Nhận diện thủ đoạn lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc chủ trương tinh gọn bộ máy
Trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp tinh gọn bộ máy từ Trung ương xuống cơ sở nhằm giảm biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu cấp thiết, khách quan. Việc quyết liệt thực hiện tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị được các nhà khoa học, nghiên cứu, nhà quản lý trong và ngoài nước đánh giá là bước đột phá mang tính cách mạng nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới, trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, nhiều đối tượng phản động, phần tử cơ hội đã xuyên tạc nội dung, mục đích, ý nghĩa, tính khoa học, khả thi của công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy nhằm gây hoang mang dư luận, kích động chống phá từ bên trong.
Những luận điệu chống phá mượn danh nghĩa phản biện xã hội
Những ngày qua, trên không gian mạng xuất hiện các thông tin về việc tinh gọn bộ máy, sáp nhập các tỉnh, thành phố và sáp nhập một số bộ, ban, ngành, trong đó có nhiều tin không rõ nguồn, gây ra dư luận trái chiều trong quần chúng nhân dân. Lợi dụng vấn đề này, các đối tượng thù địch, phần tử cơ hội và các tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài đã cố tình đưa ra những thông tin xuyên tạc, sai sự thật nhằm đánh tráo bản chất, làm cho người dân hiểu sai nội dung, ý nghĩa việc “tinh gọn bộ máy” thành “Đảng đứng trên luật pháp”, “Đảng muốn ôm quyền”, “quyền lực xã hội tập trung vào một số ít cán bộ, đảng viên của Đảng Cộng sản”...
Một số đối tượng vu cáo vấn đề tinh gọn bộ máy Nhà nước với những nội dung xuyên tạc rằng: “Nhà nước pháp quyền nhưng trên thực tế, luật pháp bị chà đạp, không được tôn trọng”, “sáp nhập là cách Đảng muốn thanh trừng phe cánh”, “muốn loại bớt đối thủ nên nhập tỉnh, thành, bộ, ngành lại”…
Ngoài ra, để thu hút được sự chú ý của người dân, các đối tượng phản động còn tiến hành livestream với tiêu đề thảo luận về công tác nhân sự, chủ trương tinh gọn bộ máy của Đảng, Nhà nước. Từ đó, họ tiến hành các hoạt động cài cắm, lồng ghép thông tin xấu độc với thông tin chính thống hòng tạo ra sự nhiễu loạn, làm cho người dùng khó phân biệt đâu là “thật - giả”, “đúng - sai”. Lấy danh nghĩa phản biện xã hội, đóng góp ý kiến cho Đảng, các đối tượng trên còn đưa ra các “phương án” hợp nhất tỉnh, thành phố, hợp nhất bộ, ban, ngành trái với phương án do cấp có thẩm quyền đưa ra, trong đó nêu những ý tưởng phản khoa học, mang tính kích động chống phá.
Cũng dưới danh nghĩa “nhìn thẳng”, một số đối tượng trắng trợn xuyên tạc rằng việc tinh gọn bộ máy nhằm tạo “lợi ích nhóm”, là “đấu đá, thanh trừng”, củng cố quyền lực phe này, hạ bệ, cắt vây cánh phe kia, từ đó cố tình kích động hòng gây chia rẽ trong nội bộ, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Các đối tượng lợi dụng các hình thức phản biện xã hội với nhiều loại hình khác nhau như đóng góp ý kiến, hội luận, toạ đàm, bày tỏ quan điểm dưới danh nghĩa khoa học song thực chất biến việc làm này thành những diễn đàn công khai, đưa ra các ý kiến trái chiều, cực đoan, đối lập để xuyên tạc, công kích chống đối chính quyền, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta.
Đây không phải là lần đầu các đối tượng trên đưa những thông tin xuyên tạc, sai sự thật về những chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng, Nhà nước ta trong việc tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Những hoạt động trên lật tẩy âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đối với công cuộc đổi mới đất nước nói chung, trong vấn đề tinh gọn bộ máy nói riêng. Nhận thấy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sự ổn định và phát triển đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân nên chiêu trò quen thuộc của các thế lực xấu là đưa ra các thông tin sai lệch để đánh tráo bản chất, bôi nhọ mục đích, ý nghĩa công cuộc cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính. Mục tiêu sâu xa của các thế lực thù địch, phản động là gây mất ổn định chính trị, xã hội, mất lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Nhà nước, tạo ngòi nổ dẫn tới rối loạn chính trị - xã hội, khủng hoảng và sụp đổ, từ đó xóa bỏ chế độ chính trị, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa xã hội - thành quả cách mạng của đất nước, nhân dân ta.
