MKRdezign

TIN MỚI

Tiếp tục mạnh tay với đa cấp biến tướng

 Kinh doanh đa cấp vốn phát triển tốt ở những nền kinh tế phát triển, có hành lang pháp lý rõ ràng và ý thức thượng tôn pháp luật của người dân cao. Tuy nhiên khi du nhập về Việt Nam, mô hình này thường bị lợi dụng, biến tướng và để lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế cũng như an ninh trật tự, tác động tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng.

Tiếp tục mạnh tay với đa cấp biến tướngHoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp không phép liên quan đến Công ty CP Thương mại trí tuệ tự nhiên/Trung tâm Khoa học trí tuệ tự nhiên mới được Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cảnh báo. (Ảnh: Internet)

Theo báo cáo của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương), cả nước hiện có 20 doanh nghiệp (DN) có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp hiện khoảng 750.000 người, doanh thu tăng trưởng từ 10 - 20%/năm và tập trung ở một nhóm DN lớn. Các DN này hiện đang hoạt động tuân thủ quy định tại Nghị định 18/2023/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 40/2018/ NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, bên cạnh số ít DN tuân thủ quy định của pháp luật, thì nhiều DN đã lợi dụng các đặc điểm của mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp để trục lợi bất chính, lừa đảo người tham gia bán hàng đa cấp cũng như người tiêu dùng. Theo đó, các sản phẩm được kinh doanh qua hệ thống đa cấp phần lớn là các mặt hàng khó kiểm tra được về giá trị, chất lượng, hiệu quả sản phẩm, mà phổ biến nhất là các loại thực phẩm chức năng, các sản phẩm, thiết bị hỗ trợ chăm sóc sức khỏe.

Nghiêm trọng và đáng cảnh báo hơn chính là các chiêu thức dụ dỗ, lôi kéo người tham gia bán hàng đa cấp vào các hoạt động mua cổ phần, góp vốn, hợp tác kinh doanh, mua phân quyền kinh doanh; đặc biệt là các hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, ngoại hối, các khóa học online... gây ra những thất thoát lớn về kinh tế cho nhiều người. Nếu không tỉnh táo, người dân rất dễ bị dẫn dụ thông qua môi trường giao tiếp không biên giới trên không gian mạng ngoài khuôn khổ quản lý của Nghị định 18/2023/NĐ-CP.

Trong thời gian qua, khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về dấu hiệu các hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, chính quyền các địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan quản lý đã chuyển thông tin, tài liệu đến các cơ quan công an để theo dõi, xử lý hình sự theo quy định tại qua Điều 217a Bộ luật Hình sự. Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã thu hồi giấy chứng nhận và chấm dứt, tạm ngừng hoạt động bán hàng đa cấp đối với 25 DN; điều tra 65 vụ việc, xử phạt 64 trường hợp với tổng số tiền phạt 11 tỷ đồng.

Được biết, trong năm 2024, để tiếp tục chấn chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp biến tướng, Bộ Công Thương sẽ tổ chức 5 đợt kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp. Thời gian tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương ở TP Hà Nội vào các tháng 3, 9 và 11/2024; tại TP Đà Nẵng vào tháng 5/2024 và TP Hồ Chí Minh vào tháng 7/2024.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chuyên ngành cũng sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra với nhóm các DN có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, tiếp tục phát huy các giải pháp quản lý đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua, phát hiện và xử lý kịp thời các DN hoạt động biến tướng. Đối với các hình thức biến tướng không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức của người dân trước các biểu hiện của đa cấp biến tướng; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, lực lượng liên quan, đặc biệt là cơ quan công an xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

Nguồn: baothanhhoa

Không có nhận xét nào