Tin giả, tin sai sự thật và trách nhiệm trong từng thao tác “click chuột”
Tin giả, tin sai sự thật đang là vấn nạn đáng lo ngại, nhất là khi nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển với nhiều luồng thông tin chưa được kiểm chứng. Mặc dù khởi phát trên mạng ảo, nhưng tin giả, tin sai sự thật lại được nhiều người quan tâm chia sẻ trên mạng xã hội và đã gây ra những hậu quả tiêu cực thực tế.
Vừa qua, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về một cô gái ở xã Pù Luông, huyện Bá Thước lây nhiễm HIV cho 40 người đàn ông, trong đó có cả khách du lịch. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng huyện Bá Thước đã vào cuộc, xác minh cô gái bị tung tin đồn bị nhiễm HIV là hoàn toàn sai sự thật. Ngay sau đó, Công an huyện Bá Thước đã xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với một cá nhân và triệu tập làm việc với nhiều cá nhân khác để làm rõ hành vi vi phạm. Tại cơ quan Công an, hầu hết người lan truyền thông tin sai sự thật này đều thừa nhận đã không có ý thức kiểm chứng lại nguồn tin.
Người chia sẻ thông tin sai sự thật đã bị xử lý, thế nhưng, tin đồn ác ý đã làm đảo lộn hoàn toàn cuộc sống cá nhân của cô gái trẻ và hình ảnh phát triển “du lịch xanh” của Pù Luông.
Hậu quả là vậy, nhưng thực tế, những tin giả như thông tin cô gái nhiễm HIV ở huyện Bá Thước không phải là chuyện hiếm gặp. Đáng lo ngại nhất là tin giả, tin sai sự thật thường được che đậy khéo léo bằng thủ đoạn lồng ghép thật – giả lẫn lộn, trong cái sai có cái đúng, cái thực tế. Do đó, khi đọc thấy thông tin, người dùng có xu hướng tin và chia sẻ ngay, khiến mức độ phổ biến của thông tin này được mở rộng.
Nhận thức sâu sắc việc phát tán, lan truyền tin giả, tin sai sự thật thông qua mạng xã hội là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất an ninh trật tự và bất ổn xã hội, ngày 22/10/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 35 về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Tại Thanh Hóa, Ban chỉ đạo 35 được thành lập và kiện toàn tại tất cả cơ quan, đơn vị và các địa phương, kịp thời tham mưu tuyên truyền, đấu tranh, bóc gỡ hàng trăm bài viết sai sự thật, hàng chục trang fanpage, facebook, blog cá nhân đăng tải thông tin sai trái. Qua đó, góp phần ổn định tư tưởng trong đội ngũ Đảng viên và quần chúng Nhân dân, củng cố niềm tin của Nhân dân với các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta.
Theo quy định, việc thực hiện các chế tài xử lý hành vi đăng tải, phát tán thông tin giả, tin sai sự thật được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an. Tại Thanh Hóa, Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc trên không gian mạng và có bộ phận thường trực làm nhiệm vụ này. Ngoài ra, Sở cũng đã xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông minh IOC của tỉnh có tích hợp phần mềm phân hệ tổng hợp, phân tích báo chí, mạng xã hội, từ đó cảnh báo kịp thời các thông tin có nguy cơ là thông tin giả, tin sai sự thật.
Ông Nguyễn Xuân Kiên, Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Với chủ trương của Bộ Thông tin và Truyền thông là định danh người dùng mạng xã hội, chúng tôi sẽ tăng cường các giải pháp công nghệ nhằm rà quét, phân tích dữ liệu làm căn cứ xử lý tin giả, tin sai sự thật nhanh chóng; đồng thời phát triển hiệu quả đường dây nóng tố giác hành vi vi phạm và xử lý nghiêm để đảm bảo môi trường mạng xã hội lành mạnh.
Với chức năng nhiệm vụ giám sát diễn biến thông tin trên môi trường mạng, đồng thời làm tốt công tác nắm địa bàn, dự báo tình hình, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có liên quan. Năm 2023 Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Thanh Hóa đã xác minh, làm rõ 5 vụ với 5 đối tượng đăng thông tin xấu, độc, đồng thời hướng dẫn Công an các địa phương xử lý 170 trường hợp lợi dụng mạng xã hội đăng tải tin đồn thất thiệt.
Hiện nay, người dùng internet đang hình thành thói quen đọc lướt, cùng tâm lý dễ tin vào những điều có nhiều người thích hay chia sẻ nên vội vàng đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin mà không cần kiểm chứng, suy xét thấu đáo, nhất là đối với những thông tin “nóng”, gây sốc. Trong khi đó, các nền tảng mạng xã hội không cung cấp đủ công cụ để ngăn chặn, sàng lọc tất cả tin giả. Bởi vậy, để chống tin giả, tin sai sự thật, quan trọng nhất là người dùng cần phải tự xây dựng màng lọc thông tin cho chính bản thân mình.
Theo Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh, Thanh Hóa chia sẻ về cách tin giả, tin sai sự thật thường có tiêu đề giật gân, gây shock, nội dung thông tin mới lạ, tập trung một vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, hai là không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng; ba là nội dung thông tin không rõ, không cụ thể hình ảnh, con người; bốn là hình ảnh thường có dấu hiệu được chỉnh sửa, cắt ghép.
Theo Nghị định 15 của Chính phủ, người có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, thông tin vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị xử phạt hành chính từ mức 5 đến 10 triệu đồng. Trường hợp tung tin mục đích thu lợi bất chính gây thiệt hại cho xã hội số tiền lớn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hình phạt có thể từ 3 tháng đến 7 năm tù, tùy theo tính chất và mức độ của hành vi.
Như vậy, giá phải trả cho một thao tác click chuột sai lầm trên mạng xã hội là không hề rẻ. Vì vậy, mỗi chúng ta hãy là một người chia sẻ thông tin có trách nhiệm./.
Nguồn: Công an Thanh Hóa
Không có nhận xét nào