Tuyên án 100 bị cáo trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk
Sau hơn 1 ngày nghị án, chiều 20/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân xảy ra trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào ngày 11/6/2023.
Nhấn mạnh về hành vi phạm tội của các bị cáo trước khi tuyên án, HĐXX khẳng định, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bất chấp pháp luật, ngang nhiên xâm phạm tài sản của cơ quan Nhà nước, cá nhân cũng như tính mạng của cán bộ, chiến sĩ Công an, cán bộ cơ quan Nhà nước và người dân thường vô tội, xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia…
“Tội Khủng bố bị cả thế giới lên án, trong đó nước CHXHCN Việt Nam là thành viên ký kết các điều ước quốc tế chống khủng bố”, vị Chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
HĐXX khẳng định, nội dung, diễn biến cụ thể hành vi phạm tội của các bị cáo được thể hiện rõ trong cáo trạng và đã được HĐXX xét hỏi, thẩm vấn công khai tại phiên tòa. Trong những ngày qua, các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Các bị cáo đã nhận thức sâu sắc và hối hận về hành vi, hậu quả phạm tội. Lời khai nhận tội của các bị cáo phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y, giám định tư pháp và những tài liệu, chứng cứ khác đã được Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk thu thập có trong hồ sơ vụ án.
Vụ án đã được các cơ quan tố tụng tiến hành đưa ra xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật. Trong suốt thời gian diễn ra phiên tòa, toàn bộ các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội của mình, đồng thời mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt, được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
“Trong 100 bị cáo có nhiều bị cáo có trình độ học vấn thấp, thiếu hiểu biết nên đã tham gia vụ khủng bố. Đến nay, các bị cáo đã nhận ra sai lầm và mong được HĐXX xem xét khoan hồng. Hầu hết các bị cáo đều đồng ý đền bù về những tổn thất mà mình đã gây ra để bù đắp phần nào sự mất mát, đau thương của gia đình bị hại, người liên quan, Nhà nước… Các bị cáo muốn mọi người không nghe theo kẻ xấu, không làm theo những hành vi sai trái của họ”, vị Chủ tọa phiên tòa nêu.
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra cũng như trước tòa đã khẳng định, trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sự phân công, bàn bạc, nhiệm vụ, công cụ, phương tiện phạm tội đến cùng. Do đó, Viện KSND tỉnh Đắk Lắk truy tố các bị cáo về các tội: “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Khủng bố”, “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và “Che giấu tội phạm” là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
HĐXX cũng đã tập trung đánh giá, phân tích về tính chất mức độ, vai trò, hành vi cụ thể của các bị cáo, đồng thời nêu ra các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng để có cơ sở xem xét, cân nhắc, quyết định hình phạt đối với từng bị cáo nhằm thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng thể hiện được chính sách nhân đạo của pháp luật đối với những người trót lầm lỡ phạm tội, ăn năn hối cãi.
Sau khi phân tích, đánh giá, cá thể hoá vai trò của từng bị cáo trong vụ án, HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 113; điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Y Sôl Niê (SN 1979) và H Wuễn Êban (SN 1976) mức án tù chung thân về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Áp dụng khoản 1 Điều 113; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm o khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Y Thô Ayun (SN 1987) mức án tù chung thân về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Áp dụng khoản Điều 113; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; điểm h khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự xử phạt bị cáo Y Chanh Niê (1996) tù chung thân về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Áp dụng khoản 1 Điều 113; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự xử phạt các bị cáo: Y Jũ Niê (SN 1968), Y Tim Niê (SN 1997), Y Chun Niê (SN 1990), Nay Yên (1970), Y Nơt Siu (SN 1978) và Y Giốp Mlô (SN SN 1996) tù chung thân về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”.
Xử phạt các bị cáo Y Pho Niê (1985), Y Diơh Kbuôr (SN 1989), Y Jôl Arul (SN 2000), Y Dăr Kbuôr (SN 1978) và Y Khing Liêng (SN 1992) mức án 20 năm tù giam. Các bị cáo còn lại trong nhóm phạm tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” và “Khủng bố” bị xử phạt mức cao nhất là 19 năm tù và thấp nhất là 3 năm 6 tháng tù giam.
Riêng 2 bị cáo Lê Văn Nghĩa (SN 1956) bị xử phạt 2 năm tù giam về tội “Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép” và bị cáo Y Cing Byă (SN 1991) 9 tháng tù giam về tội “Che giấu tội phạm”.
Về trách nhiệm dân sự, buộc 92 bị cáo liên đới bồi thường cho 25 bị hại, đại diện hợp pháp của bị hại là các tổ chức, cá nhân về các khoản chi phí cứu chữa, mai táng, thiệt hại về tài sản.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào