MKRdezign

TIN MỚI

Báo động tình trạng đi lao động trái phép tại nước ngoài - Kỳ cuối: Lời giải nào cho bài toán “lao động chui”?

Để giảm thiểu và ngăn chặn tình trạng lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc, đã có nhiều giải pháp được các cơ quan chức năng tại Thanh Hóa đưa ra và áp dụng . Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực nhưng thực trạng vượt biên sang Trung Quốc vẫn diễn ra, thậm chí rầm rộ theo từng năm.
Báo động tình trạng đi lao động nước ngoài trái phép - Kỳ 1: Chấp nhận cược cả mạng sống

Dù nhiều khu công nghiệp, nhà máy đã mọc lên, thu hút lao động nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà.

Đáng báo động


Số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng tại Thanh Hóa cho thấy: Chỉ trong khoảng 3 năm trở lại đây, đã có 47 người Thanh Hóa chết và mất tích khi qua Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Trong đó, theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 41 người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc thiệt mạng đưa được thi thể về địa phương và 6 trường hợp khác bị mất tích. Gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, trục xuất về nước và 29 trường hợp bị đưa ra xét xử tại tòa. Đó là thực tế đau đớn, phản ánh những rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn mà người lao động bất hợp pháp phải đối mặt chứ không phải miền đất hứa phía bên kia biên giới. 


Cũng theo thống kê mới nhất, trước Tết Kỷ Hợi năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa còn 1.885 trường hợp đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc (giảm 86,17% so với năm 2015). Số lao động trên tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Hậu Lộc (244 người), Quảng Xương (225 người), thành phố Sầm Sơn (110 người), Mường Lát (102 người), Hà Trung (95 người), Thạch Thành (75 người), Thường Xuân (73 người), Hoằng Hóa (73 người), Cẩm Thủy (68 người). Cuối năm 2018, có 1.026 người dân Thanh Hóa đi lao động trái pháp luật ở Trung Quốc về quê ăn Tết, 859 người không về. Lực lượng chức năng đã tiến hành ký cam kết không tiếp tục xuất cảnh trái pháp luật được 895 trường hợp và 464 gia đình ký cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về nước...


Cơ quan điều tra cũng đã củng cố hồ sơ đối với 27 trường hợp về hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định”. Trong đó, các phòng nghiệp vụ đã phối hợp với Công an các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Bỉm Sơn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp. Tính từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 43 trường hợp; khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. 

Đâu là giải pháp tối ưu?



Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu tại địa phương, ông Lê Xuân Ứng – Trưởng Công an xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết: Vẫn biết tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến sức khỏe, tính mạng… Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý công dân xuất cảnh trái phép. Bởi, khi người dân ra khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa thường không báo cáo cụ thể với chính quyền địa phương, vì vậy rất khó phát hiện những trường hợp lao động xuất cảnh bất hợp pháp.

Dù nhiều khu công nghiệp, nhà máy đã mọc lên, thu hút lao động nhưng người dân vẫn không mấy mặn mà.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến người dân vẫn đổ sang lao động trái phép tại Trung Quốc, dẫu luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm tiềm ẩn? Lý giải cho câu hỏi này, bà Nguyễn Thị Thu – Trưởng phòng LĐTBXH huyện Quảng Xương nói: Trong nhiều năm trở lại đây, huyện đã tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp vào hoạt động nhằm thu hút nguồn lao động tại chỗ. Tuy nhiên, với tâm lý không chịu được gò bó khi làm việc tại các công ty, mức lương thấp đã khiến người lao động không mặn mà. Thêm vào đó, nhu cầu của các công ty tuyển dụng lao động tại địa phương là các đối tượng nằm trong độ tuổi từ 18 – 45. Đây trở thành rào cản đối với những lao động nằm ngoài độ tuổi tuyển dụng. Trong khi đó, số lao động vượt biên trái phép sang Trung Quốc chủ yếu là lao động tự do, không có trình độ và trên 45 tuổi. “Hàng năm, nhu cầu tuyển dụng của các công ty tại Quảng Xương là vào khoảng 12 nghìn lao động nhưng huyện chỉ đáp ứng được từ 2 -3 nghìn lao động mỗi năm. Đây là một nghịch lý!” – bà Thu thông tin.


Để hợp thức hóa và đúng pháp luật cho người có nhu cầu sang làm việc tại Trung Quốc, huyện cũng đã kêu gọi các công ty XKLĐ vào tuyển dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi được tuyển và đưa đi hợp pháp người dân cũng không hưởng ứng, với lý do: Đi theo dạng tuyển dụng phải mất phí, dẫu chi phí cho một lao động chỉ rơi vào khoảng 10 triệu đồng/1 trường hợp. 


Trao đổi với PV, ông Trịnh Ngọc Dũng – Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: Về mặt pháp luật, các cơ quan chức năng cần phải xử lý nghiêm đối với các đối tượng môi giới lao động đi làm việc trái phép. Nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề cần đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển ngay tại địa bàn các địa phương. Có sinh kế tại chổ ổn định sẽ không phát sinh các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và không còn đất sống cho cò, môi giới lao động trái phép sang nước ngoài. 

Nguồn: Daidoanket.vn






Không có nhận xét nào