Ý thức, trách nhiệm của người nghệ sĩ
Nghệ sĩ là những người có tầm ảnh hưởng nhất định tới công chúng. Do vậy, hình ảnh cũng như ý thức, trách nhiệm của người nghệ sĩ luôn là một đòi hỏi khắt khe, được giám sát bởi người hâm mộ. Một chút sơ sảy dù vô tình hay cố ý về hành động, lời nói,… của mỗi nghệ sĩ đều có thể ít nhiều làm mất đi niềm tin, sự yêu mến của công chúng.
Các nghệ sĩ biểu diễn văn nghệ tại đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc. (Ảnh THÀNH NAM) |
Mới đây một loạt nghệ sĩ như Myra Trần, Trấn Thành, Việt Hương, Phan Ðinh Tùng, Phạm Khánh Hưng, Dương Triệu Vũ, Khải Ðăng, B Ray, hoa hậu Phương Lê... đã liên tiếp bị cộng đồng mạng “nêu tên” bởi liên quan đến hoạt động biểu diễn không phù hợp hoặc có những phát ngôn sai trái, thiếu chuẩn mực trong quá khứ.
Trước đó, hồi giữa năm, cặp vợ chồng nghệ sĩ Quốc Nghiệp-Ngọc Mai (nghệ danh O Sen) và ca sĩ Ðàm Vĩnh Hưng cũng vấp phải nhiều ý kiến phản đối của cư dân mạng vì những hình ảnh không đẹp, các hành xử không phù hợp với tư cách của người nổi tiếng. Trên một số diễn đàn mạng xã hội nhiều người lên tiếng đòi “tẩy chay” các nghệ sĩ có hành vi và phát ngôn thiếu chuẩn mực. Thậm chí xuất hiện một nhóm cộng đồng mạng tên gọi “Hội phong sát Việt Nam” với nhiều bài viết về chủ đề này.
Các nghệ sĩ bị cộng đồng mạng lên án đã có động thái xin lỗi khán giả trên tài khoản cá nhân. Trong bài viết của mình, ca sĩ Myra Trần “thành khẩn nhận lỗi vì sự thiếu sót, thiếu hiểu biết của bản thân đã không tìm hiểu cẩn thận và tham gia vào những chương trình không phù hợp trong quá khứ”. Nữ ca sĩ khẳng định: “Ðây là một bài học lớn” và cam kết sẽ luôn có ý thức cẩn trọng hơn trong tương lai.
Nghệ sĩ Việt Hương viết trên trang cá nhân: “Xin nhận hoàn toàn trách nhiệm của bản thân đối với những sự việc đã diễn ra trong quá khứ. Sự thiếu tỉ mỉ và không tinh tế trong thời điểm đó đã dẫn đến những sự việc làm buồn lòng khán giả và bản thân tôi thấy mình thiếu sót rất nhiều”.
Ca sĩ Tóc Tiên tự lên tiếng trên trang cá nhân dù chưa được cộng đồng để ý tới. Cô chia sẻ từng có 15 năm sinh sống và học tập ở hải ngoại nên cũng “không tránh khỏi việc vô tình xuất hiện trên một vài sân khấu không phù hợp do không tìm hiểu kỹ lưỡng và thiếu sự quan sát cẩn trọng khi trình diễn”. Nữ ca sĩ khẳng định “chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có bất kỳ liên hệ nào với các tổ chức chống phá lại quê hương mình”. Các nghệ sĩ Phan Ðinh Tùng, Phạm Khánh Hưng, B Ray... cũng đã chân thành gửi lời xin lỗi đến công chúng.
Ðây có lẽ không chỉ là bài học của những người trong cuộc, mà là bài học chung cho tất cả những cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và các lĩnh vực có ảnh hưởng tới cộng đồng. Dư luận đặt câu hỏi, với những hành vi, phát ngôn như vậy, một lời xin lỗi của nghệ sĩ liệu có đủ chăng? Và từ những lời xin lỗi của nghệ sĩ qua các vụ việc trên cho thấy điều gì? Chưa bàn đến yếu tố pháp lý, chỉ riêng ở góc độ ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ có thể thấy rằng không ít nghệ sĩ ở ta chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản về văn hóa, cũng như đạo đức nghề nghiệp. Dù cho lời xin lỗi chân thành đến đâu, vẫn phần nào cho thấy, các nghệ sĩ này đã không nhận thức được về hành vi phản cảm của mình trước khi bị công chúng chỉ trích.
Họ bước chân vào làm nghệ thuật nhưng đã không học hỏi và chuẩn bị những kiến thức nền tảng cần thiết. Hoa hậu Phương Lê nếu hiểu rằng việc sử dụng Quốc ca có quy định mang tính luật pháp chứ không phải trò đùa cợt thì cô đã không có hành vi lệch lạc là livestream chế lời Quốc ca trên mạng xã hội. Các nghệ sĩ biểu diễn nếu hiểu được rằng không phải sân khấu nào cũng có thể biểu diễn tùy tiện, thì họ đã có những lựa chọn phù hợp để không làm thất vọng công chúng.
Những lời xin lỗi vừa qua “cho thấy một khía cạnh đáng chú ý về nhận thức chính trị của nghệ sĩ”. Quả đúng như vậy, nghệ sĩ là những người có ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, xã hội nên mọi hành vi của họ đều có thể tác động mạnh vào nhận thức cũng như tình cảm của công chúng.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
Quan sát hành xử của những người nghệ sĩ lớn, chúng ta không khó để nhận ra, mọi trang phục, phát ngôn, động tác biểu diễn, sân khấu xuất hiện của họ đều có một sự tính toán kỹ càng, gửi gắm thông điệp mà họ muốn truyền tải đến khán giả. Những kiến thức về lịch sử, văn hóa cũng như ý thức chính trị của người nghệ sĩ sẽ giúp cho họ có những ứng xử đúng mực, phù hợp tại nơi họ xuất hiện, giúp bảo vệ hình ảnh cũng như mang lại sự hài lòng cho khán giả.
Vẫn biết, một người nghệ sĩ để được công chúng biết đến, trước tiên nhờ tài năng, nhưng tài năng đó luôn phải đi kèm với một phông kiến thức vững vàng về văn hóa, ý thức xã hội và nhận thức chính trị. Nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm xã hội sẽ giúp cho người nghệ sĩ có những lựa chọn đúng và phản ứng hợp lý ở những tình huống khó xử.
Nhìn lại quá khứ, nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đàn anh đi trước, nhờ tài năng, sự tận tụy cộng với ý thức chính trị rõ ràng đã đồng hành cùng đất nước, sáng tạo những tác phẩm có giá trị, đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dù mỗi thời kỳ có những đặc điểm khác nhau, nhưng vai trò của người nghệ sĩ trên “mặt trận văn hóa” vẫn luôn được nhấn mạnh.
Ý thức, trách nhiệm đối với quê hương, đất nước, công chúng sẽ giúp cho người nghệ sĩ định vị mình tốt hơn trong thời kỳ bùng nổ công nghệ với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Tiếc là điều này vẫn bị một bộ phận nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ thiếu quan tâm đúng mức. Chưa kể không ít người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng lại hời hợt trong tìm hiểu lịch sử, thờ ơ hoặc khó chịu khi nghe nói về vấn đề vai trò, trách nhiệm cá nhân, thậm chí quan niệm rằng nghệ thuật thì không liên quan đến chính trị.
Ðây là một cách nghĩ phiến diện, khiến cho một số nghệ sĩ mắc phải những sai lầm đáng tiếc và bị dư luận chỉ trích, lên án. Nhiều nghệ sĩ đã chủ quan trong việc nhận lời mời biểu diễn của các tổ chức nước ngoài, mà không hề tìm hiểu xem tổ chức đó như thế nào, những tiêu chí và cách thức hoạt động của họ ra sao. Khi xảy ra sự cố, phải làm việc với cơ quan chức năng, câu trả lời “không biết người mời là ai” chỉ được hiểu như một sự chống chế thiếu hiểu biết. Và hệ lụy là danh tiếng và sự nghiệp của nghệ sĩ có thể bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí tiêu tan.
