Bài 3: Đập tan chiêu trò "đánh từng bước"
“Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" – PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy khi trao đổi với TCTG về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội XIII của Đảng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (Ảnh: Thu Hằng)
BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG MỘT CÁCH CHỦ ĐỘNG VÀ SÁNG TẠO
PV: Thưa đồng chí, trước các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong thời gian gần đây, chúng ta càng nhận thấy tầm quan trọng của Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị Khóa XII về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Sau một năm thực hiện Nghị quyết 35, đồng chí có thể khái quát ý nghĩa của Nghị quyết (NQ) này đối với tình hình hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Rõ ràng là NQ 35 ra đời rất đúng, rất trúng thời điểm. Thứ nhất, thực tiễn đòi hỏi chúng ta không chỉ trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà còn phải phát triển sáng tạo và càng phát triển sáng tạo, càng hiện thực hoá tốt nhất, nhanh nhất mục tiêu, lý tưởng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Sau khi chủ nghĩa xã hội (CNXH) hiện thực sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô thì chính Việt Nam, vừa kiên định, trung thành, vừa phát triển sáng tạo, bổ sung đã bảo vệ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là bảo vệ một cách chủ động chứ không phải thụ động, bảo vệ không chỉ là các thế lực thù địch chống cái gì thì mình phản bác lại.
Thứ hai, cho đến nay, ngay trong cán bộ, đảng viên vẫn còn không ít người nhận thức mơ hồ về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo rất sâu sắc về vấn đề này. Càng gần các kỳ đại hội Đảng, các thế lực thù địch, phản động càng chống phá điên cuồng và quyết liệt. Âm mưu cơ bản, lâu dài của họ là xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá bỏ chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, rất kiên trì, quyết liệt, xảo quyệt. "Diễn biến hoà bình" là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là "thủ đoạn hoà bình” với những phương thức gần đây như "cách mạng nhung", "cách mạng màu", "cách mạng đường phố"... Trong chiến lược này, tư tưởng - văn hoá được họ coi là "mũi đột phá" làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, rồi cuối cùng xoá bỏ hệ tư tưởng XHCN. Chính các nhà tư tưởng tư sản đã tổng kết: "Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; “Bỏ 1 USD cho tuyên truyền bằng 5 USD cho quân sự”. Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng: “Từ nay về sau, nước khống chế thế giới không phải dựa vào quân đội mà dựa vào năng lực đi trước về thông tin”.
Cho nên, NQ 35 của Bộ Chính trị Khóa XII ra đời đã giải quyết hai vấn đề rất lớn, nâng cao nhận thức và định hướng hành động cho cán bộ, đảng viên, đó là phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ phải chủ động, sáng tạo chứ không phải thụ động.
PV: Đồng chí có thể lý giải vì sao càng gần đến kỳ đại hội Đảng thì các thế lực thù địch lại tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng?
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Xét về quy luật thì các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị cứ có lúc lắng, lúc lại rộ lên, có lúc dồn dập. Họ không khi nào ngừng chống phá, nhưng cũng biết lựa thời cơ, lựa tâm lý xã hội. Họ biết các kỳ đại hội Đảng là lúc nhân dân đặc biệt quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước nên cho rằng đây là cơ hội để dấn tới tác động, làm chuyển hoá tình hình, thay đổi đường lối chính trị ở nước ta. Cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố".
Họ làm như vậy để cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn góp ý cho Đảng, lợi dụng các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết “tâm thư”, “thư ngỏ”, “kiến nghị”, tung tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức...
BA CUỘC ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG KHÔNG KHOAN NHƯỢNG
PV: Là người nghiên cứu lịch sử Đảng, qua lịch sử gần 90 năm qua của Đảng ta, xin đồng chí khái quát Đảng ta đã trải qua những cuộc đấu tranh tư tưởng lớn nào để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng?
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Có thể nói là liên tục từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời vào mùa Xuân năm 1930 cho đến thời điểm này, gần kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng, tôi thấy không có chặng đường lịch sử nào mà Đảng không phải đối phó với những chống phá về tư tưởng, lý luận. Và có thể nói, ngay từ đầu, Bác Hồ là người sáng lập Đảng đã rất chú ý điểm này. Bác có câu nói dung dị mà chính xác: “Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt”. Bây giờ, có người nêu ra quan điểm rất phản động là “chủ nghĩa nào cũng được, miễn là dân giàu, nước mạnh”. Đảng mà không có chủ nghĩa thì không có lý luận, sẽ giống như người không có trí khôn, giống như tàu không có bàn chỉ nam, sẽ tự tan rã.
