Tha hóa quyền lực không phải bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam
Lợi dụng việc một số cán bộ, công chức bị kỷ luật thời gian qua, các thế lực thù địch tiếp tục xuyên tạc rằng sai phạm, nhất là tham nhũng do “tha hóa quyền lực” là bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhận diện, đấu tranh chống luận điệu sai trái trên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và cấp bách hiện nay.
Theo cách hiểu thống nhất, tha hóa quyền lực là hành vi một số cán bộ, công chức lạm dụng quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước để làm những việc sai trái, khuất tất nhằm mang lại lợi ích cho cá nhân hay một nhóm người, gây tổn hại đến lợi ích chung của tập thể, lợi ích của quốc gia, dân tộc. Trong xã hội hiện đại thì tha hóa quyền lực càng trở nên tinh vi và biến tướng dưới nhiều hình thức phức tạp.
Gần đây, không ít người nắm giữ, thực thi công quyền đã bị cám dỗ bởi “màu hồng” của quyền lực. Khi có chức quyền trong tay, một số người chỉ lăm le khai thác quyền lợi, bổng lộc nhờ quyền lực mang lại mà không khép mình vào khuôn khổ tổ chức, quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Trong giai đoạn 2012-2022, có 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật. Năm 2023 đã thi hành kỷ luật 459 đảng viên do tham nhũng.
Cùng với xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về kiểm soát quyền lực và phòng, chống suy thoái, tham nhũng, tiêu cực nhằm ngăn chặn kịp thời những “tổ mối” đang đục khoét thể chế, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Lợi dụng việc này, các thế lực thù địch tung ra những luận điệu xuyên tạc, cố tình bóp méo sự thật, cho rằng “tha hóa quyền lực” là bản chất của Đảng, hòng hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm xói mòn niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng và đội ngũ cán bộ. Những thủ đoạn và luận điệu của chúng có thể nhận diện trên một số vấn đề chủ yếu sau:
Thứ nhất, các thế lực thù địch, phản động quy chụp rằng, chế độ “một đảng” là nguyên nhân của tha hóa quyền lực. Chúng rêu rao rằng: Tha hóa quyền lực của cán bộ, công chức bắt nguồn từ chế độ “tập quyền, một đảng”... Cùng với cố tình đổ lỗi cho một đảng là nguyên nhân, mục đích của chúng không gì khác nhằm xóa bỏ vai trò độc tôn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tha hóa quyền lực được xem là “bóng tối vươn theo quyền lực”, gây suy giảm quyền lực nhà nước, ảnh hưởng trực tiếp đến uy thế, thanh danh của Đảng và Nhà nước, biến bộ máy chính quyền và các tổ chức đảng trở nên quan liêu, xa rời lợi ích của nhân dân. Từ gần 200 năm trước, Karl Marx từng đưa ra những cảnh báo khi ông nghiên cứu về sự tha hóa quyền lực ở các nhà nước phương Tây, nhất là các nước tư bản phát triển.
Ông rút ra một điều: Quyền lực nhà nước càng lớn thì sự tha hóa của nó càng nguy hiểm, nó càng gần với tư cách một lực lượng tự trị thoát khỏi sự kiểm soát của con người. Điều này cho thấy tình trạng tha hóa quyền lực có ở mọi nhà nước, mọi xã hội có giai cấp, nó là một hiện tượng xã hội mà bất cứ chế độ xã hội nào cũng phải giải quyết.
V.I.Lenin cho rằng, “tệ quan liêu, tham nhũng khiến nhiều cán bộ, đảng viên bị tha hóa, trở thành những kẻ chuyên quyền, độc đoán, thậm chí nó có thể phá hủy một chính đảng, làm tiêu vong một chế độ”. Bàn về vấn đề này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nguyên nhân sâu xa, gốc rễ dẫn đến tha hóa quyền lực chính là chủ nghĩa cá nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, “vì cá nhân chủ nghĩa nên đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích chung, rồi sinh ra vô kỷ luật, vô tổ chức, tham địa vị, tham danh vọng, bè phái, tham ô, lãng phí, quan liêu”.
Kế thừa, phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực và là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ; thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa bỏ tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”. Như vậy, cần khẳng định rằng, chính chủ nghĩa cá nhân và sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, cùng việc chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chính là nguyên nhân căn cơ của tha hóa quyền lực.
Mặt khác, trên cả phương diện lý luận, các nghiên cứu, phân tích đều đi đến kết luận, tham nhũng là hiện tượng xã hội, tồn tại tất yếu, khách quan trong xã hội có nhà nước (có giai cấp), không phụ thuộc vào chế độ chính trị đa đảng hay một đảng; chế độ nào, quốc gia nào cũng có tham nhũng.
Thực tế ở các quốc gia thực hiện chế độ đa đảng, tham nhũng vẫn là quốc nạn. Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2023 của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) cho thấy, trên thế giới không có quốc gia nào không có tham nhũng do tha hóa quyền lực. Quốc gia có điểm số thấp nhất (mức độ tham nhũng cao nhất) là Somalia (11 điểm), Nam Sudan (13 điểm); các quốc gia có điểm số cao (mức độ tham nhũng thấp) là Đan Mạch (90 điểm), Phần Lan (87 điểm)... Như vậy, từ báo cáo trên có thể thấy, tham nhũng, tiêu cực do tha hóa quyền lực không phụ thuộc vào chế độ một đảng lãnh đạo hay chế độ đa đảng. Việc các thế lực thù địch rêu rao rằng tha hóa quyền lực do chế độ một đảng gây ra là luận điệu bịa đặt.
Thứ hai, các thế lực thù địch xuyên tạc mục đích phòng, chống tha hóa quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng rêu rao rằng, mục đích của phòng, chống tha hóa quyền lực chỉ vì phục vụ "lợi ích phe, nhóm", là “cuộc chiến hay đấu đá quyền lực trong thượng tầng của Đảng”, là bước chuẩn bị cho “con em, vây cánh” tiến thân...
Những luận điệu của các thế lực thù địch rất nguy hiểm và hoàn toàn sai trái. Bởi như phân tích ở trên, tha hóa quyền lực luôn có và không bao giờ mất đi khi trong xã hội có giai cấp. Vì vậy, để ngăn chặn nó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn tìm tòi và thực thi trong thực tiễn giải pháp để kiểm soát quyền lực hiệu quả, phải “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế”. Quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng phòng, chống tha hóa quyền lực trong một bộ phận cán bộ, công chức là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Song song với thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, kinh tế... Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi trọng việc ngăn ngừa, chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tha hóa quyền lực nhằm xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính, vừa “hồng”, vừa “chuyên”.
Trên thực tế, những cán bộ, đảng viên “tha hóa” bị xem xét kỷ luật do sai phạm thời gian qua đều được xử lý một cách nghiêm minh, công bằng, công tâm, minh bạch, đúng người, đúng tội và được thông tin rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thông qua kỷ luật để cảnh tỉnh, răn đe, giúp đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là những người có chức, có quyền “tự soi”, “tự sửa”, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện về năng lực, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, phòng ngừa chặt chẽ, ngăn chặn từ gốc.
Chính việc xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên tha hóa thời gian qua đã được tuyệt đại đa số ý kiến người dân bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tha hóa quyền lực. Điều đó càng minh chứng rõ ràng cho mục đích của phòng, chống tha hóa quyền lực là vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của nhân dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, chứ không phải như sự xuyên tạc của kẻ thù. Chính điều này đã gây thiện cảm mạnh mẽ, vun đắp niềm tin to lớn của nhân dân vào sự liêm chính, uy tín, sức mạnh và sự trong sạch của Đảng.
Thứ ba, chúng quy chụp rằng "tha hóa quyền lực" là phổ biến, là bản chất của đội ngũ cán bộ, công chức của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc rằng “việc phòng, chống tha hóa quyền lực của Đảng Cộng sản Việt Nam rồi sẽ đi đến thất bại”. Viện dẫn cho những suy diễn đó, chúng chắp vá, xâu chuỗi một số vụ việc tiêu cực đơn lẻ ở một bộ phận cán bộ, công chức rồi quy chụp rằng “sâu mọt ở khắp mọi nơi”, đội ngũ cán bộ, đảng viên “đang rơi vào tình trạng tha hóa, biến chất”.
Những quy chụp của các thế lực thù địch là dối trá, đi ngược lại mục đích tốt đẹp của Đảng ta.
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đối mặt với sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đặc biệt là đối mặt với nguy cơ, thách thức từ tệ nạn tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, làm liên lụy đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ, hạnh phúc của nhân dân. Đảng đã thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm trong lãnh đạo công cuộc đổi mới; đồng thời, kiên quyết đấu tranh vạch mặt những kẻ mang danh Đảng, đội lốt đảng viên để phá Đảng, hại nước, hại dân.
Việc ra sức xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh không những thể hiện quyết tâm chính trị lớn lao của Đảng mà còn chứng tỏ Đảng luôn luôn cầu thị, sẵn sàng sửa chữa sai lầm, hạn chế, khuyết điểm để đưa đất nước vươn lên, trở nên tốt đẹp hơn. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên là rơi vào chủ nghĩa cá nhân... cùng với sự thiếu kiểm soát, kiểm tra, giám sát của các cấp. Những con sâu đó chỉ là số ít trong tổng số hơn 5 triệu đảng viên, cần phải được loại bỏ để hàng ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch hơn. Như vậy, từ việc xử lý một số cán bộ, công chức bị thoái hóa mà đánh đồng, quy chụp đó là bản chất của đội ngũ cán bộ, công chức là sự nhìn nhận lệch lạc, cực đoan của một số ít người chỉ với mục đích hạ thấp uy tín của Đảng.
Những luận điệu xuyên tạc, chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam thời gian qua là vô căn cứ, phiến diện, phản khoa học, nhưng sẽ vô cùng nguy hiểm nếu không nhận diện và đấu tranh kịp thời. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải quán triệt và thực hiện nhất quán nguyên tắc lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ, đi đôi với phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu trong thực hiện công tác cán bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng cần đề cao cảnh giác cách mạng, nhận diện, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch để kiên quyết đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, phản động đó.
Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, tư tưởng, trau dồi đạo đức cách mạng, phương pháp, tác phong công tác; luôn “tự soi, tự sửa” để không ngừng tiến bộ; biết đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân, của tập thể lên trên lợi ích cá nhân. Qua đó, góp phần quan trọng xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, vì khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nguồn: QĐND
Không có nhận xét nào