi Mã Lịp. Con gái bản Lũng Cát, Po Xà còn sang làm dâu Lũng Ỷ, Lũng Pình bên kia biên giới.
Nhưng từ những năm 1970, người bên kia hay gây chuyện, cứ tối trời là sang di dời cột mốc để lấn đất. "Ta gieo cây gì, nó nhổ cây ấy. Nó đợi ngô mình trồng có bắp, nó thả trâu bò sang ăn hết a".
Có lần, nhóm dân quân xã vây bắt thám báo Trung Quốc từ bản Lũng Pỉa sang bản Lũng Loỏng. Cả ngày trời, Đòng chạy đường rừng, không nghỉ ăn cơm.
Bà Sầm Thị Đòng.
"Nếu người Việt Nam vào chợ thì đánh", khẩu hiệu dán đầy các cột ở chợ Kẹp Nhìa ở Tịnh Tây; Bình Mãng bên kia biên giới... Nam giới sang thì bị nam giới đánh, nữ giới sang thì bị nữ giới đánh.
"Ở xã Sóc Hà này, người thôn Nà Sác bị bên kia ghét nhất. Sang bên ấy đi chợ, biết là dân Nà Sác, nặng thì nó đánh, nhẹ thì không bán hàng", bà Sự nhớ lại những ngày còn căng thẳng. Trước khi có cửa khẩu Sóc Giang hôm nay, con đường chạy qua trước cửa nhà bà Nguyễn Thị Sự từng là đường đất dẫn thẳng sang Bình Mãng, Trung Quốc.
Cái thôn ngót nghét bốn mươi nóc nhà người Nùng, nằm ngay chân đường biên giới bị ghét vì "lì lợm", không để bên kia lấn một tấc biên giới. Họ sang gây chuyện, dân Nà Sác bỏ ruộng bỏ nương, cả làng kéo nhau lên đứng thành hàng rào chắn dọc đường biên giới.
Người già trong làng vẫn dặn con cháu "Sớc hạc pác pi" - "Giặc ác trăm năm", luôn phải đề phòng. Nà Sác sẵn tre từ hồi đánh Pháp. Sau 1975, dân Nà Sác mỗi năm trồng thêm tre, vót thêm chông. Cuối 1978, chông sắt, chông tre cắm kín gần 7 km đường biên Sóc Hà.
Pháo sáng mỗi đêm vẫn nổ trên bầu trời biên giới, soi đường cho người "bên kia" sang Nà Sác thăm dò. Đội dân quân của Đòng vẫn cắt cử nhau đi gác bản làng bất kể trời sáng tối. "Đang ngủ, mõ tre cốc cốc hai tiếng là báo động, thì lạnh bao nhiêu cũng phải dậy, sương buốt bao nhiêu cũng phải đi lớ".
Nhiều lần, đụng độ đến đổ máu. Người bên kia dọa bằng tiếng Nùng "Dân mày đông không bằng một phần dân tao, vũ khí của bọn mày cũng không bằng bọn tao".
"Ra Giêng rồi biết tay nhau", bên ấy dọa thêm.
"Chúng mày không sợ chết thì cứ đánh sang đây", bên này cũng không vừa, đáp trả.
Từ mùa thu năm 1977, quân dân xã Nà Sác đào hào dọc biên giới, lập ba điểm chốt: Đồi Cháy, Po Xà, Lũng Cát và chốt phụ Kéo Lỉ trên dãy núi Mã Lịp. Dân quân xã thay nhau canh gác. Cuối năm 1978, bộ đội tỉnh Cao Bằng cũng bắt đầu về đóng tại các bản.
Năm ấy được mùa cả lúa cả ngô. Mỗi nhà trong bản Lũng Pỉa đều tích trữ một phần lương thực, chăn màn, quần áo để lên hang Ngườm Siêu. Người Nà Sác ăn Tết Kỷ Mùi không tiếng pháo tép. Đòng cũng mất ngủ từ đấy.
Cuộc xung đột vũ trang biên giới Việt - Trung năm 1979 liên quan mật thiết đến những rạn vỡ trong quan hệ Trung Quốc - Liên Xô. Điều này, không phải đến năm 1979, mà bộc lộ ngay từ những năm 1930, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành đồng thời hai cuộc chiến kháng Nhật và nội chiến chống Quốc dân Đảng.
Việc Liên Xô duy trì quan hệ đồng thời với cả Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch, khuyến khích đôi bên liên kết chống Nhật không được Mao đồng thuận.
Trong thập niên 1950, Liên Xô viện trợ hơn 6 tỷ rúp cho công cuộc hồi phục Trung Quốc sau chiến tranh. Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ca ngợi mối quan hệ của hai nước là "vĩnh cửu, bền vững không gì phá vỡ nổi, không ai có thể chia rẽ được". Nhưng khi Liên Xô quyết định "chung sống hòa bình, quá độ hòa bình, cạnh tranh hòa bình" với Mỹ năm 1959, Trung Quốc phê phán chủ trương "ba hòa" của Liên Xô là "phản bội chủ nghĩa Marx-Lenin".
Sau thất bại của phong trào "đại nhảy vọt" năm 1960, Mao Trạch Đông quay sang đổ lỗi và phủ nhận đường lối của Liên Xô. Trung Quốc quyết tự đi tìm con đường khác. Tháng 7 cùng năm, Liên Xô ngừng viện trợ Trung Quốc.
Từ tháng 7/1963 đến tháng 8/1964, hai Đảng gửi 11 lá thư công khai đả kích lẫn nhau. Từ đầu năm 1968 đến tháng 3/1969, hơn bốn nghìn cuộc xung đột vũ trang nổ ra dọc biên giới Trung - Xô.
Tháng 2 năm 1972, Mỹ- Trung ký Thông cáo Thượng Hải, có điểm "Mỹ cam kết cùng Trung Quốc phối hợp chống ‘bá quyền’ Liên Xô". Liên Xô đáp trả bằng cách đổ quân vào Ấn Độ, liên minh khống chế Trung Quốc từ biên giới phía Tây.
Năm 1974, Mao Trạch Đông đưa ra học thuyết "ba thế giới", xếp Liên Xô vào "thế giới thứ nhất" ủ mưu bá quyền, cần chống lại.
Trở về từ chuyến thăm nước Mỹ, ngày 11 tháng 2 năm 1979, Đặng Tiểu Bình triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc mở rộng, thông báo về kế hoạch chiến tranh "trừng phạt Việt Nam".
Ba ngày sau, Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gửi thông tư tới Đảng bộ các tỉnh và đơn vị quân đội liên quan, giải thích về cuộc "chiến tranh tự vệ". Văn bản nhấn mạnh: chiến tranh sẽ diễn ra giới hạn về không gian, thời gian, quy mô, và kết luận, hành động quân sự này sẽ "thúc đẩy hòa bình và ổn định dọc theo biên giới".
Nguồn: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào