Bài 1: Việt Nam luôn kiên định con đường phát triển
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu do nghị quyết Đại hội XII đề ra để chào mừng đại hội đảng các cấp hướng tới Đại hội XIII của Đảng. Ở chiều ngược lại, các thế lực thù địch, phần tử phản động, cơ hội chính trị lại tăng cường chống phá, ra sức xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong vệt bài này, Tạp chí Tuyên giáo giới thiệu ý kiến của các học giả, các nhà khoa học nhằm phê phán, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, chống phá nói trên....
GS.TS. Vũ Văn Hiền - Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
Bài 1: VIỆT NAM LUÔN KIÊN ĐỊNH CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN
Nhân sự kiện Đảng ta tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), một số ý kiến cho rằng, “tổng kết 10 năm” không còn nhiều ý nghĩa vì “Việt Nam đã âm thầm xoay trục sang kinh tế thị trường và đoạn tuyệt với định hướng XHCN”, vì “kinh tế thị trường và chủ nghĩa xã hội mâu thuẫn như nước với lửa, không thể dung hòa...”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS. TS. Vũ Văn Hiền, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương về những nội dung này...
TRUNG THÀNH VỚI CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN LÀ NGUYÊN TẮC
* Thưa Giáo sư, trên một số diễn đàn tiếng Việt ở nước ngoài, có người cho rằng Việt Nam cần “đi tìm chủ thuyết mới để phát triển” vì Cương lĩnh 2011 trên thực tế đã lỗi thời... Đằng sau những ý kiến như vậy là vấn đề gì?
GS. TS. Vũ Văn Hiền: Trước hết phải nói rằng, việc tiếp thu các tư tưởng tiến bộ, ý tưởng sáng tạo của thế giới nhằm làm giàu thêm trí tuệ của Đảng, là việc mà Đảng ta tiến hành thường xuyên, liên tục. Tôi cũng đã biết đến một số ý kiến đề xuất rằng Đảng phải “đi tìm chủ thuyết mới”, mà thực chất là muốn Đảng ta thay đổi nền tảng tư tưởng, đó là điều Đảng ta không chấp nhận.
Cụ thể như có ý kiến phê phán Cương lĩnh 2011, họ cho rằng Cương lĩnh 2011 đã lỗi thời. Vừa rồi, Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa cho ý kiến vào báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, có nhìn lại gần 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991. Chúng ta thấy rõ, hơn 33 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc lịch sử và ý nghĩa cách mạng to lớn, là một quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta. Cương lĩnh 1991, bổ sung, phát triển năm 2011 tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, ngọn cờ chiến đấu, ngọn cờ quy tụ, tập hợp, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta; là nền tảng để Đảng ta tiếp tục phát triển hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện đường lối xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Nhìn tổng thể, sau 33 năm đổi mới, 28 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, nhất là 10 năm gần đây, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, cũng phải thấy còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn. Qua 4 năm nhiệm kỳ khoá XII, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Báo cáo mới nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV cho thấy: Tốc độ tăng GDP cả năm 2019 ước đạt trên 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Nước ta được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam vừa được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu 192/193... Như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là, sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay.
Với những thành tựu trên thì tự nó đã trả lời cho chúng ta thấy tương lai con đường phát triển của đất nước, tự nó đã phủ định những ý kiến xuyên tạc, bịa đặt về tình hình Việt Nam.
Tất nhiên, bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận, chúng ta cũng tỉnh táo phân tích để nhận thấy, sau gần 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Những nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn hiện hữu. Đáng chú ý là vấn đề quản lý xã hội. Qua quá trình phát triển, đất nước kinh tế đi lên nhưng các vấn đề về xã hội, tâm trạng xã hội, đời sống xã hội lại gia tăng những khó khăn, thách thức; xã hội thì bình yên nhưng tâm trạng của nhân dân cũng không phải đã ổn định. Hay vấn đề an ninh-quốc phòng, đối ngoại. Trong một thế giới có nhiều biến động rất phức tạp, khó lường, diễn biến ở khu vực cũng như thế giới đều có điểm nóng, ảnh hưởng, tác động rất nhiều chiều đến nước ta. Trong điều kiện như thế, chúng ta phải tổ chức lực lượng về QP-AN như thế nào để bảo đảm kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, bảo vệ Đảng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Rồi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên... Những vấn đề này đòi hỏi chúng ta tiếp tục phải có sự nghiên cứu, bổ sung vào đường lối đổi mới đất nước, nhưng tuyệt nhiên không có chuyện đi tìm một “chủ thuyết phát triển mới” vì trung thành với Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề nền tảng, là nguyên tắc trong định hướng phát triển của đất nước ta.
