Dư luận đồng tình với bản án các bị cáo trong vụ khủng bố ở Đắk Lắk
Sau 5 ngày đưa vụ án ra xét xử công khai, chiều 20/1, Hội đồng xét xử (HĐXX) Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã tuyên án đối với 100 bị cáo trong vụ khủng bố nhằm chống lại chính quyền nhân dân xảy ra vào ngày 11/6/2023 trên địa bàn huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. Theo dõi phiên tòa, dư luận nhân dân đồng tình với mức án của HĐXX tuyên phạt đối với từng bị cáo theo đúng quy định pháp luật.
Trong căn nhà khang trang nằm nép mình dưới chân núi Langbiang, ông Pang Ting Uôk (SN 1950, nguyên Phó Ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng) cho biết, dù không có điều kiện để tham dự trực tiếp phiên tòa nhưng trong những ngày qua, ông và gia đình liên tục cập nhật thông tin về xét xử vụ án qua vi ti, báo chí. Cá nhân ông Pang Ting Uôk cho rằng, việc xét xử được tiến hành công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tiến hành điều tra, truy tố và xét xử công khai, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hơn ai hết, ông Pang Ting Uôk hiểu rất rõ về bản chất, nguồn cơn dẫn tới tội ác tày trời mà nhóm bị cáo đã gây ra vào ngày 11/6/2023 tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk. “Mọi tội ác, không phân biệt nam nữ, tuổi tác, thành phần, dân tộc, tôn giáo… đều phải bị trừng trị, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật của ta cũng thể hiện được tính ưu việt, sẵn sàng tạo điều kiện, khoan hồng cho những người biết nhận ra lỗi lầm, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hợp tác với cơ quan chức năng”, ông Pang Ting Uôk nói.
Cũng theo ông Pang Ting Uôk, qua theo dõi phiên tòa cho thấy, các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thành khẩn khai báo và đều đã nhận ra hành vi tội ác mà mình đã gây ra. Các bị cáo cũng đã thể hiện sự ăn năn hối lỗi, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. “Tôi cho rằng các mức án tòa đưa ra là hoàn toàn hợp lý. 10 bị cáo bị phạt tù chung thân, số còn lại lãnh án từ 9 tháng đến 20 năm tù là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng thể hiện được chính sách nhân đạo của pháp luật đối với những người lầm lỡ phạm tội, ăn năn hối cải”, ông Pang Ting Uôk nêu quan điểm.
Cùng chung quan điểm, ông Y Wem Niê (1950, dân tộc Ê Đê, người có uy tín ở Buôn Sut M’drang, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) cho rằng, pháp luật của ta nghiêm minh, hình phạt mà toà đã tuyên là đúng người, đúng tội. “Việc xét xử và bản án nghiêm minh đối với những kẻ khủng bố, chống phá nhằm lật đổ chính quyền nhân dân sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục ý thức với những ai đang mộng tưởng và có ý đồ chính trị đen tối, chống đối chính quyền, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Nhân dân ta đã trải qua cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ hy sinh mới giành được độc lập, tự do cho đất nước, mọi người dân Việt Nam đều có nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng đất nước, những ai chống lại chính quyền là chống lại quyền lợi của nhân dân, cần phải nghiêm trị”, ông Y Wem Niê nói.
Có cùng suy nghĩ, ông Y Hiơh Kbuôr (già làng buôn Ê Rang, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, mấy hôm nay theo dõi qua báo đài thông tin về vụ xét xử, bản thân ông thấy việc đưa ra bản án đối với từng bị cáo là hợp tình, hợp lý, đủ sức răn đe chung đối với các đối tượng đang có tư tưởng bất mãn, chống đối chế độ. Bản án này cũng cho thấy tính khoan hồng của Nhà nước đối với những người biết ăn năn, hối hận về các hành vi sai phạm của mình.
“Trong lúc đất nước ta đang ổn định, kinh tế phát triển và đời sống người dân nói chung, trong đó có người đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên ngày càng đi lên, vậy mà chỉ vì bị các thế lực phản động ở nước ngoài xúi giục, lôi kéo, lừa gạt, các đối tượng đã có những hoạt động hết sức ngông cuồng nhằm chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân. Mình cho rằng không chỉ bản thân mà các tầng lớp nhân dân trong cả nước đều rất phẫn nộ, lên án những hành vi phạm tội nghiêm trọng của các đối tượng”, ông Y Hiơh Kbuôr chia sẻ thêm.
Nhiều người dân khác đều cho rằng, quyết định của HĐXX không những thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, mà còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Là người trực tiếp tham gia bào chữa cho một số bị cáo, Luật sư Dương Lê Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cho rằng, mọi người dân đều bình đẳng trước pháp luật, ai có công thì được thưởng, ai có tội thì bị xử lý theo đúng pháp luật. Đối với những kẻ khủng bố, có âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân là phản bội nhân dân, phản bội đất nước cần phải xử lý nghiêm bằng pháp luật.
“Qua theo dõi trực tiếp diễn biến của phiên toà và mức hình phạt đối với các bị cáo, mức hình phạt này là đúng người, đúng tội, đúng luật pháp. Tuy nhiên, việc HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho những bị cáo biết ăn năn hối lỗi, biết nhận ra sai phạm của mình đã thể hiện sự nhân văn tạo cơ hội làm lại cuộc đời cho các bị cáo. Chính sự công minh, sáng suốt, công tâm của phiên tòa, tôi cho đó là cái đi vào lòng dân, điều đó cũng đã giúp các bị cáo nhận ra lỗi lầm của mình”, luật sư Dương Lê Sơn khẳng định.
Vụ án xét xử nhóm khủng bố đã khép lại giai đoạn sơ thẩm, những mức án đã tuyên đối với từng bị cáo cho thấy, việc điều tra, truy tố và xét xử công khai vụ án thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật. Dư luận xã hội đồng tình với bản án sơ thẩm mà TAND tỉnh Đắk Lắk đã tuyên còn thể hiện nền dân chủ, bảo đảm công khai, minh bạch trong xét xử theo đúng pháp luật. Bản án cũng có tác dụng ngăn ngừa, răn đe, giáo dục, đồng thời thể hiện tính nhân văn, nhân đạo và chính sách khoan hồng của Đảng và pháp luật Nhà nước ta.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào