MKRdezign

TIN MỚI

Cần xử lý quyết liệt tình trạng công khai mua, bán văn bằng, chứng chỉ giả

Đã có nhiều vụ phát giác và lực lượng chức năng vẫn đang mở rộng quy mô điều tra về hành vi mua, bán bằng cấp giả. Trong đó, cả người bán, người mua sẽ đều bị truy cứu trách nhiệm và xử phạt theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng mua, bán bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí là một số giấy tờ có giá trị vẫn đang diễn ra một cách công khai.

Cần xử lý quyết liệt tình trạng công khai mua, bán văn bằng, chứng chỉ giảMột website công khai quảng cáo bán bằng giả.

Công khai quảng cáo

Chỉ cần vào trang tìm kiếm google và gõ từ khóa “mua bằng giả”, hàng loạt website có chức năng này hiện ra như: lambangcapnhanh.com; baoxinviec.com; lambangdaihoc.com.vn; lambangdaihocgiare.com... Các trang web này đều sử dụng chiêu trò quảng cáo tương tự nhau. Trong đó, nhiều loại bằng từ trung cấp tới cao đẳng, đại học, chứng chỉ tiếng Anh, Tin học được chào hàng ở mức từ 3 đến 8 triệu đồng, cam kết phôi gốc, dấu giáp lai nổi, giống từng chi tiết nhỏ. Giá cả còn được các trang web này quảng cáo là cạnh tranh nếu... đặt với số lượng nhiều.

Website có tên miền baoxinviec.com được thiết kế khá chuyên nghiệp. Không chỉ công khai chào hàng cung cấp các loại bằng cấp từ THCS, THPT tới đại học, với các ngành nghề có tính chất công việc quan trọng như dược sĩ, sư phạm, luật..., website này còn “cầu kỳ” làm những bài PR về “lợi ích” của việc làm bằng giả, phân tích các hình thức, mức độ làm giả bằng cấp, giải đáp những băn khoăn của khách hàng như độ tin cậy khi đi công chứng, hướng dẫn khách hàng cách đi công chứng để không bị phát hiện... Website này còn được thiết kế các chức năng phản hồi online, đường dây nóng... để thuận tiện cho khách hàng giao dịch.

Không chỉ thông qua hình thức website, thực tế, vấn nạn mua, bán bằng giả còn được quảng cáo giao dịch rộ trên môi trường internet cùng với sự phát triển của mạng xã hội như facebook, zalo... và nhắn tin trực tiếp tới thuê bao khách hàng. Thử phản hồi tin nhắn đến từ số điện thoại +84766661232, nhanh như cắt, chúng tôi được “chủ nhân” thuê bao này “mời” sang zalo để tư vấn kỹ hơn. Theo đó, tài khoản zalo có tên Hoàng Phong ở TP Hà Nội quảng cáo cung cấp được bằng cấp với phôi chuẩn của nhà trường. Với bằng đại học ngành Quản trị kinh doanh, chi phí là 8 triệu đồng. Tài khoản này cũng quảng cáo khách hàng muốn làm bằng của trường nào cũng đáp ứng được nhu cầu. Hàng giao tận tay mới trả tiền và không phải cọc trước.

Cả người bán, người mua đều vi phạm pháp luật

Hiện nay, tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tên điều luật đã được bổ sung cụ thể thành “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Theo đó, tội làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm. Với trường hợp phạm tội nghiêm trọng, tái phạm còn có thể bị phạt tù đến 7 năm kèm theo các mức xử phạt hành chính đến 50 triệu đồng. Đối với hành vi mua bằng giả nhưng chưa sử dụng cũng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định.

Trong tháng 10-2020 vừa qua, Công an TP Thanh Hóa cũng đã phát hiện và bắt giữ 2 giáo viên của Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa cùng 13 nghi phạm khác chuyên làm giả văn bằng, chứng chỉ để chiếm đoạt tài sản. Khi bắt giữ các nghi phạm, lực lượng chức năng đã thu giữ 7 bộ máy vi tính, 2 máy in thẻ nhựa, 1 máy ép plastic, 25 thẻ ngân hàng và nhiều phôi bằng, chứng chỉ, học bạ, giấy phép lái xe, con dấu giả.

Theo điều tra ban đầu của Công an TP Thanh Hóa, thủ đoạn của các nghi phạm là dùng facebook, zalo lập thành các nhóm để quảng cáo, nhận tổ chức mở lớp đào tạo để cấp văn bằng, chứng chỉ. Để che giấu hành vi phạm tội, các nghi phạm sử dụng các tài khoản ngân hàng ảo, sử dụng các thông tin cá nhân, số điện thoại, tài khoản facebook, zalo giả để giao dịch với người học. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 6-2020, các nghi phạm đã đứng ra tổ chức 4 lớp với khoảng 600 người tham gia các lớp học. Mỗi người theo học để lấy văn bằng, chứng chỉ phải nộp khoản tiền từ 3,5 - 7 triệu đồng.

Có thể công bằng nhận định, thực tế hiện nay, chính vì nguyên nhân nhu cầu sử dụng bằng cấp giả tăng cao, “có cầu ắt có cung” đã khiến tình trạng quảng cáo, giao dịch, mua bán văn bằng, chứng chỉ giả diễn ra một cách công khai. Không chỉ với những người có nhu cầu văn bằng, chứng chỉ giả để xin việc làm; mà với cả những cán bộ thuộc diện “nguồn”, muốn có thêm văn bằng, chứng chỉ để”, “leo” lên các chức vụ cao hơn, nhưng lại không muốn đầu tư thời gian đi học cũng sử dụng cách này. Song, thực tế cho thấy, cơ quan thực thi pháp luật thường chỉ xử lý hình sự đối tượng tổ chức làm văn bằng, chứng chỉ giả; còn với người sử dụng các văn bằng, chứng chỉ giả phần lớn chỉ bị xử phạt hành chính nếu bị phát hiện.

Do đó, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng làm giả văn bằng, chứng chỉ, bên cạnh việc xử lý hình sự đối tượng làm giả, các cơ quan thực thi pháp luật cần thiết phải xử lý nghiêm những người sử dụng văn bằng, chứng chỉ, tài liệu do làm giả mà có. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thông tin truyền thông; cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao cần có biện pháp dẹp bỏ những website quảng cáo làm văn bằng, chứng chỉ giả hoặc những hành vi quảng cáo trái pháp luật đang đăng công khai trên mạng Internet.

Nguồn: baothanhhoa.vn

Không có nhận xét nào