Bảo vệ quyền con người là làm cho mỗi người dân ngày càng ấm no và hạnh phúc
Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người. Hội nghị do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, trực tuyến tới điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Lãnh đạo các đoàn thể chính trị, xã hội; Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố; các cơ sở giáo dục, đào tạo. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị góp phần hưởng ứng giai đoạn thứ 5 của chương trình giáo dục quyền con người do Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua ngày 19/8/2024 và kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc tế về quyền con người (10/12/1948-10/12/2024).
Khai mạc hội nghị, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh "Một trong những điểm cốt lõi của kỷ nguyên mới, như trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chính là hướng tới mục tiêu "mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu".
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, trong kỷ nguyên mới này, quyền con người, quyền công dân được Đảng, Nhà nước ta tiếp tục quan tâm và ngày càng được bảo đảm tốt hơn, như khát khao tột bậc khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước. Thời gian qua, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người nói chung, giáo dục quyền con người nói riêng là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, đặc biệt trong thời kỳ Đổi mới".
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tổng kết và thảo luận đánh giá về kết quả và hạn chế trong việc thực hiện Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 5/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đưa nội dung về quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân” và Chỉ thị 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện đề án; đồng thời đề xuất nhiệm vụ, giải pháp về giáo dục quyền con người trong tình hình mới.
Phát biểu kết luận hội nghị, ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hội nghị có ý nghĩa quan trọng, gửi đi thông điệp về bảo vệ quyền con người và giáo dục về quyền con người của Việt Nam với thế giới, khẳng định đường lối chính sách, tổ chức thực hiện, hướng tới người dân về quyền con người của Việt Nam.
Nêu một số vấn đề về quyền con người và giáo dục quyền con người trên phạm vi quốc tế và Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Trong các Cương lĩnh, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước đều coi trọng việc bảo đảm quyền con người.
Trong đó, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Trong bài viết Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội”.
Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia; theo xếp hạng của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc năm 2024 của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143; chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam năm 2024 tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166; Việt Nam hiện là thành viên và tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025.
Lấy ví dụ trong việc chăm lo cho người dân trong đại dịch COVID-19, trong khắc phục Bão số 3 - Yagi, xóa nhà tạm, dột nát hay xóa đói, giảm nghèo..., Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ Đảng, Nhà nước ta không có mục tiêu nào khác cao hơn là mang lại độc lập tự do cho dân tộc và cuộc sống hạnh phúc, ấm no của người dân, để mọi người dân có quyền được sống, quyền được tự do, quyền được mưu cầu hạnh phúc như trong bản Tuyên ngôn độc lập được Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố với quốc dân, đồng bào và toàn thế giới ngày 2/9/1945.
Biểu dương các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã có nhiều nỗ lực, triển khai đồng bộ, toàn diện và cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả Đề án giáo dục quyền con người, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của toàn dân, toàn diện, bao trùm của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và do nhân dân làm chủ; là chương trình chính thức, đặt trong tổng thể nền giáo dục Việt Nam lấy "học sinh là trung tâm, thầy cô giáo là động lực, nhà trường là nền tảng", trong xã hội học tập, thực hiện học tập suốt đời.
Nhấn mạnh, giáo dục quyền con người có ý nghĩa và là nội dung đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chiến lược đối với phát triển toàn diện con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thời gian tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người; thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể; tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, giám sát và thúc đẩy sự tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong toàn xã hội.
Cùng với đó, tham gia có trách nhiệm, thúc đẩy đối thoại, hợp tác trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền giữa các nước liên quan, các tổ chức khu vực và các cơ chế của Liên hợp quốc về quyền con người nhằm giải quyết những quan tâm chung về các vấn đề liên quan đến nhân quyền, nhân đạo.
Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, nhất là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách thực chất, thiết thực, hiệu quả, chống chủ nghĩa thành tích, qua loa, chiếu lệ, hình thức, Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc bảo vệ nhân quyền và giáo dục quyền con người ở Việt Nam phải được thể hiện trong các nội hàm: Con người được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; mọi người được tự do, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, phát huy tối đa lợi ích của bản thân và đóng góp cho cộng đồng, xã hội; người Việt Nam có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc, năm sau cao hơn năm trước, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, để thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu phát triển vĩ đại là xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu, Thủ tướng đề nghị phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, giá trị quyền con người và tăng cường giáo dục về quyền con người; mong muốn và tin tưởng, các cơ quan tham gia đề án tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung thời gian, trí tuệ, nguồn lực với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và sớm hoàn thành tốt tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu đề án đã đề ra.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào