MKRdezign

TIN MỚI

Báo động tình trạng đi lao động nước ngoài trái phép - Kỳ 1: Chấp nhận cược cả mạng sống

Vì sinh kế, mỗi năm tại Thanh Hóa có hàng trăm lao động (LĐ) đã rời bỏ quê, chấp nhận những rủi ro, trái pháp luật, nhiều khi phải cược bằng cả mạng sống để sang làm việc “chui” tại Trung Quốc. Đã có nhiều giải pháp được các ngành hữu quan của địa phương đưa ra nhằm giải quyết tình trạng nói trên. Tuy nhiên, thực tế vẫn không được cải thiện là bao.
Vì mưu sinh, nhiều người đã phải bỏ quê, tha hương.

Trong nhiều năm trở lại đây, gần như đã thành thông lệ, cứ sau Tết Nguyên đán, hàng trăm LĐ tại Thanh Hóa lại tất bật chuẩn bị cho chuyến “ly hương” lớn nhất trong năm – sang làm việc tại Trung Quốc. 

Sống nơi xứ người


Với quan niệm, Trung Quốc là nơi dễ kiếm việc làm, thu nhập cao, chuyện thanh niên bỏ quê vượt biên sang Trung Quốc không còn là hiếm, thậm chí thành phong trào. 

Hoằng Trường là một xã bãi ngang của huyện Hoằng Hóa (Thanh Hoá). Địa phương này được ghi nhận có số LĐ làm việc bất hợp pháp tại Trung Quốc luôn dẫn đầu huyện với 400 người (thống kê của xã).  Nguyên nhân, theo ông Lê Văn Tấn - Trưởng Công an xã Hoằng Trường cho biết, là do cái nghèo, do thiếu việc làm mà nhiều người đành bỏ quê sang Trung Quốc mưu sinh. Hơn nữa, những kẻ môi giới thường nói lời đường mật rằng lương cao, đi một vài năm về sẽ trở nên giàu có.

Trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ của mình, chị Lê Thị H. - thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường vẫn thảng thốt khi kể vói chúng tôi về những tháng ngày cơ cực mà chị phải đón nhận nơi xứ người. Nhà có 4 miệng ăn, 2 đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn, nhưng chỉ có 2 sào ruộng khoán là sinh kế duy nhất nên gia đình luôn rơi vào cảnh túng quẫn. Nghe bạn trong làng rủ rê, trong một lần chị đi làm thuê ở Móng Cái (Quảng Ninh), chị đánh liều thử vận may bằng chuyến vượt biên dài hàng ngàn cây số sang Trung Quốc, mong đổi đời. Thế nhưng thực tế không như chị tưởng tượng…

Sang đến nơi, chị được nhận vào làm tại một xưởng nhựa, nằm hẻo lánh ở một huyện bán sơn địa của tỉnh Quảng Đông (chị không biết ở huyện nào). Công việc hàng ngày là bốc vác các bao nhựa thành phẩm vào kho và tái chế nhựa đã qua sử dụng. Ban đầu, chủ hứa là sẻ trả công mỗi tháng 10 triệu đồng, bao ăn ở và chi phí sinh hoạt. Nghe mức lương hấp dẫn, chị và một LĐ khác có cùng cảnh ngộ đã rất vui mừng.

3 tháng đầu làm việc, chủ chi trả lương khá sòng phẳng, những tháng sau đó, họ chỉ trả cho chị 6 – 7 triệu đồng/tháng, với lý do: Sợ chị bỏ việc giữa chừng. Sau 3 năm giữ lương, bất ngờ một đêm, chị và một số LĐ là người Việt bị dựng dậy, nghe chủ hối thúc: Cảnh sát đang đến truy lùng số LĐ trái phép, phải trốn ngay không sẽ bị bắt. Chỉ vơ kịp ít quần áo, chị sợ hãi cùng 3 người nữa, chạy mải miết lên đồi trốn…

Sau 2 ngày ăn bánh mì, uống nước suối cầm hơi, chị và mọi người định bụng quay lại để đòi tiền công rồi về nước nhưng xưởng đã đóng cửa. Hóa ra, thông tin cảnh sát đến bắt chỉ là trò bẩn của chủ để “xù” tiền công của các công nhân. “Tính ra, họ đã quỵt của tôi gần 2 năm tiền lương. Thú thật, bỏ lại chồng con để đến xứ lạ tìm kiếm việc làm đối với người phụ nữ không phải là chuyện đơn giản. Song cũng chỉ vì miếng cơm, manh áo mà bất chấp tất cả… Cũng may là còn về lại được quê nhà!”- chị H. đưa tay quyệt những giọt nước mắt tủi thân, ấm ức đang chảy dài trên gò má đen xạm.