Cũng chính trong những ngày qua, một vài thí dụ liên quan đến vấn đề ý thức, trách nhiệm của người nổi tiếng trở thành điểm sáng được dư luận đồng tình, ủng hộ. Ca sĩ Du Thiên kể lại, từng nhiều lần được mời ra nước ngoài biểu diễn và cũng đã không ít lần từ chối vì nhận ra chương trình không phù hợp, có vấn đề nhạy cảm. Ca sĩ chia sẻ, nhất định không vì tiền mà thỏa hiệp mong muốn của đối tác có ý đồ xấu với dân tộc mình, cương quyết thái độ: “Không hát thì về, bỏ show luôn... không bao giờ đánh mất đi lòng tự tôn dân tộc”.
Trần Quyết Chiến- tay cơ nổi tiếng cũng đã có hành động tương tự, khi nhận ra trận đấu giữa mình và đối thủ bị lồng ghép hình ảnh “đường lưỡi bò”, Trần Quyết Chiến đã xin phép huấn luyện viên bỏ giải, trở về, dù cho anh phải chịu một số án phạt ảnh hưởng tiêu cực đến con đường phát triển sự nghiệp vì đã đột ngột bỏ thi đấu tại một giải quốc tế. Chính nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của người nổi tiếng đã dẫn dắt họ đưa ra những quyết định đúng, và hình ảnh họ trở nên đẹp hơn trong mắt công chúng.
Tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng mạng về những hiện tượng thiếu nhạy cảm, thiếu chuẩn mực của các nghệ sĩ vừa qua vừa đặt ra những yêu cầu về trách nhiệm công dân, ý thức, trách nhiệm của người nghệ sĩ, đồng thời cũng nói lên tinh thần tự hào dân tộc, đoàn kết, yêu nước của mỗi người Việt Nam. Bao thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để chiến đấu, bảo vệ, xây dựng đất nước tươi đẹp hôm nay.
Vì thế, những hành vi thiếu cẩn trọng làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước dù ở đâu cũng không thể được chấp nhận. Ðây là bài học, cũng là dịp để mỗi người nghệ sĩ tự nhìn nhận vấn đề rộng lớn, sâu sắc hơn trong quá trình hoạt động nghệ thuật cũng như tự hoàn thiện mình. Bằng công việc sáng tạo nghệ thuật, người nghệ sĩ chuyển tải các thông điệp có giá trị đến với công chúng, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển văn hóa đất nước. Ðể làm được điều đó, nghệ sĩ phải không ngừng rèn luyện, trau dồi tri thức, hiểu biết văn hóa, pháp luật, lịch sử.
Thực tế, những lời xin lỗi chân thành được công khai rộng rãi vừa qua cũng đã ít nhiều cho thấy thái độ cầu thị của một số nghệ sĩ sau những sự việc vừa qua và cũng đã được cộng đồng mạng ghi nhận. Xin lỗi tất nhiên chưa khi nào là đủ, nhưng với tinh thần nhân văn nhân ái truyền thống của người Việt, cộng đồng chắc chắn sẽ luôn rộng lòng để các nghệ sĩ có cơ hội sửa chữa những sai sót, hoàn thiện mình và tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho khán giả.
Chưa kể, chúng ta không nên để mọi chuyện dẫn dắt quá xa, trở thành những cộng đồng bị chia rẽ bởi những ý kiến khác nhau trên mạng xã hội. Thậm chí những tranh cãi này có thể bị lợi dụng tạo ra tâm lý tiêu cực không cần thiết trong cộng đồng, bị các đối tượng chống phá, thù địch lợi dụng để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chế độ.
Bên cạnh việc phát hiện những điều chưa hay, góp tiếng nói bảo vệ, làm lành mạnh môi trường văn hóa nghệ thuật, chúng ta một lần nữa khẳng định luôn trân trọng những đóng góp của các nghệ sĩ và vai trò to lớn của nghệ sĩ trong giữ gìn và phát triển văn hóa. Tuy nhiên, quyền năng của người nghệ sĩ, xét đến cùng, lại nằm ở khán giả. Sự ủng hộ của công chúng luôn dành cho những người nghệ sĩ có những đóng góp tích cực để bảo vệ, giữ gìn, tôn vinh các giá trị văn hóa dân tộc.
Nguồn: nhandan
Không có nhận xét nào