1. Thời gian tới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chung, nhưng thế giới đã, đang và sẽ trải qua nhiều biến động lớn, phức tạp hơn so với dự báo. Toàn thế giới đã đoàn kết cùng nhau bước qua đại dịch Covid-19, nhưng chuỗi sản xuất, trao đổi dịch vụ thế giới sẽ có những thích ứng mới trước tình trạng đứt gãy các chuỗi cung ứng và sự bất ổn trong quan hệ giữa các nền kinh tế lớn; liên kết kinh tế gia tăng trong khu vực, giữa một số nước. Cạnh tranh giữa các nước lớn, vấn đề xung đột Nga-Ukraine; giữa Nga và Liên minh châu Âu, giữa Iran và Israel diễn ra rất gay gắt, tác động sâu sắc đến cục diện an ninh chính trị thế giới.

Các vấn đề toàn cầu, an ninh phi truyền thống đặt ra nhiều thách thức chưa từng có cho phát triển kinh tế-xã hội của nhiều nước. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực chính trong quá trình phục hồi kinh tế thế giới, song cũng là một trong những trọng tâm của cạnh tranh nước lớn. Khu vực Đông Nam Á đang được các nước trong và ngoài khu vực ngày càng coi trọng, tích cực can thiệp, tạo ảnh hưởng; trong khi nội bộ khu vực vẫn còn những vấn đề chưa thống nhất.

Trước tình hình đó, tiếp tục triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đối ngoại Việt Nam nói chung, đối ngoại Đảng nói riêng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ trường phái ngoại giao “cây tre”, gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển; thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược.

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 3: Vững tin, vững tiến trên chính trường thế giới! (tiếp theo và hết)

Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón trọng thể Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, ngày 20-6-2024. Ảnh: TRỌNG HẢI

Là một trụ cột quan trọng trong mặt trận đối ngoại của đất nước, đối ngoại Đảng tập trung sức lãnh đạo nhằm đẩy mạnh, nâng tầm nhiều mặt. Trước hết, vị trí, vai trò đối ngoại Đảng phải được coi trọng, đánh giá đúng tầm mức; nhất là trong việc góp phần củng cố nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước; duy trì và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển của đất nước; đóng góp vào thành công chung của công tác đối ngoại; nâng cao vị thế, uy tín của Đảng và đất nước trên chính trường quốc tế. 

Thực hiện nhất quán chủ trương Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”. Theo đó, mỗi trụ cột đối ngoại đều có vai trò, sứ mệnh riêng, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước. 

Trong đó, đối ngoại Đảng có 3 nhiệm vụ đặc biệt quan trọng cần quan tâm lãnh đạo, thực hiện thắng lợi: 1. Tham gia hoạch định chủ trương, đường lối, các quyết sách về những vấn đề đối ngoại quan trọng; 2. Triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm phát triển quan hệ với các chính đảng góp phần củng cố nền tảng chính trị cho quan hệ của Việt Nam với các nước; xây dựng khuôn khổ, định hướng quan hệ, xử lý nhiều vấn đề trong quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng; 3. Quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, chỉ đạo công tác đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân từ Trung ương đến cơ sở. Theo đó, trong điều kiện mới, đối ngoại Đảng tiếp tục phát huy vai trò và thế mạnh; triển khai một cách chủ động, tích cực, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, với nhiều nội dung mang tính đột phá cả trước mắt, lẫn lâu dài.

2. Để làm được điều đó, cần phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong tham gia tiến hành công tác đối ngoại Đảng. Mỗi tổ chức Đảng, mỗi đảng viên phải đề cao vai trò, trọng trách của mình như một “sứ giả của tình hữu nghị”; góp phần làm đẹp thêm hình ảnh người đảng viên Đảng Cộng sản, đồng thời nâng cao uy danh, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Trong các hoạt động đối ngoại Đảng, cùng với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất của Đảng là đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, cần sớm nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, tạo điều kiện cho các hoạt động đối ngoại Đảng của các ban Đảng và các tỉnh ủy, thành ủy cho đến tổ chức Đảng nhỏ nhất và từng đảng viên.

Tăng cường hơn nữa các chuyến thăm hữu nghị cấp cao, gặp gỡ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với các chính đảng, các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, Đảng quan tâm hơn nữa đến việc cử đại diện tham gia sự kiện quốc tế, khu vực và nhất là với các nước láng giềng; tăng cường các hình thức điện đàm, hội đàm, gặp gỡ, hội nghị đa phương trực tiếp hoặc trực tuyến ở các cấp.

Đối với các ban Đảng, các cấp, các ngành, cần chú trọng hơn đến việc gặp gỡ, đối thoại, trao đổi trên kênh song phương và đa phương; đào tạo cán bộ, ký kết các thỏa thuận hợp tác, kết nghĩa giữa các địa phương của Việt Nam và các nước trên thế giới... Coi trọng triển khai, thực hiện hiệu quả các thỏa thuận, chương trình hợp tác đã ký kết giữa các Đảng bộ trực thuộc Trung ương với các đảng đối tác để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại Đảng.

