Vai trò của báo chí trong tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh COVID-19
Mẹ tôi đã ngoài 70 tuổi, lâu nay không còn quan tâm nhiều đến tình hình chính trị, xã hội. Tuy nhiên, những tháng vừa qua, khi dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, rồi gần đây là Thanh Hóa diễn biến phức tạp, bà không bỏ một chương trình thời sự nào của Đài Truyền hình Việt Nam. Thậm chí, chương trình thời sự VTV vừa xong, bà “giành” luôn điều khiển để chuyển ngay sang chương trình thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa mà không để những thành viên trong gia đình xem các chương trình khác.
Phóng viên Báo Thanh Hóa và phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp trong vùng dịch. Ảnh: PV
Theo lý giải của bà, phải ưu tiên nắm bắt tình hình COVID-19 trong nước, trong tỉnh trước để biết mà phòng tránh. Hằng ngày, bà còn kể khá chi tiết tình hình ở các tỉnh, Thanh Hóa tăng bao nhiêu ca ở những huyện nào, rồi cập nhật tình hình giãn cách, khuyên con cháu phải liên tục đeo khẩu trang và những giải pháp phòng dịch đã được khuyến cáo trên truyền hình. Chắc chắn trên cả nước, sẽ có rất nhiều người trở nên quan tâm đến truyền thông hơn vì những thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Đó chính là thành công trong công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua của Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung.
Có được niềm tin này, các cơ quan truyền thông đã cố gắng chuyển tải những thông tin nhanh và chính xác nhất; những nội dung phản ánh sâu, chân thực từ tâm dịch, ghi nhận được tiếng nói của những người trong cuộc. Trên các trang báo in và báo điện tử, những hình ảnh đăng tải và nội dung phản ánh ở các khu cách ly, các bệnh viện điều trị khiến người đọc cảm nhận chân thực hơn tình hình, có thêm nhiều kiến thức phòng, chống dịch, lan tỏa được những tấm gương hy sinh, lòng tốt và sự chia sẻ trong những lúc nguy nan nhất.
Rõ ràng, các phóng viên ở nhiều cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã không ngại dấn thân, vào tận những nơi nguy hiểm để thực hiện nhiệm vụ. Một số phóng viên, nhà báo đã bị lây nhiễm COVID-19 trong khi tác nghiệp, như anh Bùi Trọng Nhân của kênh VOV Giao thông tại TP Hồ Chí Minh là một ví dụ. Những ngày này, nhà báo đã trở thành những “chiến sĩ” trên mặt trận truyền thông. Những hình ảnh, những đoạn phim được sản xuất từ sự dấn thân ấy đã giúp công chúng thấy rõ hình ảnh các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm quên mình vì người bệnh ở tâm dịch, làm lay động hàng triệu trái tim. Những thông tin qua báo chí khiến người dân hành xử đúng đắn, tiếp cận các thông tin bổ ích để cùng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Có thể nói, báo chí đã đồng hành với các cấp chính quyền, với ngành y tế như một lực lượng xung kích trên trận tuyến chống dịch.
Tại Thanh Hóa, các đợt dịch vừa qua, nhiều cơ quan báo chí cũng đã phát huy tốt vai trò của mình trong công tác tuyên truyền. Sự kiện xuất hiện các ca F0 tại huyện Nông Cống vào cuối tháng 8, hàng chục cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn đã đồng loạt đưa tin, dẫn các cảnh báo, công điện của tỉnh để Nhân dân thêm nhiều kênh tiếp cận thông tin. Rồi đến những ổ dịch từ Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực, huyện Nga Sơn, huyện Hậu Lộc..., cũng được thông tin kịp thời, sâu rộng trên các loại hình báo chí. Một số báo, tạp chí như: Nhà báo và Công luận, Thanh Niên,... còn trăn trở cùng bà con vấn đề lúa chín, làm thế nào để nông dân trong vùng đang bị cách ly phong tỏa ra đồng thu hoạch lúa. Nhiều cơ quan báo chí Trung ương có văn phòng hay phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh còn nêu ra những vấn đề cần chấn chỉnh, như tổ chức xét nghiệm quá đông người, không bảo đảm giãn cách, bất cập ở một vài nơi của TP Thanh Hóa trong triển khai giấy đi chợ...
