MKRdezign

TIN MỚI

Tòa án Nhân dân các huyện miền núi: Chú trọng công tác hòa giải trong các vụ việc dân sự

Thời gian qua, tòa án Nhân dân (TAND) các huyện miền núi trong tỉnh đã có nhiều giải pháp đột phá nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc dân sự. Qua đó tỷ lệ các bản án, các quyết định bị hủy, sửa cũng giảm dần qua các năm.

Tòa án Nhân dân các huyện miền núi: Chú trọng công tác hòa giải trong các vụ việc dân sựCán bộ Tòa án Nhân dân và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Bá Thước trao đổi hồ sơ các vụ việc dân sự.

Công tác hòa giải trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự, thời gian qua luôn được TAND huyện Bá Thước chú trọng thực hiện hiệu quả, góp phần giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các vụ án, giảm được số vụ án dân sự phải đưa ra xét xử. Trong quá trình tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, TAND huyện Bá Thước luôn thực hiện đúng các trình tự và thủ tục liên quan đến vụ án. Ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ vụ án, lãnh đạo TAND huyện giao cho các thẩm phán phụ trách vụ án nghiên cứu kỹ hồ sơ trên cơ sở tiến hành thu thập thông tin, làm rõ vấn đề mấu chốt của vụ việc. Phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị nơi đương sự cư trú, làm việc để tìm hiểu nhân thân của đương sự, các tình tiết của vụ án, cũng như ý kiến của những người có liên quan đến vụ án. Sau khi có đủ các thông tin và tài liệu, chứng cứ liên quan, TAND huyện sẽ ra quyết định mở phiên hòa giải trong thời hạn chuẩn bị xét xử. Tại các buổi hòa giải, thẩm phán TAND huyện trực tiếp gặp gỡ các đương sự, giải thích cho họ hiểu rõ về quyền và nghĩa vụ của mình trong quá trình hòa giải. Các thẩm phán luôn dành thời gian cho các bên nói rõ quan điểm, ý kiến, tâm tư, nguyện vọng. Phân tích rõ cho các đương sự biết được lợi ích mà họ sẽ có nếu thỏa thuận giữa hai bên thành công tại phiên hòa giải.

Các quy trình thực hiện công tác hòa giải ở TAND huyện Bá Thước luôn tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được áp dụng thống nhất. Thực tế trong quá trình hòa giải, đội ngũ thẩm phán TAND huyện luôn thể hiện sự gần gũi, tôn trọng sự tự nguyện của các bên liên quan. Tùy theo tính chất của từng vụ án cụ thể, quá trình hòa giải được TAND huyện tiến hành kịp thời, chủ động, nhằm tạo điều kiện cho các đương sự hiểu rõ các vấn đề liên quan đến tranh chấp. Đội ngũ thẩm phán của TAND huyện luôn thể hiện sự kiên trì trong quá trình hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới đưa vụ án ra xét xử... Với những giải pháp tích cực đã được thực hiện, tỷ lệ hòa giải thành các tranh chấp trong các vụ án dân sự trên địa bàn huyện ngày càng tăng.

Hàng năm, TAND huyện Cẩm Thủy phải giải quyết lượng án dân sự, hôn nhân gia đình khá lớn. Nhưng nhờ làm tốt công tác hòa giải, số vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình phải đưa ra xét xử giảm đáng kể, hạn chế được những tranh chấp căng thẳng giữa các đương sự. Gần 11 tháng năm 2020, TAND huyện tiếp nhận và giải quyết trên 200 vụ án dân sự, hôn nhân gia đình và án kinh doanh thương mại; đã hòa giải thành gần 100 vụ việc. Thẩm phán Nguyễn Trọng Sơn cho biết: Đối với các vụ án dân sự có tranh chấp, chúng tôi phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, thu thập thông tin, xác định địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa dẫn đến tranh chấp để từ đó đưa ra cách thức hòa giải phù hợp. Đối với những vụ án tranh chấp về đất đai thường là phức tạp hơn các vụ án dân sự khác, chúng tôi trực tiếp xác minh, xem xét ngoài thực địa, hướng các đương sự tự nguyện thỏa thuận với nhau. Quá trình điều tra, xác minh và hòa giải, chúng tôi luôn kết hợp với chính quyền địa phương cùng tham gia hòa giải. Với các vụ án hôn nhân và gia đình, chúng tôi cũng kết hợp với những người có uy tín trong dòng họ của các đương sự, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự có thời gian suy nghĩ, lựa chọn và đi đến quyết định cuối cùng.

Tìm hiểu thực tế, được biết: Hàng năm, TAND các huyện luôn xác định, kiên trì hòa giải chính là một phương châm, một biện pháp quan trọng trong việc giải quyết các vụ việc dân sự và chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải mới phải đưa vụ án ra xét xử. Kết quả hòa giải thành trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự sẽ tạo được hiệu quả pháp lý tốt nhất, giúp tăng cường mối đoàn kết trong nội bộ Nhân dân, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, giữ vững các chuẩn mực đạo đức xã hội. Đồng thời, thông qua công tác hòa giải, vai trò, uy tín của TAND ngày càng được nâng lên, xứng đáng với vị trí là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong bộ máy chính quyền ở địa phương.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Không có nhận xét nào