Chị H. chỉ là một trong số hàng trăm các trường hợp đang LĐ bất hợp pháp khác tại Trung Quốc. Hai xã vùng biển Ngư Lộc và Minh Lộc (thuộc huyện Hậu Lộc) cũng được xếp là “điểm nóng” của tình trạng người LĐ kéo sang Trung Quốc làm thuê với con số hàng trăm LĐ mỗi năm. Trưởng Công an xã Minh Lộc, ông Lê Xuân Ứng cho rằng: Sở dĩ người dân địa phương ông chấp nhận bỏ quê hương đến Trung Quốc tìm việc làm là do thu nhập từ nghề khai thác cá đang gặp nhiều khó khăn nên ngày công cho LĐ làm nghề này rất thấp, không đảm bảo được cuộc sống đạm bạc của nhiều hộ gia đình. 

 “Nỗi ám ảnh lớn nhất của LĐ Việt nói chung và LĐ Thanh Hóa tại Trung Quốc nói riêng chính là cảnh sát của nước sở tại. Cũng dễ hiểu, vì họ đến LĐ bằng con đường vượt biên trái phép. Do vậy, sự lưu trú ở đây là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật nước sở tại bảo hộ và thừa nhận!”- ông Ứng cho biết thêm.

Chị Lê Thị H. thôn Đại Trường, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa trước ngôi nhà của mình.

Có khi là cả mạng sống

Được biết, người LĐ tại Thanh Hoá muốn vượt biên qua Trung Quốc làm việc chủ yếu đi theo 4 cửa khẩu chính: Cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn, Móng Cái, Cao Bằng, Lào Cai. Trong đó, đi nhiều nhất là 2 cửa khẩu Chi Ma và Móng Cái. Nếu muốn qua Trung Quốc làm việc, người đi chỉ phải bỏ ra 1.000 - 1.500 tệ (tương đương khoảng 3 đến 4 triệu đồng tiền Việt) cho môi giới. Khi vượt qua được cửa khẩu trót lọt, người LĐ được môi giới bên phía Trung Quốc đưa đến các xưởng làm việc… Song đó chỉ là lời hứa trước lúc đi!

Trường hợp anh Đồng Văn Thanh (xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc) vừa trở về từ Trung Quốc năm 2018 là một ví dụ khá điển hình cho những rủi ro nơi đất khách mà các LĐ trái phép của Việt Nam phải đối mặt: Năm 2014, theo chân nhiều người dân xã Hưng Lộc, anh Thanh đưa vợ và con gái xuất cảnh đi LĐ trái phép tại Trung Quốc. Sau 3 năm bôn ba nơi đất khách quê người, anh đành phải đưa vợ con trở về bởi gặp phải nhiều rủi ro tại nước bạn.

“Năm 2015, cả nhà đang làm việc tại Trung Quốc, con gái tôi bị một nhóm người bắt cóc và đòi một khoản tiền chuộc lớn. Vì thân phận cư trú trái phép, không được pháp luật Trung Quốc bảo vệ nên gia đình buộc phải gom góp tất cả số tiền dành dụm được bấy lâu, trả cho nhóm người trên 200 triệu đồng để nhận lại con. Sau biến cố đó, 2 vợ chồng và con gái rời Trung Quốc về quê, từ bỏ ý định quay trở lại Trung Quốc làm LĐ chui”- Anh Thanh cay đắng nói.

Tìm về xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương – một trong những địa phương có nhiều trường hợp đi LĐ trái phép tại Trung Quốc, mới thấu hiểu, vì sao người dân bất chấp rủi ro để vượt biên, tìm việc. Trong căn nhà nhỏ khá tồi tàn, bà Lê Thị Trúc ngồi ủ rũ nép mình một góc nhà.

Trong thứ ánh sáng nhạt nhạt cuối ngày, bà Trúc kể: Con trai bà, anh Ngô Văn Vệ - sau nhiều chuyến biển đi thua lỗ, anh đã cùng vợ là chị Phạm Thị Vân vượt biên sang Trung Quốc đi LĐ chui. Sau khi sang đến Trung Quốc, vợ chồng anh Vệ cùng một số LĐ khác làm thuê cho một cơ sở sản xuất nhựa (trước đấy đã được môi giới liên hệ). Tuy nhiên, anh Vệ đã bị đột tử khi đang trên xe đến xưởng làm, ngay sau đó lực lượng cảnh sát Trung Quốc ập đến bắt giữ chị Vân và một số LĐ chui khác trên chuyến xe. Nhìn ba đứa cháu nội (con của anh Vệ) nô đùa ngoài sân bà Trúc rầu rĩ: “Không biết rồi đây chúng sẽ ra sao nữa?!”.

(Còn nữa)


Không có nhận xét nào