MKRdezign

TIN MỚI

Sau nhiều vụ việc bị phát giác, “chỉ mặt”, “đặt tên”, đa cấp “biến tướng” vẫn âm thầm diễn biến rất tinh vi. Đặc biệt, dưới mác công nghệ 4.0, đa cấp trên môi trường mạng đang gây ra những hệ lụy khó lường.

 

Mô hình trả thưởng “hấp dẫn” của Công ty Luxor Asia đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. (Ảnh: Internet)

Tháng 5/2023, loại hình đầu tư sinh lời của Công ty Luxor Asia với mức trả thưởng lên tới 1%/ngày được lan truyền khá nhanh trên mạng xã hội. Theo quảng cáo, Công ty Luxor Asia là đơn vị trung gian để mua sắm các mặt hàng cao cấp. Thế nhưng, website công ty này lại không có bất kỳ một mặt hàng “cao cấp” như đã giới thiệu. Thay vào đó là các phần giới thiệu về các “chiến dịch” tham gia đầu tư quỹ hay mua cổ phần để nhận ưu đãi.

Theo chia sẻ của các nhà đầu tư, để tham gia vào hệ thống của Luxor Asia khá đơn giản, chỉ cần căn cước công dân và 1 chiếc điện thoại thông minh. Công ty Luxor Asia thực hiện chi trả lợi nhuận theo kiểu mô hình kim tự tháp Ponzi. Cụ thể, khi hội viên cũ giới thiệu được người tham gia mới thì sẽ nhận được 10% của gói người mới tham gia. Bên cạnh đó, Luxor Asia còn đưa ra những chính sách cho hội viên khi thành lập đội nhóm của riêng mình và lợi nhuận được thưởng lên đến 500.000 USD (tương đương hơn 1 tỷ đồng).

Sau một thời gian ngắn, một số nền tảng đã chặn link liên kết của website này, đồng thời cảnh báo liên kết có nội dung chứa mã độc, nguy cơ lừa đảo. Hiện nay, website

http://luxorasia/com/vi của Công ty Luxor Asia đã không thể truy cập, khiến nhiều người bị “treo” số tiền đầu tư mà không thể rút ra.

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), để lôi kéo người tham gia, các dự án quảng cáo hợp tác, đầu tư trên môi trường 4.0 thường đưa ra rất nhiều lợi ích, có hoa hồng cao ngất ngưởng. Với sự hưởng ứng của một số lượng lớn nhà đầu tư, nhiều dự án mới vẫn tiếp tục ra đời và dùng lợi nhuận để quảng cáo, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người tham gia.

Cũng theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, các hoạt động trao đổi, giao dịch chủ yếu thông qua môi trường mạng internet với các ứng dụng phổ biến như facebook, zalo, telegram, viber, zoommeeting... Chỉ với một chiếc smartphone, việc kêu gọi và vận động người tham gia được lan tỏa rất nhanh và trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Cũng vì diễn ra trên môi trường mạng, với cả các ứng dụng có độ bảo mật cao như telegram, viber... đã và đang gây nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc thu thập thông tin và chứng cứ để xử lý do hạn chế về thẩm quyền.

Qua theo dõi và rà soát, thu thập thông tin, Bộ Công Thương đã nêu ra một số cảnh báo các hình thức kinh doanh đa cấp biến tướng thời 4.0 với đối tượng kinh doanh rất đa dạng như: Lạm dụng sản phẩm công nghệ, lạm dụng các thuật ngữ mang xu hướng thời đại công nghệ như: Blockchain 3.0, big data, trí tuệ nhân tạo, hợp đồng thông minh, hệ sinh thái số, wifi 5G... làm cho những người thiếu hiểu biết khi nghe sẽ lầm tưởng đây là những sản phẩm đi đầu thời đại và rất đáng để đầu tư. Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã đăng nhiều thông tin cảnh báo, đồng thời thu thập các thông tin, dấu hiệu của hành vi vi phạm để chuyển Bộ Công an xử lý theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng lợi dụng công nghệ 4.0 như hiện nay cần có sự tham gia phối hợp của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan. Việc xử lý không chỉ sử dụng biện pháp hành chính, mà cần mạnh tay với các biện pháp hình sự thì mới đảm bảo tính răn đe.

Để tự bảo vệ mình trước khi quy định pháp luật theo kịp diễn biến của các thủ đoạn tinh vi, người dân cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo với các kênh huy động tài chính, đầu tư “ảo”. Đặc biệt, cần đặc biệt cẩn trọng với những mô hình đầu tư với lời hứa hẹn mức lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng. Bởi lẽ, nếu thật sự có những mức lợi nhuận lên tới 2 - 4%/ngày, thì các công ty này sẽ dễ dàng kêu gọi các nhà đầu tư lớn, chứ không cần phải mời gọi các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ.

Không có nhận xét nào