MKRdezign

TIN MỚI

Biên giới 1979 trước 'biển người' phương Bắc (Phần 3: Đương đầu)


Pháo nổ rạng sáng thứ Bảy, mùa xuân năm 1979.
Nông Thị Quyên năm ấy 19 tuổi, sống cách cửa khẩu Tà Lùng bảy cây số. Tối thứ Sáu, Quyên rủ mấy chị em xuống thị trấn Quảng Hòa xem chiếu bóng. Đoàn chiếu bóng của tỉnh đang chiếu bộ phim Em bé Hà Nội.
"Xem đến cảnh bé Ngọc Hà cổ quàng khăn tang, đi tìm nhà mình trong đống đổ nát Khâm Thiên sau đêm B52 rải thảm, mấy chị em cứ bíu chặt tay nhau, khóc", bà Quyên nhớ lại.
Ở cách đó 60 km, tại thị xã Cao Bằng, trong rạp ngoài trời ven sông Bằng, người dân thị xã cũng ngồi trước màn chiếu, dõi theo bộ phim "Chiến đấu" của Liên Xô. Buổi chiếu bóng kết thúc lúc gần nửa đêm. Ai nấy chuẩn bị về nhà thì thấy mạn Trà Lĩnh, Quảng Hòa có nhiều ánh chớp lóe lên, thính tai còn nghe tiếng ì ầm.
Bà Nông Thị Quyên trong nghĩa trang liệt sĩ tại Cao Bằng.
"Không phải mùa mưa, sao có sấm chớp", cậu bé Nông Vạn Ngàn 15 tuổi thắc mắc. Nhưng nỗi băn khoăn mau chóng lắng xuống, mọi người bàn tán về bộ phim, rồi tản  về nhà đi ngủ.
Mấy chị em Quyên cũng trở về nhà trong cơn mưa phùn lúc nửa đêm. Ra Giêng, khí trời còn lạnh. Đang lơ mơ trong chăn ấm, Quyên bị tiếng pháo rít ầm ầm qua mái nhà dựng dậy.
Cô nữ sinh lớp 10 trường cấp ba Quảng Hòa chỉ kịp vơ cái chăn, rồi nhảy xuống hầm chữ A dựng gần gốc nhãn. Cái hầm che chở cho năm người, rung lên bần bật khi loạt pháo mới nện xuống mặt đất. Ngớt pháo, cả nhà bò ra khỏi hầm. Cây nhãn bị pháo phạt gãy đôi, đổ rạp ngay miệng hầm.
Con nuôi người Trung Quốc của trưởng bản, hóa ra là thám báo. Đêm ấy hắn dẫn đường cho quân bên kia tràn sang. Bản Bó Tờ bị đốt sạch. "Nhà nào có Đảng viên hoặc người đi bộ đội, treo bằng khen, giấy khen, huân huy chương là chúng phá sập". Nhà Quyên lợp mái tranh, trát vách đất, chúng cũng không tha.






Cuộc "trừng phạt giới hạn, quy mô nhỏ" của Đặng đã huy động 600 nghìn quân bộ binh. 32 sư đoàn của tám trong tổng số mười đại quân khu có mặt trong cuộc động binh này. Một con số mà Hứa Thế Hữu, Tổng tư lệnh lực lượng tham chiến gọi là "dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà".
Để "tiền pháo hậu xung", Trung Quốc sử dụng 550 tăng thiết giáp Type-62, Type-59, Type-63, 480 khẩu pháo mặt đất, hơn 1.200 súng cối từ 76,2mm đến 152mm, 160mm và dàn hỏa tiễn 107mm đến 130mm. Không quân và hải quân cũng triển khai 200 tàu chiến; 706 máy bay tiêm kích J-5, J-6, J-7; 120 tiêm kích bom J-6, Q-5 và 122 máy bay ném bom H-5, H-6, để chi viện trong trường hợp cuộc chiến mở rộng.
Để đối phó với tình huống Liên Xô đổ quân đánh yểm trợ cho Việt Nam, mặt trận phía bắc Trung Quốc, bao gồm hai tỉnh Hắc Long Giang và Tân Cương được đặt chế độ báo động cao nhất. 300 nghìn dân cư tại đây được lệnh sơ tán.
Với lực lượng gấp mười lần, được yểm trợ bằng tăng và pháo, họ Hứa tin rằng sẽ nhanh chóng xé nát hệ thống phòng thủ biên giới của Việt Nam, đánh chiếm các thị xã trong vòng vài ba ngày. Và nếu muốn, "không đến hai giờ có thể đánh xuống Hà Nội".
Bên này biên giới, 600 nghìn quân chủ lực của Việt Nam đang bị chia nhỏ ở các chiến trường Campuchia, Lào; miền Nam và quanh Hà Nội. Tổng lực lượng phòng thủ biên giới lúc này chỉ có bảy sư đoàn, một lữ đoàn và dân quân sáu tỉnh, tổng cộng chưa đến 60 nghìn người.
Biển quân 600 nghìn chia làm hai nhánh Đông - Tây. Hứa Thế Hữu cầm cánh phía Đông, đánh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Dương Đắc Chí, Tư lệnh Đại quân khu Côn Minh đảm nhiệm cánh Tây, tấn công Lai Châu, Hoàng Liên Sơn và Hà Tuyên.
Tỉnh Cao Bằng với 333 km đường biên cùng 634 mốc quốc giới, dài nhất toàn tuyến, đã khiến Trung Quốc dốc vào đây 130 nghìn quân - gần một phần tư tổng số, chia hai hướng để đánh chiếm.
Theo tài liệu chính thống, cuộc chiến nổ ra rạng sáng 17 tháng 2 năm 1979. Nhưng trên thực tế, súng đã nổ rất sớm ở biên giới Cao Bằng. Lúc 21h ngày 16 tháng 2, quân Trung Quốc đã pháo kích dữ dội vào xã Cần Yên của huyện Thông Nông. Và gần nửa đêm, chúng mở rộng phạm vi sang mạn Trà Lĩnh, Hà Quảng.
Tương quan lực lượng của Việt Nam và Trung Quốc trong cuộc chiến biên giới.
Tiếng pháo đầu tiên nổ ở bên kia biên giới, liền sau là tiếng mõ tre báo động hai nhịp một của dân quân tự vệ bản Lũng Pỉa, Hà Quảng. Sầm Thị Đòng vùng dậy, vơ lấy đôi lựu đạn và cái gậy tre ở góc nhà, chuẩn bị lên chốt chiến đấu.
Đứa em út 5 tuổi tỉnh giấc, khóc nghẽo nghẹt vì những tiếng nổ sáng lòe trời. Bà và mẹ chồng Đòng cùng sáu đứa em cuống cuồng dắt díu nhau lên hang Ngườm Siêu trú cùng dân bản. Ra đến cổng, mẹ chồng còn quay lại ôm vai con dâu mà khóc. "Con đi thế này, có chắc được quay về với mẹ không?".
Bố chồng Đòng cũng là dân quân, trực trên chốt từ trước Tết. Chồng cô là bộ đội biên phòng, chiến đấu ở Nậm Quét, Bảo Lạc, Cao Bằng. Giờ pháo đã nổ, Đòng cũng quyết đi.
Trời không lạnh lắm. Đòng vẫn mặc thêm hai cái quần, bốn cái áo, chít cái khăn lên đầu. Túi quần áo này, Đòng sắp sẵn từ trước Tết.
"Nếu hy sinh, không có ai về nhà lấy đồ thay cho". Nữ dân quân 24 tuổi đã chuẩn bị sẵn sàng cho cái chết của mình.
Sau lưng dân quân lên chốt, dân bản từng tốp lũ lượt kéo đi sơ tán. Những cánh đồng thuốc lá trồng từ trước Tết đã lên cao bằng cây cải. Cả vùng trời phía Bắc sáng lòe.
Bà Sầm Thị Đòng.    
Tổ đội cối do Đòng làm đội trưởng có sáu dân quân nữ. Người ngoài đôi mươi như Đòng, như Liên hàng xóm, nhưng cũng có người chỉ mười sáu, mười bảy tuổi như Nga, như Xuân. Chẳng ai nặng được đến bốn chục cân. Tay không một bó đuốc, sáu cô gái băng hai cây số đường rừng sang hậu cứ ở bản Lũng Loỏng lấy vũ khí để sẵn sàng lên chốt Kéo Lỉ. 
Khẩu cối 60mm nặng hai mươi cân, cùng bốn thùng đạn trên vai sáu cô gái leo thêm bốn km đường núi, lên đến chốt, cũng là khi trời tảng sáng. Tiếng pháo từ bên kia đã vãn. Giọng của tổ trinh sát C5 rè rè qua bộ đàm "chúng nó đang tiến vào".
Sáu cô gái ngay lập tức vào vị trí. Đòng và Liên trực tiếp điều khiển cối. Bốn người còn lại lo chỉnh kính ngắm, núm vặn và tiếp đạn. Chỉ mươi phút sau, biển người bắt đầu tràn vào từ bên kia biên giới mỗi lúc một gần, không cần dùng đến ống nhòm trinh sát cũng thấy được: một rừng xe tăng lẫn người mặc đồ xanh lá, tay cầm súng dàn hàng ngang mà đi.