KHÔNG SAO CHÉP BÊN NGOÀI
* Nhưng một vài học giả trong nước cho rằng những thành quả của đổi mới hay 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011 là thành tựu của kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, còn định hướng XHCN giờ chỉ là cái vỏ để mị dân, thực tế Việt Nam đã “xoay trục” sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Giáo sư có bình luận gì về ý kiến này?
GS. TS. Vũ Văn Hiền: Những ý kiến cho rằng Việt Nam đã xoay trục nền kinh tế sang kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa là không có căn cứ.
Những người này thường đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản, vì vậy họ cho rằng Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường thì tự khắc nền kinh tế sẽ vận động, phát triển thành kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Trong khi kết quả nghiên cứu khoa học trong nước, quốc tế đều chỉ ra rằng kinh tế thị trường và chủ nghĩa tư bản là hai vấn đề có bản chất khác nhau. Kinh tế thị trường là một phương thức, một kiểu tổ chức kinh tế mà xã hội loài người sáng tạo ra, là thành tựu của văn minh nhân loại, có thể tồn tại ở các chế độ chính trị-xã hội khác nhau. Kinh tế thị trường ra đời, phát triển phụ thuộc vào các điều kiện tạo ra nó như sự phát triển của sức sản xuất, phân công lao động xã hội...
Kinh tế thị trường tự nó không thể quyết định bản chất và định hướng phát triển cho một chế độ chính trị-xã hội nào cả. Trái lại, bản chất của chế độ chính trị-xã hội sẽ quyết định bản chất của kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường có thể tồn tại trong những chế độ chính trị-xã hội khác nhau khi những điều kiện tạo ra nó hình thành. Còn chủ nghĩa tư bản, như chúng ta đã thấy, là một chế độ chính trị-xã hội do giai cấp tư sản thống trị; thế giới ngày nay có rất nhiều chế độ chính trị-xã hội khác nhau và kinh tế thị trường đang phát triển năng động trong sự đan xen, ảnh hưởng lẫn nhau giữa các chế độ chính trị-xã hội khác nhau như vậy. Trung Quốc là một ví dụ cho thấy, một chế độ chính trị-xã hội không theo chế độ tư bản chủ nghĩa vẫn sử dụng kinh tế thị trường phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế. Thực tiễn 33 năm Đổi Mới ở Việt Nam chúng ta cũng vậy.
* Bên cạnh ý kiến về xoay trục thì có ý kiến cho rằng, kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam là “đầu Ngô, mình Sở”, rằng kinh tế thị trường và XHCN đối lập với nhau như nước với lửa, không thể nào có “định hướng XHCN” nếu chấp nhận phát triển kinh tế thị trường. Giáo sư có thể nói rõ hơn về kinh tế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta xây dựng?
GS. TS. Vũ Văn Hiền: Chúng ta đã xác định ngày càng rõ hơn, kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt nam là nền kinh tế phát triển, là nền kinh tế hiện đại, hội nhập quốc tế. Trong đó, để hội nhập quốc tế chúng ta đã xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, nghĩa là nền kinh tế đủ sức để nuôi dưỡng, phát triển đất nước, đủ sức để chúng ta nghĩ bằng cái đầu của ta, đi bằng đôi chân của ta và làm bằng đôi tay của ta. Độc lập tự chủ để chúng ta hội nhập với thế giới và chấp nhận cạnh tranh, chấp nhận phân công hợp tác quốc tế, chấp nhận hội nhập quốc tế. Chúng ta tiến hành hội nhập tất cả các ngành, tất cả các lĩnh vực. Ngay cả quốc phòng, an ninh chúng ta cũng hội nhập. Trong quá trình thực hiện như vậy, giữ vững định hướng XHCN chính là một vấn đề lớn đặt ra. Có người nói, nền kinh tế của nước ta “không giống ai”. Đúng như vậy, chúng ta không nhất thiết phải giống bất cứ nền kinh tế nào. Một số người khăng khăng rằng, kinh tế thị trường thì không thể nào định hướng XHCN được? Đã thị trường thì cứ thế nó đi theo quy luật riêng của thị trường, nó phát triển tự phát. Nhưng thực chất không phải thế. Trên thế giới không có nước nào có một nền kinh tế chung với nhau. Kinh tế nước nào cũng có đặc trưng riêng của nó. Kinh tế Mỹ là kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa nhưng lại khác với kinh tế của Đức, khác với kinh tế của Pháp, càng khác kinh tế của Anh. Mỗi nền kinh tế có đặc thù riêng, có tính từ đi theo. Nền kinh tế Trung Quốc là kinh tế thị trường XHCH, của Đức là kinh tế thị trường xã hội,… Mỗi nước xây dựng mô hình của nước ấy, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nước ấy để phát triển. Nền kinh tế ở Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hướng như vậy thì nền kinh tế theo quy luật thị trường nhưng có sự định hướng và điều tiết. Nghĩa là chúng ta phải có hướng đi, phải có điều chỉnh, cách thức để khắc phục mặt tiêu cực của thị trường.
Cách thức của ta là bảo đảm công bằng xã hội trong từng chính sách, từng bước phát triển. Mỗi bước phát triển của kinh tế là một bước phải giải quyết tiến bộ xã hội, công bằng xã hội. Mỗi bước phát triển kinh tế đều đi cùng xóa đói giảm nghèo; để không ai bị bỏ lại phía sau, phải thực hiện an sinh xã hội. Toàn bộ nền kinh tế ấy là phục vụ cho con người, hướng đến “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thế nên anh không thể nói nền kinh tế cứ phải thị trường nguyên nghĩa của nó, cứ phải để cho nó phân hóa xã hội, tha hóa xã hội, suy thoái đạo đức. Kinh tế thị trường định hướng XHCN là làm cho xã hội an toàn hơn, hài hòa hơn, khi phát triển vẫn luôn luôn hướng đến công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội phát triển.
Nền kinh tế của nước ta không thể sao chép bất kỳ một nền kinh tế nào, vì chúng ta có những đặc điểm kinh tế-xã hội của riêng mình. Chúng ta phải trải qua mấy cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước nên hiện có tới 12 triệu người hưởng chế độ người có công. Cho nên quá trình phát triển phải bảo đảm chính sách xã hội. Nền kinh tế của chúng ta phải thực hiện rất nhiều chính sách xã hội để phát triển hài hòa. Phải giữ được định hướng XHCN thì mới có môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế. Đây cũng là một phẩm chất chính trị, đồng thời đây cũng là quy luật phát triển của Việt Nam chứ không phải nó nằm ngoài quy luật, nó trái quy luật. Quy luật dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của mỗi quốc gia, dân tộc rất riêng biệt nên mỗi nước đều có cách đi riêng trên con đường phát triển kinh tế. Bây giờ còn có người nói, muốn phát triển thì Việt Nam chỉ cần lấy toàn bộ chính sách của Mỹ, luật pháp kinh tế của Mỹ để mang về áp dụng cho Việt Nam? Có được không? Nền kinh tế Mỹ rất phát triển nhưng điều kiện của nền kinh tế đó rất khác với Việt Nam và chúng ta không thể nói theo kiểu vu vơ thế được. Cho nên nhất định phải giữ vững định hướng XHCN, và điều này không hề mâu thuẫn gì với chính sách phát triển kinh tế thị trường cả. Mà đấy là quy luật, điều kiện phát triển của đất nước chúng ta.
KINH TẾ NHÀ NƯỚC VẪN GIỮ VAI TRÒ CHỦ ĐẠO
* Thưa Giáo sư, theo Nghị quyết số 10-NQ/TW của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, trong đó đề ra mục tiêu phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 60 - 65%. Có ý kiến cho rằng, sự đóng góp vào GDP lớn như vậy thì có nghĩa là Đảng ta đã phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước. Ý kiến của Giáo sư về vấn đề này?
GS. TS. Vũ Văn Hiền: Vấn đề vai trò của các thành phần kinh tế được Đảng ta xác định rất rõ. Chúng ta xác định thời kỳ quá độ lên CNXH sẽ là thời gian rất dài và trong thời kỳ này, chúng ta phải xây dựng nền kinh tế thị trường giải phóng lực lượng sản xuất và từng bước nâng tầm quan hệ sản xuất cho phù hợp. Để giải phóng sức sản xuất xã hội như vậy thì chúng ta xây dựng nền kinh tế có các thành phần kinh tế phát triển bình đẳng trước pháp luật. Trong đó có kinh tế tư nhân, kinh tế nhà nước, có kinh tế đầu tư nước ngoài… Chúng ta khuyến khích mọi thành phần, mọi gia đình, mọi tổ chức trong xã hội tham gia phát triển kinh tế. Trong đó, vai trò dẫn dắt, vai trò chủ đạo là kinh tế nhà nước. Hiện nay người ta đang dựa vào một số doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả để chỉ trích kinh tế nhà nước. Đó là thủ đoạn đánh đồng doanh nghiệp nhà nước với kinh tế nhà nước. Thực ra doanh nghiệp nhà nước chỉ là một bộ phận, mà không phải bộ phận chủ yếu của kinh tế nhà nước. Kinh tế nhà nước hiện bao gồm các bộ phận cấu thành như: Các DNNN 100% vốn Nhà nước hoặc đã chuyển đổi hình thức theo Luật DN và phần vốn, tài sản Nhà nước trong các DN khác đang hoạt động theo Luật DN; toàn bộ hệ thống tài chính, tiền tệ và các quỹ và tài sản quốc gia khác (tài chính và phi tài chính) thuộc sở hữu toàn dân như rừng, biển, tài nguyên khoáng sản trong lòng đất, vùng trời, dưới đại dương thuộc chủ quyền của quốc gia thậm chí những cấu thành của chúng không thể tính toán hết bằng tiền...
Toàn bộ những yếu tố cấu thành kinh tế nhà nước tạo thành động lực cực kỳ mạnh, là công cụ để Nhà nước điều tiết nền kinh tế.Lịch sử nhân loại đã chứng minh, cho đến ngày nay, các nền kinh tế thành công đều phát triển không thể bằng cách tự điều tiết mà cần có sự can thiệp và hỗ trợ từ phía nhà nước. Nhà nước với vai trò ban hành thể chế phát triển; nhà nước với tư cách một chủ thể tiêu dùng và đầu tư lớn; nhà nước sử dụng các công cụ kinh tế, trong đó có doanh nghiệp nhà nước để tác động, dẫn dắt nền kinh tế… đi đúng đường lối và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đảng cầm quyền đề ra
Người ta cố tình nhầm lẫn, lấy ví dụ từ một số doanh nghiệp nhà nước có vấn đề để cho rằng kinh tế nhà nước không giữ vai trò chủ đạo được. Trong khi nhiều doanh nghiệp nhà nước phát triển tốt thì họ không đề cập. Ví dụ, đóng thuế cho nhà nước, Tập đoàn Viettel dẫn đầu cả nước ba năm liên tục. Vai trò kinh tế nhà nước là dẫn dắt nền kinh tế, điều tiết được bước đi của nền kinh tế. Kinh tế nhà nước mà không đủ mạnh thì nền kinh tế sẽ ách tắc. Và nếu nó thể hiện được vai trò chủ đạo, thì nền kinh tế sẽ phát triển. Thông qua đó, kinh tế tư nhân sẽ đóng vai trò càng ngày càng quan trọng. Đó là động lực để phát triển bởi thành phần kinh tế này là của toàn thể nhân dân cùng tham gia đóng góp. Cho nên chúng ta mới nói nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có quan hệ rất đặc biệt là giữa kinh tế với chính trị, giữa kinh tế với các vấn đề xã hội. Quan hệ giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân hiện nay là mối quan hệ hết sức tốt đẹp. Kinh tế nhà nước hỗ trợ thì kinh tế tư nhân mới phát triển được như thế. Cho nên, kinh tế tư nhân đang phấn đấu để đến đến năm 2030 sẽ chiếm khoảng 60 - 65% GDP, thậm chí tỷ lệ này sẽ còn cao hơn nữa trong tương lai thì cũng không vì thế mà phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.
* Xin trân trọng cảm ơn GS. TS. Vũ Văn Hiền./.
Nguồn: tuiyengiao.vn
Không có nhận xét nào