MKRdezign

TIN MỚI

Cảnh giác trước thủ đoạn mua, bán xe cổ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

 Với thủ đoạn rao bán xe mô tô, xe máy cổ trên mạng xã hội, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn và các chiêu trò tinh vi để lừa đảo hàng trăm bị hại trên khắp cả nước để chiếm đoạt tiền đặt cọc. Các đối tượng này còn thực hiện hành vi rửa tiền hết sức tinh vi với đường đi lòng vòng, qua nhiều người, nhiều lớp để che đậy hành vi phạm tội của mình.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi trên không gian mạng, Trần Thanh Ngọc đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm người.

Xe cổ và thủ đoạn lừa đảo trên mạng

Trần Thanh Ngọc (sinh năm 1993) trú tại thôn Lang Châu Bắc, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là đối tượng có nhiều tiền án, sau khi ra tù trở về địa phương, với bản chất ham chơi lười làm, Ngọc đã lên mạng xã hội tìm mua tài các khoản facebook, zalo ảo, căn cước công dân, giấy phép kinh doanh... để làm phương tiện, công cụ lừa đảo.

Sau khi mua được tài khoản facebook “Tống Duy Chuẩn” cùng với hình ảnh căn cước công dân, giấy phép kinh doanh và tài khoản zalo đều mang tên “Tống Duy Chuẩn”, sinh năm 1986, trú tại tổ dân phố 1, Bắc Cường, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, Trần Thanh Ngọc đã mua thêm nhiều sim điện thoại “rác” để lập các tài khoản zalo cũng tên “Tống Duy Chuẩn”, mua tài khoản ngân hàng “rác” và nhờ người khác đứng tên tài khoản tiền ảo, ví momo... để phục vụ cho hành vi lừa đảo.

Từ tài khoản facebook “Tống Duy Chuẩn”, đối tượng này đã lập các fanpage “Duy Chuẩn xe cổ”; “Trí Anh xe cổ”; “Trí Anh xe cổ bãi Nhật”, rồi lên mạng tải các hình ảnh xe cổ Cup, 67, Dream, CD đăng lên để quảng cáo bán xe với giá từ 17 đến 60 triệu đồng. Những bài viết rao bán của đối tượng đều kèm hình ảnh các loại xe máy cổ với hình thức mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng và cho chạy quảng cáo trên mạng để tăng tương tác và dễ dàng tìm kiếm bị hại.

Khi tiếp cận được bị hại, Trần Thanh Ngọc sử dụng tin nhắn tự động yêu cầu người mua cung cấp số điện thoại, sau đó việc trao đổi, mua bán xe cổ thông qua tài khoản zalo “Tống Duy Chuẩn”. Nếu khách đồng ý mua xe thì đối tượng sẽ yêu cầu đặt cọc trước số tiền từ 3 đến 10 triệu đồng tuỳ loại xe và hẹn khi người mua nhận được xe mới phải thanh toán số tiền còn lại.

Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền đặt cọc đối tượng này sẽ cắt mọi liên lạc, chặn tin nhắn, xoá kết bạn rồi luân chuyển nguồn tiền lừa đảo được thành tiền ảo Bitcoin, sau đó mua đi bán lại nhiều lần để chuyển số tiền lừa đảo thành tiền hợp pháp rồi mới rút ra tiền mặt để tiêu xài.

Khai nhận tại cơ quan điều tra, Trần Thanh Ngọc cho rằng: Trước đây cũng đam mê xe cổ nên đặt mua trên mạng và bị lừa. Sau này, do nợ nần nhiều mới nhớ lại các thủ đoạn trước đó mà các đối tượng đã lừa mình nên bắt chước để đi lừa đảo người khác.

Giúp sức tích cực cho Trần Thanh Ngọc là Nguyễn Văn Hoan (sinh năm 1995) trú tại Bon Bu N'Drung, xã Đăk Buk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông. Đây là đối tượng có 4 tiền án về tội trộm cắp tài sản và có thời gian chấp hành án với Trần Thanh Ngọc. Sau khi ra tù trở về địa phương, do không có việc làm ổn định nên Nguyễn Văn Hoan đã được Trần Thanh Ngọc thuê để tìm mua các tài khoản ngân hàng “rác”, tìm người đứng tên tài khoản tiền ảo, ví momo làm công cụ phạm tội, trực tiếp đi rút tiền mặt và thực hiện một số việc khác theo yêu cầu của Ngọc. Mỗi tháng, Hoan được Ngọc trả công 10 triệu đồng và “thưởng” thêm nếu lừa đảo được nhiều bị hại.

Ngoài Nguyễn Văn Hoan, Trần Thanh Ngọc còn thuê một số đối tượng có trình độ về công nghệ thông tin để giúp mình mua, bán tiền ảo, chuyển từ tiền ảo sang tiền Việt Nam đồng nhằm mục đích rửa tiền và che giấu hoạt động phạm tội của mình.

Bước đầu Công an huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) xác định, Trần Thanh Ngọc và các đồng phạm đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của trên 200 bị hại trên khắp cả nước với tổng số tiền gần 1,2 tỉ đồng.

Tinh vi nhưng khó thoát

Những năm gần đây, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Thanh Hóa nói riêng có nhiều diễn biến phức tạp.

Để chủ động phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả với tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều chủ trương, giải pháp và các làm hay trong công tác tuyên truyền, cảnh báo phòng ngừa tội phạm.

Chỉ tính từ ngày 1/4/2024 đến nay, qua hơn 6 tháng triển khai thực hiện Kế hoạch số 144 của Giám đốc Công an tỉnh về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và triển khai chiến dịch tuyên truyền phòng ngừa tội phạm, các đơn vị Công an trong tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn hơn 1.800 vụ việc lừa đảo trên không gian mạng.

Thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện Vĩnh Lộc đã tập trung lực lượng tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ, chủ động nắm chắc tình hình tội phạm trên không gian mạng nhằm kịp thời phát hiện và đấu tranh, xử lý đối với các đường dây, ổ nhóm, đối tượng lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trần Thanh Ngọc (X), Nguyễn Văn Hoan cùng nhiều tang vật liên quan đến hành vi phạm tội.

Bằng các nghiệp vụ và tinh thần tấn công quyết liệt với loại tội phạm này, Công an huyện Vĩnh Lộc đã nhanh chóng phát hiện những dấu hiệu bất thường từ fanpage “Duy Chuẩn xe cổ” và trang zalo “Tống Duy Chuẩn” nên đã xác lập Chuyên án 0924L và huy động những cán bộ điều tra có kinh nghiệm để tập trung điều tra, xác minh.

Ròng rã nhiều tháng trời, nhiều tổ công tác của Công an huyện Vĩnh Lộc đã được phân công đến nhiều địa bàn để rà soát, xác minh làm rõ. Và từ đây, chân dung của một đường dây “ma quỷ” chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng do Trần Thanh Ngọc cầm đầu dần lộ diện.

Thượng tá Đỗ Mạnh Dũng, Phó Trưởng Công an huyện Vĩnh Lộc cho biết: Các trang facebook, zalo “Trí Anh xe cổ”, hay “Duy Chuẩn xe cổ”... đều được các đối tượng đăng tải tên tuổi, hình ảnh, giấy phép kinh doanh, và cả số tài khoản ngân hàng trùng tên với tài khoản bán hàng trên mạng. Sau các bài đăng bán xe, các đối tượng này đều mua lượng tương tác, lượt bình luận với những đánh giá khẳng định sự uy tín của người bán khiến nhiều người có nhu cầu mua xe khi vào tìm hiểu sẽ tin tưởng những trang này là những địa chỉ uy tín.

Tuy nhiên, qua điều tra thì những người như Tống Duy Chuẩn, hay Trí Anh ngoài đời thực lại không sở hữu, sử dụng những địa chỉ mạng bán xe này.

Với quyết tâm, sự nhạy bén của các trinh sát và điều tra viên, Ban Chuyên án đã nhanh chóng thu thập tài liệu, chứng cứ và xác định Trần Thanh Ngọc chính là đối tượng điều hành, sử dụng tài khoản “xe cổ Duy Chuẩn”, “Tống Duy Chuẩn”, hay “Trí Anh xe cổ”.

Ngày 14/9/2024, Ban Chuyên án đã phân công 3 tổ công tác vào địa bàn các tỉnh phía Nam để tiếp tục xác minh, làm rõ phương thức thủ đoạn hoạt động và truy bắt các đối tượng.

Ngày 16/9/2024, xác định thời cơ phá án đã chín muồi, Ban Chuyên án đồng loạt triển khai lực lượng tiến hành bắt giữ các đối tượng Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Văn Hoan. Khám xét chỗ ở, nơi làm việc của các đối tượng, Ban Chuyên án thu giữ 6 tài khoản facebook mang tên “Tống Duy Chuẩn”, “Duy Chuẩn xe cổ”; “Trí Anh xe cổ”; “Trí Anh xe cổ bãi nhật”, “Trần Thanh Ngọc”, “Hoan Hoan”; 4 tài khoản zalo đều mang tên “Tống Duy Chuẩn”, 3 tài khoản giao dịch tiền ảo Binance, 11 tài khoản ngân hàng, 1 tài khoản momo; 12 thẻ sim điện thoại các loại; 13 điện thoại di động; 20 triệu đồng tiền mặt cùng nhiều tang vật khác liên quan.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc đã khởi tố, bắt tạm giam Trần Thanh Ngọc, Nguyễn Văn Hoan để tiếp tục điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Rửa tiền”.

Ngày 26/9/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Trần Thanh Ngọc và Nguyễn Văn Hoan để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời tiếp tục điều tra làm rõ về tội “Rửa tiền” đối với 2 đối tượng này và một số đối tượng khác có liên quan.

Công an huyện Vĩnh Lộc đang tiếp tục điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, đề nghị những ai là bị hại của các đối tượng trên liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Lộc để phối hợp giải quyết.

Nguồn: baothanhhoa

Không có nhận xét nào