Ở đường hào phía trước, cách đó chưa đầy 100 m, bộ đội chủ lực và dân quân nam của xã cũng đang không ngừng chiến đấu. Trên chốt, các cô gái liên tục thả những quả đạn nặng hơn một cân vào nòng súng. Quả đạn bay theo đường vòng cung rồi rơi xuống, một đám khói bay lên cùng những cái xác người. Địch đông đến nỗi bắn đi hướng nào cũng sẽ có một cơ số chết, nhưng "càng bắn càng thấy nhiều người nữa đi ra".
Quá buổi trưa, quân Trung Quốc tràn vào mỗi lúc một sâu, bốn bề xung quanh chỉ thấy xác người và khói lửa. Sáu người họ vẫn chưa ngơi một giây để uống được ngụm nước. Đồng đội ở hậu cứ đều đi hỗ trợ nhân dân sơ tán và vận chuyển thương binh, không có ai tiếp cơm, tiếp nước lên chốt. Cánh rừng giữa tháng hai không có quả gì ăn được, giờ cũng bị pháo đốt cháy xác xơ. Họ chỉ còn biết nhìn về phía trước mà bắn.
Bộ đội Việt Nam trên chiến trường biên giới, 1979.
Giữa những tiếng mìn nổ của cả hai bên, hai đồng đội của Đòng lúc ấy bỗng thét lên đau đớn. Máu túa ra không ngừng trên đầu Nga và ở mạng sườn của Xuân. Họ bị mảnh pháo của địch găm trúng, ngã xuống đất. Đội cối chỉ còn bốn người chiến đấu.
Thân và miệng khẩu cối đã nóng như rang suốt từ sáng. Đầu óc Đòng căng như dây đàn, vừa lo cho hai đồng đội, vừa lo chiến đấu. Đến bốn giờ chiều, bốn thùng đạn vừa hết cũng là khi bộ đội và dân quân nam lên giữ chốt thay cho đội của Đòng.
Nga và Xuân được dìu về hậu cứ chữa trị vết thương. Đòng và những người còn lại tiếp tục giúp dân sơ tán, cùng tiểu đoàn 127 di chuyển bộ đội bị thương và mai táng tử sĩ. Trung Quốc đã tiến vào từng bản làng ngóc ngách của Nà Sác.
Một đêm tháng hai mưa lâm thâm, Đòng cùng đồng đội được lệnh rút về thị trấn Xuân Hòa. Họ bỏ lại sau lưng, sáu cái huyệt đang đào dở và chục liệt sĩ chưa kịp mai táng.
Bốn mươi năm trôi qua, bà Đòng vẫn nhớ những cái xác đỏ loét cụt chân, cụt tay, không nhận rõ mặt người mà đêm ấy bà bỏ lại. "Không sợ chết trên mặt trận, chỉ sợ nhớ về những xác người. Cứ nhắm mắt vào là lại thấy".

Nguồn: Vnexpress.net



Không có nhận xét nào