Đặc biệt, các cơ quan báo chí của tỉnh như Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực, phát huy được vai trò của mình trong đồng hành phòng, chống dịch bệnh quái ác đang hoành hành. Suốt những đợt dịch gần đây, Báo Thanh Hóa đã dành nhiều thời lượng để tuyên truyền các vấn đề liên quan đến dịch bệnh. Mỗi đợt cao điểm dịch bệnh, Ban Biên tập Báo đã thành lập tổ phóng viên phản ứng nhanh, sẵn sàng “tác chiến”, mở thêm chuyên mục để tuyên truyền thành các tuyến bài dài trên các ấn phẩm của mình. Báo Thanh Hóa Điện tử có ngày đăng tải hàng chục tin bài về vấn đề này. Báo đã kịp thời cung cấp thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các giải pháp linh hoạt, chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh của tỉnh và của các địa phương để người dân an tâm, tin tưởng và đồng thuận, chung tay, góp sức phòng, chống dịch. Những thông tin liên quan đến quy định với người đi và về từ vùng dịch, hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt... liên tục được khuyến cáo để toàn xã hội nâng cao ý thức và chấp hành nghiêm túc các quy định. Cùng với đó, báo còn xây dựng các tuyến bài phản bác các thông tin sai trái, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch bệnh. Không quản khó khăn, nguy hiểm, nhiều phóng viên đã “lăn lộn”, đồng hành cùng các lực lượng tuyến đầu để thực hiện kế hoạch tuyên truyền của cơ quan, chung tay với tỉnh thực hiện nhiệm vụ chung. Chị Tô Thị Thu Hà, phóng viên phụ trách tuyên truyền mảng y tế và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, chia sẻ: Nhiều tháng nay, nhằm thông tin nhanh và chính xác, tôi và đồng nghiệp đã không quản ngại những hiểm nguy rình rập của dịch bệnh để thâm nhập thực tế. Cùng cán bộ Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đến nhiều khu cách ly, tiếp cận với bệnh nhân và cán bộ y tế đang điều trị. Những đêm trắng tác nghiệp tại Sư đoàn 390, Quân đoàn I ở thị xã Bỉm Sơn đón việt kiều về cách ly; những lần thâm nhập vào tận các vùng dịch... đều là những chuyến đi có thể bị lây nhiễm bệnh. Tuy nhiên, vì tình yêu và trách nhiệm nghề nghiệp, vì công cuộc phòng, chống dịch của tỉnh, chúng tôi đã không quản ngại.
Tương tự, Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa cũng đã trở thành kênh thông tin hữu ích đồng hành cùng người dân trong tỉnh phòng, chống dịch bệnh. Các nhóm phóng viên không ngại khó khăn, thâm nhập thực tế để có những hình ảnh và thông tin ở nhiều “điểm nóng”. Bà Mai Việt Hà, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, định hướng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thời gian gần đây, chúng tôi đã ưu tiên tăng thời lượng phát sóng các chương trình liên quan đến tình hình dịch bệnh trên các nền tảng của mình. Đài còn mở chuyên mục “Chống dịch như chống giặc” lồng ghép trong chương trình Thời sự tối, cập nhật liên tục tình hình dịch bệnh trong các tiểu mục và nhiều chương trình khác. Không chỉ phản ánh các thông tin diễn biến tình hình từ cơ sở, đài cũng chuyển tải đầy đủ những chỉ đạo và khuyến cáo mới nhất của Trung ương, của tỉnh về triển khai các giải pháp phòng, chống dịch đến các tầng lớp Nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Với nhiều thông tin giả, thông tin xuyên tạc tạo sự hoang mang lo lắng, đơn vị cũng nhanh chóng được xác minh, phản bác để đưa thông tin chính xác nhất, tạo niềm tin cho các tầng lớp Nhân dân, chung tay cùng cả tỉnh phòng, chống dịch bệnh.
“Để tăng cường chất lượng trong thông tin, tuyên truyền, chúng tôi đã thành lập các tổ phóng viên tuyên truyền phòng chống dịch, có thể đến tận các “điểm nóng” vùng dịch để tác nghiệp. Công tác bảo đảm an toàn cho những người đi tác nghiệp cũng được quan tâm với trang phục bảo hộ, yêu cầu ký cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Cơ quan cũng xây dựng kế hoạch tự phòng, chống dịch bệnh cụ thể cho phóng viên, người lao động một cách chi tiết, tổ chức chia ca, chia kíp làm việc tại cơ quan, khuyến khích nhiều bộ phận có thể làm việc online tại nhà để bảo đảm giãn cách. Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, sự an toàn của cơ quan chính là giữ vững huyết mạch thông tin, tuyên truyền phòng, chống dịch của tỉnh, nên luôn chủ động các giải pháp bảo đảm an toàn” - bà Mai Việt Hà, cho biết thêm.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn 2769/BTTTT-CBC để chỉ đạo tăng cường kỷ luật truyền thông trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, các cơ quan báo chí phải chú trọng thông tin, tăng cường tuyên truyền về mục tiêu phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân; tăng liều lượng, tần suất thông tin về các kết quả tích cực, các mô hình tốt, sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch, về cách phòng, tránh và các biện pháp phòng, chống lây chéo trong cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân là trên hết, trước hết. Tại Thanh Hóa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông cũng có những định hướng kịp thời các cơ quan báo chí của tỉnh về nội dung tuyên truyền liên quan đến dịch bệnh. Tất cả đang góp phần tạo ra động lực tinh thần mạnh mẽ, hướng cộng đồng vào mục tiêu chung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Nguồn: baothanhhoa
Không có nhận xét nào