Do đó, việc nhận diện và ngăn chặn âm mưu của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, chống phá trên không gian mạng, chủ động phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay là cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng. Đồng thời, mỗi người dân cần tỉnh táo, thận trọng, trang bị cho mình “bộ lọc” trong tiếp nhận thông tin giúp nhận diện âm mưu, thủ đoạn gây nhiễu thông tin, chống phá đất nước của các thế lực thù địch, phản động. Đặc biệt, cần chú ý trước những thông tin không rõ nguồn, được viện dẫn rất vu vơ, mơ hồ, xuất phát từ các ý kiến của những người mượn danh phản biện, dân chủ, tự xưng “nhà bất đồng chính kiến” để chống phá Đảng, Nhà nước, nhân dân.
Chủ trương lớn, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Trong bất cứ giai đoạn cách mạng nào, Đảng ta luôn xác định công tác tổ chức bộ máy là then chốt của then chốt, quyết định to lớn tới sự phát triển của đất nước. Kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng ta càng xác định tầm quan trọng của việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngay từ Đại hội Đảng VI (năm 1986), khi tiến hành công cuộc đổi mới, chuyển từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế theo thể chế thị trường, Đảng ta đã xác định, đi kèm với đổi mới kinh tế phải đổi mới bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước. Đảng đã liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Thực tiễn gần 40 năm đổi mới cho thấy, hệ thống chính trị của Việt Nam do Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối đã rất thành công trong tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, được khẳng định bằng những kết quả cụ thể trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, việc triển khai công tác đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã được các cấp triển khai thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2015-2021, biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập giảm hơn 236.000 người (giảm 11,67%). Trong đó, các bộ, ngành giảm hơn 40.000 người, các địa phương giảm hơn 196.000 người…
Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn sức ỳ và bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Một trong những lý do chính để tiến hành cải cách bộ máy hành chính là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, chi cho bộ máy hành chính chiếm khoảng 70% tổng ngân sách chi tiêu thường xuyên của Nhà nước. Để giảm thiểu tình trạng lãng phí, việc tinh giản bộ máy đã và đang là một trong những giải pháp quan trọng, giúp tiết kiệm ngân sách và tái phân bổ các nguồn lực cho các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội. Hơn lúc nào hết, việc cải cách, tinh gọn bộ máy cần sự đột phá, với sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm cao nhất chứ không thể thấy khó, thấy phức tạp rồi để tình hình trì trệ kéo dài.
Do đó, trong phát biểu tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 25/11/2024 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, Trung ương thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện chủ trương tổng kết Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trong bài viết về chủ đề này, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nêu ra quan điểm “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Quan điểm này đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thời đại. Đây không chỉ là một định hướng cải cách hành chính mà còn là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất xã hội, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước, đó là nguyên tắc quan trọng và cũng là điều kiện tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn để không ngừng tạo của cải phục vụ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Thực tiễn chứng minh rằng, để đạt hiệu quả cao, chúng ta cần kiên trì với phương hướng, kiên định về tư tưởng của Đảng, bám sát quan điểm chủ trương, đường lối, tập trung sự phát triển toàn diện của con người và sự tiến bộ của toàn xã hội. Việc cơ cấu thay đổi bộ máy nhà nước theo tinh thần hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phương châm “tinh, gọn, mạnh” là nhiệm vụ không thể trì hoãn. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã trở thành một nhiệm vụ đặc biệt cấp bách, tạo ra sự chủ động, sáng tạo, đột phá nhằm đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn, đồng thời nâng cao năng lực quản lý và điều hành quốc gia, giảm mạnh chi phí ngân sách nuôi bộ máy, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đây không chỉ đơn thuần là một bước cải cách hành chính mang tính kỹ thuật mà còn thể hiện quyết tâm chính trị sâu sắc, phản ánh trí tuệ và tầm nhìn chiến lược của Đảng trong lãnh đạo đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, hiện thực hóa khát vọng hùng cường của dân tộc. Mục đích, nội dung, ý nghĩa, tính khoa học và tính khả thi của “cuộc cách mạng” tinh gọn bộ máy được các cơ quan có thẩm quyền nêu rõ, thể hiện tính minh bạch, dân chủ, đó là cơ sở để người dân tiếp nhận thông tin và củng cố niềm tin, phản bác các luận điệu xuyên tạc, chống phá của kẻ xấu.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào