MKRdezign

TIN MỚI

Việt Nam luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động

 Với thái độ cực đoan, thiếu thiện chí, nhiều năm qua Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) thường xuyên đưa ra những nhận định, đánh giá sai lệch, xuyên tạc về tình hình dân chủ, nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Ngày 8/5/2024, lợi dụng sự việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, HRW tiếp tục đưa thông cáo xuyên tạc việc bảo đảm quyền của người lao động, phủ nhận vai trò của tổ chức công đoàn ở Việt Nam, gây bức xúc dư luận.

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thăm hỏi, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương thăm hỏi, động viên công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An.

Ngày 8/5 vừa qua, Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần công khai tiến hành đánh giá về việc có phân hạng Việt Nam là “nền kinh tế thị trường” hay không. Tại phiên điều trần, đại diện của Việt Nam nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường; đồng thời nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam còn làm tốt hơn so với nhiều nền kinh tế đã được công nhận quy chế kinh tế thị trường. Chia sẻ trên Reuters ông Ted Osius - cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN khẳng định: “Việt Nam đã là nền kinh tế thị trường rồi. Việt Nam đáp ứng các tiêu chí quan trọng, như khả năng chuyển đổi của tiền tệ và sẵn sàng để được công nhận một cách chính xác. Doanh nghiệp Mỹ đầu tư mạnh tay vào Việt Nam, qua đó công nhận tiềm năng tăng trưởng của nước này”.

Tuy nhiên với thái độ thù địch, thiếu thiện chí HRW lập tức đưa ra thông cáo cho rằng chính quyền Việt Nam đang đưa ra các thông tin sai lệch hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại. Cùng với đó, HRW đưa ra những phân tích, đánh giá sai sự thật về quyền của người lao động. Cụ thể ông John Sifton, Giám đốc Vận động Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đưa ra đánh giá tiêu cực rằng: “Lời tuyên bố tôn trọng quyền của người lao động của Việt Nam chỉ dựa trên các ngôn từ và lời hứa sáo rỗng, các văn bản luật pháp và quy định xa rời thực tế về hiện trạng quyền của người lao động ở quốc gia này”; “Ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình”.

Thực tế cho thấy trong suốt nhiều năm qua, với thái độ thiếu thiện chí, HRW không từ bỏ bất cứ một “cơ hội” nào, từ các sự kiện chính trị, ngoại giao, cho đến các hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế-chính trị, hay tư pháp... để công kích, xuyên tạc, gây sức ép, hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Những đánh giá thường xuyên bóp méo hiện trạng về việc bảo đảm quyền lợi người lao động tại Việt Nam tiếp tục minh chứng cho điều này.

Về phiên điều trần của Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét việc công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao vào chiều 9/5, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ, Việt Nam hoan nghênh Bộ Thương mại Hoa Kỳ tổ chức phiên điều trần. Đồng thời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng cho biết đến nay đã có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn, như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản... Việt Nam cũng đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với hơn 60 đối tác trải rộng khắp các châu lục. Kết quả này phần nào cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng một nền kinh tế thị trường năng động, hiệu quả đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, và là cơ sở quan trọng cho các quan hệ hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu. Do đó những luận điệu của HRW cố tình phủ nhận nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, đưa ra những thông tin không phản ánh đúng sự thật về quyền của người lao động Việt Nam là thiên kiến, cực đoan, khó có thể chấp nhận.

Thực tiễn cho thấy lao động và việc làm là một trong những quyền cơ bản của công dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và được cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật cũng như bảo đảm thực thi trong đời sống. Tại Điều 35, Hiến pháp 2013 khẳng định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Bộ luật Lao động năm 2019 tại Khoản 1, Điều 4 Chính sách của Nhà nước về lao động làm rõ: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”. Đồng thời Luật cũng xác định quyền và nghĩa vụ của người lao động, đó là: hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể. Cùng với đó người lao động được thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động. Tại Đại hội XIII của Đảng, đề cập đến nội dung phát triển tổ chức công đoàn, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tiếp tục khẳng định: “Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của công nhân tại doanh nghiệp ngoài tổ chức công đoàn hiện nay”.

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra vào tháng 12/2023 cũng đã chỉ rõ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của đoàn viên, người lao động. Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Vai trò của công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả, được lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trên cả nước khiến nhiều người lao động bị ảnh hưởng. Chính trong bối cảnh khó khăn đó, các cấp công đoàn đã tích cực vào cuộc, vừa tham gia phòng chống dịch bệnh vừa đồng hành với người lao động. Tiêu biểu có thể kể đến là việc triển khai các gói hỗ trợ dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; tặng sổ tiết kiệm công đoàn cho con đoàn viên bị mồ côi do Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ gần 6.000 tỷ đồng. Song song đó, nhiều phong trào thi đua trong thời điểm dịch Covid-19 đã được triển khai hiệu quả, như “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, được cụ thể hóa bằng Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” và Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” đã sớm đạt mục tiêu với nhiều sáng kiến có giá trị, ý nghĩa xã hội lớn... Những kết quả nổi bật kể trên cho thấy sự quan tâm, chăm lo của các cấp công đoàn cả nước đối với người lao động. Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam cũng đã đặt ra chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ là cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật; phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu. Một trong những khâu đột phá trong nhiệm kỳ tới được Đại hội lựa chọn là đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

Cũng cần nhấn mạnh rằng từ năm 1992, Việt Nam tái gia nhập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Từ đó đến nay Việt Nam luôn thể hiện nỗ lực cam kết và thực hiện các công ước quốc tế nói chung, các công ước quốc tế về quan hệ lao động nói riêng, nhằm thúc đẩy và bảo đảm tiêu chuẩn lao động cơ bản cho người lao động ở Việt Nam theo đúng các chuẩn mực quốc tế về quyền của người lao động. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia 25 công ước của ILO. Chỉ riêng trong năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 3 công ước của ILO, bao gồm Công ước 88 về tổ chức dịch vụ việc làm, Công ước 159 về tái thích ứng việc làm cho người khuyết tật, Công ước 98 về quyền thương lượng tập thể. Các nội dung quan trọng trong các công ước cơ bản của ILO đều đã được phản ánh trong các quy định trong Bộ luật Lao động.

Với đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực chủ động và tích cực của tổ chức công đoàn, trong suốt nhiều năm qua quyền lợi của người lao động Việt Nam luôn được bảo đảm. Đây là cơ sở quan trọng tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cũng như góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường của nước ta. Thực tiễn sinh động này chính là căn cứ quan trọng nhất góp phần bác bỏ những luận điệu bóp méo, xuyên tạc vấn đề người lao động ở Việt Nam.

Nguồn: nhandan

Không có nhận xét nào