Từ năm 1930 đến nay, trong Đảng có rất nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh 3 thời điểm mà phải Đảng ta phải chống quyết liệt và đã chống thành công. Đó là thời điểm chống sự xâm nhập của Chủ nghĩa Trotsky, ở ta gọi là những phần tử “Tờ-rốt-kít”. Chủ nghĩa này ra đời từ sau Cách mạng Tháng Mười 1917, chống phá cách mạng nhiều nước XHCN, nó phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin. Nó xâm nhập vào Đảng ta vào cuối những năm 30 của thế kỷ XX, những nhân vật Tờ-rốt-kít lúc đó như Phan Văn Hùm, Tạ Thu Thâu, Trần Văn Thạch đã ra sức phá hoại tư tưởng và đường lối chính trị của Đảng. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi đó dù đang ở bên Trung Quốc vẫn gửi những chỉ đạo đấu tranh về trong nước. Đồng chí nhắc các đồng chí Trung ương: “Tuyệt đối chống bọn Tờ-rốt-kít, không có bất kỳ sự nhượng bộ nào về tư tưởng, về chính trị”. Tổng Bí thư Hà Huy Tập lúc đó đã viết hẳn một cuốn sách là “Tờ-rốt-kit và phản cách mạng”. Rồi năm 1939, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích”, tự phê bình những thiếu sót của Đảng, đặc biệt về vấn đề tư tưởng để tạo sự thống nhất trong Đảng.
Thời điểm thứ hai, tôi được chứng kiến là những năm 60 của thế kỷ 20, trong phong trào cộng sản, công nhân quốc tế xuất hiện chủ nghĩa xét lại hiện đại. Chủ nghĩa xét lại đòi xét lại những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, xuyên tạc, bôi đen Chủ nghĩa Mác-Lênin. Lúc đó, Trung ương Đảng ta phải ra một nghị quyết quan trọng, đó là NQ Trung ương 9, khoá III, tháng 12-1963. NQ thể hiện bản lĩnh của Đảng, tầm trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về Chủ nghĩa Mác-Lênin và nhận diện thấu đáo những luận điệu xuyên tạc của chủ nghĩa xét lại hiện đại.
Lúc đó, trong Đảng xuất hiện một số người đi theo chủ nghĩa xét lại, chống lại đường lối của Đảng. Đảng ta đã xử lý rất kiên quyết những người theo chủ nghĩa xét lại để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng như Trường Chinh, Hoàng Tùng... đã trực tiếp viết bài “bút chiến”, nhằm tổng kết lý luận xây dựng CNXH ở Việt Nam, chứng minh sự đúng đắn, khoa học của học thuyết Mác-Lênin.
Và thời điểm thứ ba mà ta biết, đó là thời điểm cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đặc biệt là giai đoạn 1989-1991, cuộc đấu tranh trên phương diện tư tưởng, cũng phê phán chủ nghĩa xét lại hiện đại. Bây giờ nhìn lại sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô, Đông Âu thấy có nhiều nguyên nhân, nhưng phải khẳng định có một nguyên nhân là chính sự phản bội về tư tưởng lý luận, đi đến phản bội chính trị của một số người lãnh đạo ở các nước XHCN, dẫn đến bi kịch lịch sử ở Đông Âu và Liên Xô.
Ở nước ta, các phần tử phản động, cơ hội chính trị dựa hơi trào lưu đòi “dân chủ hoá, công khai hoá”, đòi “đa nguyên, đa đảng” giống như ở Liên Xô, Đông Âu. Nhưng Đảng ta lập tức đấu tranh rất kiên quyết. Kinh nghiệm ở đây là ta đã phát hiện sớm để phòng ngừa, tổ chức đấu tranh kịp thời. Ta dự báo rất sớm, từ lúc kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Mười, năm 1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã dự cảm và cảnh báo về sự phản bội của một số người lãnh đạo trong các đảng ở Liên Xô và Đông Âu. Tôi nhớ mãi câu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhắn nhủ lúc đó: “Bây giờ ta phải tự bảo vệ lấy ta”. Cho nên, Hội nghị Trung ương 6, Khoá VI, tháng 3-1989, Đảng ta đề ra 6 nguyên tắc trong công cuộc đổi mới, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc: “Chủ nghĩa Mác-Lênin luôn luôn là nền tảng tư tưởng của Đảng ta, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta”. Sau đó, Nghị quyết Đại hội VII-1991 của Đảng khẳng định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng. Để có được nghị quyết và sự khẳng định như vậy, Đảng ta đã trải qua một cuộc đấu tranh không khoan nhượng, đã xử lý không ít đảng viên, có cả đảng viên là lãnh đạo cấp cao mơ hồ, dao động, xa rời nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin.
NHẬN DIỆN CHIÊU TRÒ “ĐÁNH TỪNG BƯỚC”
PV: Thưa PGS, trong chiến thuật tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng thủ đoạn đề cao, tuyệt đối hóa vai trò của Tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ nói nước ta không cần Chủ nghĩa Mác-Lênin mà chỉ cần Tư tưởng Hồ Chí Minh là đủ. Theo đồng chí, cần nhận diện âm mưu của họ như thế nào qua thủ đoạn nói trên?
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Đấy có thể là chiêu trò “đánh từng bước” của họ. Thực tế cho thấy, những luận điệu xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm “hạ bệ thần tượng” của nhân dân Việt Nam khó đạt được mục đích. Bởi ở Việt Nam, mọi sự xuyên tạc về thân thế, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đều dẫn đến hệ quả là bộ mặt thật của những kẻ phản động, cơ hội chính trị bị lộ diện. Cho nên họ chuyển sang trò “tung hô” cực đoan, tuyệt đối hóa vai trò tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận hoàn toàn Chủ nghĩa Mác-Lênin.
Phải nói rằng đây là trò lừa gạt rất tinh vi, một số người nghiên cứu không kỹ có thể mắc mưu họ. Chúng ta đều biết tư tưởng Hồ Chí Minh là kết quả của sự vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện thực tiễn của cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã đến với Chủ nghĩa Mác-Lênin để tìm kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc; tìm thấy mối quan hệ khăng khít giữa sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng các dân tộc bị áp bức; tìm thấy con đường đúng đắn để đem lại độc lập dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Trong tác phẩm Đường cách mệnh viết năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã trích dẫn câu nói của Lênin ở trang đầu: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động”. Chủ nghĩa Mác-Lê nin là cái cốt khoa học lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin thực chất là muốn phủ nhận cội nguồn khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, nếu Đảng ta không “giữ Chủ nghĩa Mác-Lênin làm cốt” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn thì sẽ không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ và không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, coi đây là nhiệm vụ cốt tử, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta.
ĐOÀN KẾT PHẢI CÓ NGUYÊN TẮC
PV: Trong các nội dung xuyên tạc về Đảng ta, các thế lực thù địch luôn “nhai đi nhai lại” rằng trong Đảng cũng có phe này, phe kia, như “phe bảo thủ”, “phe cấp tiến”, “phe thân Tầu”, “phe thân Mỹ”... Trong nội bộ, cũng có ý kiến cho rằng yêu cầu đoàn kết trong Đảng là nguyên nhân dẫn đến thủ tiêu đấu tranh, khiến cho việc tự phê bình và phê bình không còn thực chất vì đảng viên sợ mang tiếng là “mất đoàn kết”? Đồng chí nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc: Là người nghiên cứu lịch sử Đảng, tôi có thể khẳng định: Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta trong suốt 89 năm qua. Chưa bao giờ Đảng ta có chuyện phe này, phe kia; các thế lực thù địch sở dĩ kiên trì xuyên tạc Đảng ta có phe này, phe kia là vì họ muốn tấn công vào bản chất truyền thống của Đảng, họ áp dụng chiến thuật “một lời nói dối trắng trợn nhưng nói đi, nói lại nhiều lần sẽ khiến người ta tin là sự thật” mà không biết rằng, nói dối nhiều lần sẽ thành “chú bé chăn cừu”, vài ba lần đầu thì còn có người tin, bịa đặt mãi thì sẽ hết người tin.
Còn trong thực tiễn, trước những vấn đề mới mẻ của cách mạng, nhận thức mỗi người khác nhau là chuyện bình thường. Hiện nay, Đảng ta, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, không ít đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc... Đất nước phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường tác động vào Đảng. Trong Đảng bây giờ cũng có sự phân hoá giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động. Thực tế trong Đảng đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối", "trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo.
Còn nói vì yêu cầu đoàn kết mà ảnh hưởng đến tự phê bình và phê bình, dẫn đến thủ tiêu đấu tranh trong Đảng cũng không đúng. Thủ tiêu đấu tranh thì không phải đoàn kết. Đấy là cơ hội chính trị, là thủ đoạn, những người mắc bệnh “thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh”, “dĩ hòa vi quý”...đều là biểu hiện của suy thoái, ‘tự diễn biến” như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu.
Theo tôi, đoàn kết muốn vững chắc thì phải có nguyên tắc. Một là phải trên nền tảng tư tưởng của Đảng, tức là dựa trên lý luận khoa học. Hai là, đoàn kết phải vì cái chung, phải xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn cách mạng mà đặt ra yêu cầu đoàn kết. Ba là lấy lợi ích của nhân dân, quốc gia, dân tộc làm cơ sở. Một số người không tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng vẫn cứ đòi đứng trong hàng ngũ của Đảng, đòi những người khác phải đoàn kết với mình thì không thể được.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS Nguyễn Trọng Phúc.
Nguồn: tuyengiao.vn
Không có nhận xét nào