MKRdezign

TIN MỚI

Công đức: chuyện một dòng tiền không kiểm soát (Bình yên không tiền)





Công đức: chuyện một dòng tiền không kiểm soát (Thân phận chiếc hòm)

Cách Yên Tử 48 km về hướng Tây Bắc là chùa Thanh Mai. Ở Thanh Mai, không nhiều phật tử, không nhiều công đức và giọt dầu, không có tranh luận giữa chính quyền và Giáo hội.
Pháp Loa, người học trò lỗi lạc của Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông, trở thành Trúc Lâm đệ nhị tổ khi chỉ vừa sang tuổi 24. Chùa Thanh Mai, nơi ngài an nghỉ, được coi là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần, cùng với Côn Sơn và Yên Tử.
Trong khi ở Yên Tử, ý định tăng cường quản lý nhà nước với tiền công đức bị Ban trị sự giáo hội phật giáo tỉnh này kịch liệt phản đối và cảnh báo nguy cơ "đòi tự thiêu", thì ở chùa Thanh Mai, sự tham gia của chính quyền xã Hoàng Hoa Thám lại không tạo ra bất cứ phản ứng tiêu cực nào.
Hai ngôi chùa cùng tọa trên những đỉnh núi cao, cùng thuộc phái Trúc Lâm, cùng có trụ trì là những thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Điểm khác nhau nằm ở chỗ, tiền công đức Thanh Mai thu về một năm, chỉ tương đương khoản công đức Yên Tử thu về trong một ngày.
Rằm tháng Giêng, khi trên Yên Tử kín chân người chiêm bái tứ phương, cánh cổng chào bằng sắt đã tróc sơn dẫn lên núi Thanh Mai lơ thơ vài lá cờ úa. Tấm biển "Bãi gửi xe" treo trên một khu đất trống. Chốt bảo vệ không người.
Trên chùa cũng không bóng người. Ngôi chùa bảy trăm năm tuổi lọt thỏm giữa cánh rừng phong đang mùa đổ lá. Gió chiều từ rừng thổi qua, mấy cánh đào phai rụng xuống sân nhà tổ. Đàn chó lông vàng nằm dài dưới bóng những rêu xanh.
Năm 1992, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận chùa Thanh Mai là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2017, tấm bia đá "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" ghi chép lịch sử bảy trăm năm của nền Phật Giáo nhà Trần, đặt tại chùa Thanh Mai được công nhận bảo vật quốc gia.
Nhưng do quy mô nhỏ hẹp, địa hình heo hút, đường sá đi lại khó khăn, chùa Thanh Mai không phải một điểm đến tấp nập. "Ba ngày hội giỗ Thiền sư, chùa đón khoảng trên dưới một nghìn người, ngày thường, thì không có mấy ai", chủ tịch xã Hoàng Hoa Thám, Lê Văn Khoa chia sẻ.
Tiền công đức giọt dầu, sau mỗi mùa lễ hội được xã trực tiếp cùng nhà chùa kiểm đếm. Năm 2018, tổng số tiền công đức, 70 triệu 600 nghìn đồng được giao toàn bộ cho sư trụ trì Thích Chí Trung. Mỗi tháng, vị trụ trì kiểm kê từng đồng sắm nhang, mua nến, chè nước, tiền trả công cho người phụ việc chùa rồi nộp một bản báo cáo lên UBND xã.
Tháng 2 năm 2019, mười hai năm sau vụ ăn cắp tiền công đức, những cánh đồng trải rộng dưới chân An Sinh Vương Trần Liễu lại vào vụ cấy lúa xuân. Đường làng ngõ xóm vắng hoe, chỉ thấy san sát những dây hành, dây tỏi còn nguyên cả lá lẫn rễ, phơi kín khắp các lối đi.
Ba giờ sáng mùng Hai Tết, người An Sinh đã nườm nượp đeo đèn pin lên mũ đội đầu, ra đồng nhổ hành, nhổ tỏi đến đêm. Hôm nay nước về, còn kịp cấy lúa. Cánh đồng thôn Vân Ổ lúc chiều buông vẫn nhấp nhô những bóng người.
Nhà bà Xuyên cách đền Cao chỉ vài bước chân. Ruộng lúa bà đang cấy cũng nhìn ra phía ngọn núi An Phụ sừng sững ấy, nhưng Tết này, bà vẫn chưa đặt chân lên đền thắp hương viếng An Sinh Vương.
Mùng Tám tháng Giêng khai hội, xe ôtô du lịch đậu kín đường làng. Số du khách được Ban quản lý thống kê mỗi năm là khoảng 200 nghìn lượt.
Sau vụ tham ô tiền công đức, những người bị đem ra xét xử đều đã đi tù vài năm rồi về. Khu di tích cũng đã có ban quản lý mới. Người dân như bà Xuyên khi được hỏi đều đã để câu chuyện vào quá vãng. Nhưng cũng kể từ đấy, bà ít khi lên Đền. Bà Xuyên bảo, do bận việc ruộng đồng, rồi kết lại một câu bâng quơ, "bây giờ chả tin được ai nữa".
Đó có thể là một lựa chọn tốt, theo quan điểm của bà Xuyên. Bởi chỉ có thế, bà mới không phải bận tâm nữa đến số phận của những cái hòm. Và cả những câu chuyện sau lúc mở hòm.
(hết)
Nguồn: vnexpress.net

Không có nhận xét nào