Đóng góp chung vào những thành công của đối ngoại Đảng, có vai trò quan trọng của hệ thống các cơ quan đại diện Việt Nam, cán bộ, đảng viên làm công tác đối ngoại ở nước ngoài mà phần đông là các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Thật đáng ghi nhận vì đến nay, Việt Nam đã có gần 100 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trải khắp các châu lục và ở mỗi cơ quan này đều đã thành lập tổ chức Đảng lãnh đạo một cách trực tiếp, toàn diện.

Đây là lực lượng tuyến đầu thực hiện công tác thông tin đối ngoại tại địa bàn ngoài nước; do vậy, các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài cần đề cao vai trò, trách nhiệm, tích cực quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh, bản chất tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam đến với bạn bè quốc tế; đồng thời thu thập những thông tin có chọn lọc về tình hình, sự phát triển của thế giới, khu vực, về các vấn đề được dư luận và nhân dân trong nước quan tâm; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; kêu gọi, thu hút sự hợp tác, hỗ trợ của thế giới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

3. Trong một thế giới đa cực, diễn biến phức tạp, mau lẹ, các cấp cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại Đảng, với phương châm "dĩ bất biến, ứng vạn biến", "chủ động linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, bảo đảm phối hợp tổng thể, chặt chẽ, đồng bộ giữa các trụ cột đối ngoại. Phát huy vai trò của đối ngoại Đảng trong thúc đẩy bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đáp ứng đúng và trúng yêu cầu của tình hình mới.

Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về đối ngoại, nhất là các vấn đề tác động trực tiếp, lâu dài đến an ninh và phát triển đất nước. Thường xuyên theo dõi, nghiên cứu, nắm chắc và dự báo đúng tình hình để kịp thời có đối sách và giải pháp phù hợp. Tích cực triển khai, hiện thực hóa các đề án, chiến lược lớn trong lĩnh vực đối ngoại, an ninh, quốc phòng, trong đó có Nghị quyết về những định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược Đối ngoại Việt Nam đến năm 2030. Đồng thời, không ngừng đổi mới tư duy đối ngoại phù hợp với tình hình mới; tăng cường tính chủ động, tính chiến lược và tính đồng bộ, toàn diện trong tất cả các khâu, từ nghiên cứu dự báo đến tham mưu, xử lý các vấn đề đối ngoại và tổ chức, triển khai các hoạt động đối ngoại Đảng.

Dấu ấn đối ngoại Đảng trong nền ngoại giao Việt Nam: Bài 3: Vững tin, vững tiến trên chính trường thế giới! (tiếp theo và hết)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Masatsugu Asakawa, chiều 13-3-2024. Ảnh: TRỌNG HẢI

Phát huy mạnh mẽ vai trò đầu mối trong quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước đối với hoạt động đối ngoại của toàn bộ hệ thống chính trị, nâng cao tính thiết thực, hiệu quả của các hoạt động đối ngoại Đảng. Tập trung mở rộng và phát triển về chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại của Đảng, tăng cường sự tin cậy, tạo nền tảng chính trị vững chắc cho quan hệ song phương. 

Tiếp tục tăng cường đoàn kết, hợp tác toàn diện và tin cậy với các đảng cầm quyền ở các nước láng giềng có chung biên giới, các nước xã hội chủ nghĩa, đưa quan hệ vào chiều sâu, củng cố sự tin cậy chính trị, tạo nền tảng chính trị vững chắc, giữ vai trò định hướng chiến lược cho quan hệ song phương; đồng thời, phát huy mạnh mẽ lợi thế đặc thù của kênh đối ngoại Đảng để góp phần giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong quan hệ song phương với các nước này. 

Cùng với đó, cần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các đảng cầm quyền, đảng tham chính, đảng có vị trí và vai trò quan trọng trong việc hình thành và triển khai chính sách của các nước đối với Việt Nam; tăng cường thực chất quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân có vị trí, vai trò trên chính trường các nước, có nhiều ảnh hưởng trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và ở từng khu vực để tạo lực lượng hậu thuẫn chính trị.

Tiếp tục phát huy vai trò của đối ngoại Đảng để đóng góp thiết thực cho công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là việc tiếp thu kinh nghiệm xây dựng Đảng, kinh nghiệm lãnh đạo, điều hành đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, tranh thủ sự đoàn kết và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao uy tín quốc tế, vị thế của Đảng và đất nước, tạo thuận lợi cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác đối ngoại Đảng trong thời kỳ mới, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo; quyết liệt phòng, chống mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xuống cấp về đạo đức, lối sống trong đội ngũ làm công tác ngoại giao.

Tiếp tục coi trọng xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ, trong đó có đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ ngoại giao, nhất là với cán bộ cấp chiến lược, lãnh đạo, quản lý; từng bước xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia có trình độ đạt tầm khu vực và quốc tế. Kiện toàn tổ chức, bộ máy ngành ngoại giao Đảng tinh gọn, khoa học, hợp lý và hiệu quả. Đẩy mạnh hiện đại hóa, chuyển đổi số ngành ngoại giao Đảng.

Nguồn: QĐND