Vạch trần bản chất tổ chức "Ân điển cứu rỗi" (Bài cuối)
Tổ chức "Ân điển cứu rỗi" (tên gọi khác là "Ân điển đời đời" hoặc "Sự cứu rỗi đời đời") do ông Park Ock Soo (SN 1944), quốc tịch Hàn Quốc (trước đây theo hệ phái Tin lành Trưởng lão) lập ra năm 1971 tại Hàn Quốc.
Đây được coi là dạng hệ phái đạo Tin lành, nhưng giáo lý có nhiều nội dung sai lệch Kinh Thánh khi cho rằng, ông Park Ock Soo là hiện thân của Chúa Giê su, tin theo "Ân điển cứu rỗi" mặc nhiên "được Chúa cứu rỗi, không còn tội khi vi phạm"...
Truyền bá sai lệch về Kinh Thánh, cổ vũ lối sống “phóng khoáng”
Tổ chức này đã phát triển đến khoảng 80 quốc gia trên thế giới với 178 nhà thờ ở Hàn Quốc, 582 nhà thờ, 29 trường kinh thánh ở các quốc gia, có trên 4.000 mục sư được cử đến các quốc gia giảng dạy, phát triển tổ chức. Để tuyên truyền phát triển "Ân điển cứu rỗi" ra bên ngoài, ông Park Ock Soo thông qua các tổ chức phi chính phủ để tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng sống, chương trình đào tạo tinh thần… thu hút, lôi kéo giới trẻ tham gia.
Từ năm 2007, để phát triển "Ân điển cứu rỗi" vào Việt Nam, ông Park Ock Soo đã cử ông Nam Jin Hyang, quốc tịch Hàn Quốc dưới danh nghĩa Công ty Cổ phần giáo dục Tomorrow Việt Nam và IYF tại Việt Nam để hoạt động. Đến năm 2017, ông Nam Jin Hyang đã lôi kéo được một số chức sắc, tín đồ các hệ phái Tin lành chuyển sang theo "Ân điển cứu rỗi". Đáng chú ý, IYF tại Việt Nam đã được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cấp phép hoạt động, các đối tượng đã lôi kéo nhiều nhà khoa học, trí thức nổi tiếng ở Việt Nam tham gia một số hoạt động của IYF ở Việt Nam và nước ngoài thông qua việc mở hội thảo, đi tham quan, du lịch và dự sự kiện của IYF để tạo vỏ bọc và khuếch trương thanh thế của tổ chức này.
Các đối tượng cầm đầu tổ chức "Ân điên cứu rỗi" tại Việt Nam tập trung lôi kéo tầng lớp sinh viên, thanh niên và chức sắc, chức việc các Hội thánh, điểm nhóm Tin lành thuộc các tổ chức Tin lành đã được công nhận tư cách pháp nhân để hoạt động, với thủ đoạn lôi kéo "núp bóng" thông qua các hoạt động từ thiện, mời tham gia các khóa đào tạo giáo lý...
Mối nguy hại của "Ân điển cứu rỗi" ở Việt Nam cũng như ở Hàn Quốc là truyền bá quan điểm sai lệch về Kinh Thánh, cổ xúy cho lối sống phóng khoáng, tự do của tầng lớp thanh niên, đặc biệt là giới trẻ "thích thú sống trong tội lỗi, không cần phải ăn năn, day dứt hối hận khi có lỗi"; gây phân hóa, chia rẽ trong nội bộ các tổ chức, hệ phái Tin lành thuần túy. Các tổ chức Tin lành chính thống tại Hàn Quốc và các nước coi "Ân điển cứu rỗi" là "tà giáo". Còn tại Việt Nam, nhiều tổ chức Tin lành đã đề nghị cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động của tổ chức này giống như "Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ".
Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, qua rà soát trên địa bàn không phát hiện Hội Liên hiệp thanh niên quốc tế và Công ty Cổ phần giáo dục Tomorrow Việt Nam hoạt động. Tuy nhiên, đối tượng cầm đầu, hoạt động tích cực của tổ chức "Ân điển cứu rỗi" đã tuyên truyền, lôi kéo Ngô Văn Phình, nguyên là Phó điểm nhóm Tin lành Lân Thùng, thuộc Hội thánh Tin lành Việt Nam - miền Bắc (SN 1985), dân tộc Mông, trú xóm Đồng Dong, xã Phương Giao, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên cùng 4 hộ khác (gồm bố và hai em) tách ra khỏi điểm nhóm Tin lành Lân Thùng để hình thành nhóm riêng, tham gia từ năm 2014.
Các đối tượng tổ chức sinh hoạt từ 20-22h ngày thứ tư; từ 8-10h và 13-14h ngày chủ nhật; tài liệu sử dụng là Kinh Thánh tân ước, cựu ước bằng tiếng Việt và tiếng Mông, ngoài ra còn sử dụng sách Thánh ca do Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) phát hành. Từ khi theo "Ân điển cứu rỗi", cá nhân Ngô Văn Phình và một số người khác thường tuyên truyền chia rẽ các Hệ phái Tin lành khác và nói xấu cá nhân nằm lôi kéo tín đồ theo nhóm mình, trong đó đã tuyên truyền, lôi kéo 10 hộ, 48 khẩu tham gia sinh hoạt.
Gọi hỏi, răn đe đối tượng cầm đầu, vận động người dân ký cam kết từ bỏ
"Sau khi phát hiện Ngô Văn Phình ảnh hưởng theo tổ chức "Ân điển cứu rỗi", Công an tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo Phòng An ninh nội địa và Công an huyện Võ Nhai tiến hành khoanh vùng địa bàn, ngăn không cho tổ chức này lan tới các địa bàn có đồng bào theo đạo Tin lành; đồng thời thực hiện các biện pháp đấu tranh với nhóm đối tượng, nắm tình hình, tranh thủ các chức sắc, tín đồ đạo Tin lành tố cáo hoạt động tuyên truyền của nhóm đối tượng để củng cố tài liệu, phục vụ việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật", Thượng tá Đào Việt Anh, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin.
Cùng với thường xuyên gọi hỏi, răn đe Ngô Văn Phình, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Phòng An ninh nội địa đã phối hợp Công an huyện Võ Nhai tham mưu UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành của huyện và UBND xã Phương Giao tuyên truyền, vận động xoá bỏ tổ chức "Ân điển cứu rỗi" trên địa bàn. Nội dung cụ thể được tiến hành trong 3 giai đoạn, với mục tiêu để Ngô Văn Phình viết cam kết từ bỏ tổ chức "Ân điển cứu rỗi", sinh hoạt theo tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân; vận động số quần chúng bị ảnh hưởng ký cam kết từ bỏ tổ chức "Ân điển cứu rỗi" và ngăn chặn không để tổ chức này tái hoạt động.
Cán bộ Phòng An ninh nội địa cho hay, một trong những khó khăn khi đấu tranh với tổ chức này là các đối tượng sử dụng mạng xã hội (Viber, Telegram...), lập Zoom để liên lạc, tuyên truyền, phát triển tổ chức; số đối tượng trong điểm, nhóm thông qua việc quản lý các nhóm trên mạng để quản lý tín đồ. Về hình thức, hoạt động truyền giảng chủ yếu diễn ra trực tuyến thông qua các ứng dụng như Facebook, Telegram..., đồng thời có khuynh hướng tác động, lôi kéo tín đồ xuất cảnh ra nước ngoài theo hình thức du lịch để mở các lớp tập huấn...
"Trường hợp nào ít nghe giảng Kinh Thánh, các đối tượng trong nhóm sẽ thường xuyên gọi điện, hỏi thăm khích lệ, động viên giữ đạo. Ngoài việc rao giảng về tôn giáo, tổ chức này còn hướng dẫn tín đồ cách thức đối phó với cơ quan chức năng khi trở về địa phương...", Thiếu tá Trần Văn Tuân, cán bộ Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên thông tin.
Số đối tượng trong tổ chức "Ân điển cứu rỗi" chủ yếu tuyên truyền, phát triển tín đồ vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là tín đồ các tổ chức Tin lành đã được Nhà nước công nhận (chủ yếu là người dân tộc Mông). Đồng thời, triệt để lợi dụng, lôi kéo số học sinh, sinh viên người dân tộc Mông là tín đồ đạo Tin lành đang theo học tại Hà Nội để tuyên truyền, lôi kéo tham gia tổ chức, rồi đào tạo thành số thành viên cốt cán, sau khi trở về địa phương sẽ tiếp tục truyền bá, lôi kéo, phát triển tín đồ, mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức...
Tuy nhiên, với cách làm bài bản, chiến lược, phù hợp từng giai đoạn khác nhau, Công an tỉnh Thái Nguyên đã thành công trong việc xoá bỏ tổ chức này trên địa bàn khi đến ngày 21/4/2024, toàn bộ 10 hộ/48 khẩu (đạt 100% số bị ảnh hưởng) theo tổ chức "Ân điển cứu rỗi" đã ký cam kết từ bỏ, không sinh hoạt theo các loại hình tín ngưỡng tôn giáo trái pháp luật; khi có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo sẽ sinh hoạt theo tổ chức tôn giáo chính thống, được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân. Đặc biệt, ngày 12/5, Ngô Văn Phình đã chủ động tìm gặp cán bộ Công an tỉnh và Ban Tôn giáo tỉnh Thái Nguyên nhờ tư vấn về Hệ phái Tin lành được Nhà nước Việt Nam cho phép hoạt động để sinh hoạt tôn giáo thuần túy theo đúng quy định của pháp luật.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào