Nóng câu chuyện “Sao kê”: Nghệ sĩ cần minh bạch trong hoạt động từ thiện
Số tiền quyên góp càng lớn, áp lực sẽ càng cao, càng đòi hỏi người làm từ thiện, trong đó có nhiều nghệ sỹ phải chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Số tiền càng lớn, người từ thiện càng phải minh bạch hơn
"Bộ Công an sẽ chủ động nắm bắt thông tin. Nếu có dấu hiệu gây bất ổn xã hội, Bộ Công an sẽ chủ động vào cuộc điều tra làm rõ" - đây là khẳng định mới nhất của Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an về việc đảm bảo minh bạch trong hoạt động từ thiện.
Đại diện Bộ công an cho rằng, việc minh bạch số tiền quyên góp là không khó bởi "việc nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu là con số số học, nên hoàn toàn có thể làm được".
Thời gian gần đây, phát sinh những tranh cãi, nghi ngờ trong dư luận xung quanh việc các nghệ sĩ đứng ra quyên góp từ thiện. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang dự thảo bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ. Đây là căn cứ để hình thành chuẩn mực đạo đức của giới nghệ sĩ. Trong đó nhấn mạnh nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện. Quy định này nhận được sự ủng hộ của đông đảo khán giả trong thời điểm hiện nay.
Một người quyên góp lên tiếng về vấn đề "sao kê" của nghệ sĩ
"Sao kê dễ hơn việc đi từ thiện trực tiếp, mà không làm được thì phụ lòng mạnh thường quân"
"Trăm năm trong cõi người ta - Sao nào cũng được miễn là Sao kê"
"Chòm Sao kê - thuộc cung Minh Bạch - giải Ngân hàng"
Đó là hàng loạt ý kiến yêu cầu các nghệ sĩ phải minh bạch trong hoạt động xã hội thời gian qua. Phản ứng đó cũng là tự nhiên, khi thời gian qua còn nhiều nghệ sĩ làm từ thiện nhưng chưa chuyên nghiệp.
Ca sỹ Thủy Tiên vào vùng lũ miền Trung cứu trợ, kêu gọi được khoản tiền kỷ lục, theo cô, là gần 180 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền đó chỉ được kê khai tờ A4 viết tay và những tờ giấy xác nhận chung chung.
Số tiền làm từ thiện của ca sỹ Thủy Tiên chỉ được kê khai tờ A4 viết tay
Còn nghệ sĩ Hoài Linh đã kêu gọi số tiền hơn 14 tỷ đồng. Nhưng sau 6 tháng, tiền cứu trợ vẫn chưa đến được nơi cần đến. Chỉ đến khi dư luận lên tiếng, ông mới vội vàng giải ngân toàn bộ trong chưa đầy 1 tuần lễ.
Và còn nhiều trường hợp khác cũng đang được dư luận nhắc tên. Tiền từ thiện vài trăm nghìn hay vài tỷ đều quý như nhau, nhưng khi số tiền càng lớn, áp lực sẽ càng cao, càng đòi hỏi người làm từ thiện phải chuyên nghiệp và minh bạch hơn.
Về làn sóng kêu gọi sao kê của người quyên góp, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Thành viên Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội nhấn mạnh trong chương trình Vấn đề hôm nay: "Họ hoàn toàn có quyền được giám sát, được xem và được biết toàn bộ quá trình thực hiện công việc của người đứng ra kêu gọi người quyên góp. Và người quyên góp hoàn toàn có quyền yêu cầu sao kê để biết được số tiền mà do mình đóng góp thực hiện đã được thực hiện như thế nào, đã được chuyển đến đâu, cụ thể vào thời điểm nào, có đúng với mục đích, mong nguyện vọng của người ta ngay lúc người ta đóng góp hay không".
Đánh giá về sự chủ động tự giác minh bạch thông tin của những bên tiếp nhận từ thiện, luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết: "Cách làm của các bên đều đang thiếu sự chuyên nghiệp. Việc đi làm từ thiện là một việc đòi hỏi tính chất chuyên nghiệp rất cao. Từ xưa đến giờ, ta đang chưa đánh giá ở mức độ quan tâm cụ thể mà hầu như đều đang làm tự phát. Ở đâu đó sẽ không thể tránh được hiện tượng lạm dụng hay tùy ý trong việc thu chi".
Luật sư Nguyễn Thế Truyền cũng nhắc đến tính pháp lý về những trường hợp bày tỏ ý kiến cá nhân trên mạng xã hội hoặc livestream liên quan đến vấn đề nóng trên mạng xã hội: "Chúng ta đã có một loạt các hành lang pháp lý để điều chỉnh đối với tất cả các hành vi này. Mạng rất ảo nhưng hành vi pháp lý và hậu quả thì rất thật. Nếu phát ngôn đó nhằm mục đích bôi nhọ người khác đều có thể bị xử lý theo quy định. Mức xử phạt là 10 đến 20 triệu đồng đối với những hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp những thông tin sai".
Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ: Muộn còn hơn không
Trong dự thảo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật gồm ngành biểu diễn, điện ảnh, mỹ thuật và nhiếp ảnh. Hành vi ứng xử ở đây là những phát ngôn, tác phong, lối sống, trang phục của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Bộ quy tắc đang được soạn thảo giống như một kênh để định hướng hành vi cho nghệ sĩ. Những gì chưa tốt cần phải lên án. Bởi nghệ sĩ, người nổi tiếng có sức ảnh hưởng, có thể tác động tiêu cực đến công chúng, nhất là đối tượng khán giả trẻ trước những hiện tượng khá phổ biến như nghệ sĩ phát ngôn kém văn hóa, quảng cáo sản phẩm chưa được cấp phép, chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng, thậm chí truyền bá cả những bài thuốc chữa COVID-19 một cách phản khoa học.
Một số nghệ sĩ, người nổi tiếng có những hành vi đáng lên án thời gian qua
Dự thảo Bộ yêu cầu nghệ sĩ phải có trách nhiệm minh bạch trong hoạt động xã hội, từ thiện; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, trái thuần phong mỹ tục; không lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các tổ chức, cá nhân, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng.
Nghệ sĩ phải có trách nhiệm tích cực, đóng góp cho cộng đồng, tạo ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng; có lối sống trong sáng, lành mạnh, giữ gìn hình ảnh trước công chúng và xã hội. Các nghệ sĩ phát huy uy tín cá nhân để lan tỏa các giá trị nhân văn, những việc làm tốt, hình ảnh đẹp, hành vi ứng xử văn hóa trong xã hội đến cộng đồng.
Nói về tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ trong kêu gọi từ thiện hay các hoạt động xã hội nói chung, ông Nguyễn Đình Thành, chuyên gia quản trị và truyền thông văn hóa nhấn mạnh: "Với uy tín, mức độ ảnh hưởng của mình, các nghệ sĩ cũng trở thành những nguồn phát thông tin. Các nghệ sĩ có năng lực truyền thông mạnh là cái chuyện hết sức hiển nhiên trong một xã hội. Tôi mong rằng các sĩ ý thức được cái tầm quan trọng và tầm ảnh hưởng của mình, hãy lan tỏa những cái giá trị tích cực, những việc làm tích cực cho xã hội hơn là đặt cái tôi của mình to quá hoặc những tính toán cá nhân không thật sự phù hợp, có thể làm tổn hại đến xã hội".
"Những gì chúng ta nói ra dù dưới bất cứ hình thức nào đều có ảnh hưởng đến chúng ta và ảnh hưởng đến xã hội. Điều này đúng với từng cá nhân, đúng với các doanh nghiệp và cũng càng đúng các nghệ sĩ" - ông Nguyễn Đình Thành cho biết.
Nhiều ý kiến, trong đó chính các nghệ sĩ gạo cội cho rằng: đáng lẽ Bộ quy tắc ứng xử nghệ sĩ đáng lẽ phải có sớm hơn. Thế nhưng muộn còn hơn không. Hiện nay dự thảo Bộ quy tắc được gửi tới 6 đơn vị trực thuộc gồm Hội Điện ảnh, Hội Mỹ thuật, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, Hội Nhạc sĩ để tham gia góp ý xây dựng.
Dù bộ quy tắc không mang tính chế tài nhưng giúp định hướng hành vi đạo đức ở mỗi nghệ sĩ, người nổi tiếng từ đó xác định uy tín nghề nghiệp và thương hiệu cá nhân. Đồng thời giúp hình thành công cụ định hướng cho dư luận xã hội để có đánh giá chính xác và văn minh hơn về hành vi của nghệ sĩ.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào