MKRdezign

TIN MỚI

Vận động nhân dân xóa bỏ "Đạo bà Sính" (Bài 1)

 LTS: Là trung tâm chính trị - kinh tế của vùng trung du miền núi Đông Bắc với gần 300 cơ sở, địa điểm sinh hoạt tôn giáo hợp pháp và hơn 160.000 tín đồ, người theo đạo, Thái Nguyên cũng là địa bàn bị các thế lực thù địch, phần tử xấu tìm cách móc nối, hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống Đảng, Nhà nước và lôi kéo người dân tin theo các tà đạo, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, kích động ly khai, tự trị...

Công an tỉnh Thái Nguyên đã phát huy vai trò nòng cốt, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động của các đối tượng; đồng thời vận động bà con từ bỏ các đạo lạ, sinh hoạt theo các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân...

kinh nghiem-1.jpg -0
Cán bộ Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Thái Nguyên tuyên truyền, vận động người dân từ bỏ đạo lạ, sinh hoạt theo các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân.

"Đạo bà Sính" do bà Lý Thị Sính (SN 1951), dân tộc Mông, từ nhỏ sống với gia đình tại xã Thượng Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng; sau đó di cư về tỉnh Thái Nguyên lập nên. Sau quá trình 15 năm truyền đạo trái phép (có gián đoạn tuỳ thời điểm), chính bà Sính cũng đã tự nhận ra "sự lạ lùng" của mình khi hoạt động trái quy định của pháp luật, tình nguyện điểm chỉ vào bản cam kết với chính quyền địa phương từ bỏ "Đạo bà Sính".

Đạo lạ tự xưng cùng thời điểm tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình

Lãnh đạo Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, trước năm 1979, bà Sính ở Cao Bằng và từng làm thầy cúng, hay xem bói toán, tự sáng tác các bài hát dân ca dân tộc Mông. Sau năm 1979, bà này cùng một số hộ người Mông di cư về sinh sống tại xóm Lân Quan, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đến năm 1989, khi Dương Văn Mình tự xưng là "Chúa Giê-Su" ở huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang thì bà Lý Thị Sính cũng tự xưng là "Đức mẹ Maria" và có rất nhiều người Mông ở Thái Nguyên, Bắc Kạn mang tiền của đến nộp và tham gia cầu nguyện, làm lễ tại nhà bà.

Năm 1997, do công tác đấu tranh, giải quyết của chính quyền nên nhiều người đã từ bỏ theo "Đạo bà Sính" và chuyển sang theo đạo Tin lành. Sau đó, chính bà Sính cũng tham gia sinh hoạt đạo Tin lành tại điểm nhóm Tin lành Lân Quan. Song đến năm 2017, bà Sính lại tự xưng là "Nhà tiên tri", được Đức Chúa Trời giao nhiệm vụ xuống trần gian cứu rỗi loài người, người nào được bà đóng dấu ấn (dùng ngón tay bôi dầu Phật Linh điểm chỉ vào trán- PV) sẽ được cứu rỗi và trở thành tín đồ, là "người của Đức Chúa Trời".

Ban Chấp sự điểm nhóm Tin lành Lân Quan đã tiến hành tuyên truyền, vận động từ bỏ, song bà Sính vẫn tổ chức hoạt động nên ngày 13/7/2017, Ban Chấp sự đã rút phép thông công đối với bà (khai trừ khỏi hệ phái Tin lành Việt Nam miền Bắc). Tại thời điểm này, xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ có 6 hộ xóm Lân Quan tham gia sinh hoạt "Đạo bà Sính" gồm: Lý Thị Sính, Lý Văn Vứ, Lý Văn Tài, Lý Văn Tình, Lý Văn Khào, Lý Văn Dé; 6 hộ ở xóm Mỏ Ba gồm: Vương Văn Bằng, Vương Văn Hầu, Vương Văn Páo, Hồng Văn Lý, Vương Văn Chung và Vương Văn Dinh.

Ngoài ra, từ tháng 12/2017 đến tháng 2/2018, đã có 41 hộ/208 khẩu tại xã Cổ Linh; 19 hộ/94 khẩu ở xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn đang sinh hoạt theo hệ phái Tin lành Giám lý Liên hiệp đã bị bà Lý Thị Sính tuyên truyền, lôi kéo sinh hoạt theo. Số này thường xuyên tụ tập, nhóm họp sinh hoạt vào ban đêm tại nhà ông Thào Văn Câu tại thôn Niêng, xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn, do ông Sùng Văn Đậu, Sùng Văn Tu, cùng trú tại thôn Thôm Niêng và Lò Văn Câu, trú tại thôn Bản Cảm chủ trì. Nội dung nhóm sinh hoạt gồm hát lượn ca ngợi Chúa Giê-su bằng tiếng Mông, dùng dầu gió bôi dấu chữ thập lên trán, lòng bàn tay.

Về giáo lý, bà Sính dựa vào nội dung Chương 7 (tựa đề Cứu rỗi) trong sách Khải huyền, Kinh Thánh Tân Ước của đạo Tin lành để rao giảng và tuyên truyền. Tuy không được chính quyền địa phương chấp thuận sinh hoạt nhưng nhóm "Đạo bà Sính" vẫn tiến hành việc thu 1/10 tiền dâng hiến của tín đồ với giáo lý sao chép, tự xưng mình là "Nhà tiên tri", có dấu hiệu lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi cá nhân...

Phân loại địa bàn, vận động cá biệt

Cũng theo lãnh đạo Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên, thời điểm trước khi đơn vị tổ chức triển khai tuyên truyền, xóa bỏ nhằm bảo đảm ANTT tại xã Tân Long, huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên thì trên địa bàn xã còn 9 hộ/42 khẩu sinh hoạt "Đạo bà Sính", trong đó nhóm sinh hoạt ở xóm Lân Quan có 5 hộ/17 khẩu, thường sinh hoạt tại nhà ông Hoàng Văn Vinh (con trai bà Lý Thị Sính) khoảng thời gian từ 7-9h sáng Chủ nhật hàng tuần, do bà Lý Thị Sính đứng đầu. Còn nhóm sinh hoạt ở xóm Mỏ Ba có 4 hộ/25 khẩu sinh hoạt tại nhà ông Vương Văn Bằng vào 19-21h tối thứ Năm và 7-9h sáng Chủ nhật do ông Vương Văn Dinh đứng đầu.

Phòng An ninh nội địa đã phối hợp Đảng uỷ, chính quyền xã Tân Long và Công an huyện Đồng Hỷ tổ chức 2 hội nghị đánh giá tình hình, khoanh vùng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi "Đạo bà Sính", đồng thời thành lập các tổ công tác mà lực lượng Công an là nòng cốt để vận động, tuyên truyền số dân bị ảnh hưởng từ bỏ việc tham gia "Đạo bà Sính". "Chúng tôi thực hiện tốt công tác tranh thủ, phát huy vai trò người có uy tín tại xóm Lân Quan và Mỏ Ba trong tuyên truyền, vận động các đối tượng bị ảnh hưởng bởi "Đạo bà Sính" tuân thủ pháp luật, không lôi kéo, không kích động quần chúng nhân dân gây mất ANTT", Thượng tá Đào Việt Anh, Phó Trưởng Phòng An ninh nội địa thông tin.

Các tổ công tác cũng đã tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại từng địa bàn, từng hộ gia đình bị ảnh hưởng để có biện pháp tuyên truyền, giáo dục, đấu tranh phù hợp. Theo Đại uý Hoàng Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội An ninh dân tộc, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Thái Nguyên, quá trình vận động các hộ dân cũng gặp những khó khăn nhất định, có những cụ ông 93 tuổi nhưng vẫn lên nương rẫy đến tối mịt tối mới về, nên thường cán bộ Công an phải tranh thủ ban đêm để thăm gặp, tuyên truyền.

Nhiều hộ dân không biết chữ, kể cả bà Lý Thị Sính; nhiều người không biết tiếng Kinh nên phải có cán bộ người Mông đi cùng để "phiên dịch". Các tổ công tác kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động cá biệt, đến ngày 11/10/2023, đã có 100% hộ dân (9 hộ và 42 nhân khẩu) ký cam kết với chính quyền địa phương từ bỏ "Đạo bà Sính" và không theo "tà đạo, đạo lạ"; chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, qua đó giúp Công an tỉnh Thái Nguyên hoàn thành xoá bỏ "Đạo bà Sính" trong năm 2023.

Nguồn: CAND

Không có nhận xét nào