Hiểm họa khôn lường từ pháo nổ tự chế
Đến hẹn lại lên, cứ đến dịp gần Tết, tình trạng buôn bán pháo lậu, pháo tự chế diễn ra sôi động. Nhiều vụ tai nạn thương tâm từ pháo nổ tự chế xảy ra, nhưng dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh với giới trẻ, nhất là khi trên mạng xã hội tình trạng mua bán tiền chất chế tạo pháo cũng như những clip dạy chế tạo pháo vẫn diễn ra công khai.
Những vụ tai nạn thương tâm
Mới đây, một vụ tai nạn thương tâm do pháo nổ tự chế xảy ra ở Ninh Bình khiến 2 người chết, một người bị thương. Các nạn nhân đều là công nhân được Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1996, trú tại thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) thuê để lắp ngòi nổ, đóng gói thuốc pháo nổ, đóng gói đơn hàng pháo tại gian bếp nhà thuê.
Hiện trường vụ nổ kinh hoàng do chế tạo pháo ở Bắc Giang.
Theo đó, từ ngày 16/11, Nguyễn Văn Linh ký hợp đồng thuê lại nhà của gia đình anh Trần Văn Chính (sinh năm 1987 ở xóm Tây Thổ, xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, Ninh Bình) với mục đích để ở. Tuy nhiên, khi xem trên mạng xã hội, Nguyễn Văn Linh biết cách thức chế tạo pháo nổ nên đã đặt mua thuốc pháo, dây cháy chậm và vỏ pháo trên mạng xã hội, chế tạo pháo để bán. Vào ngày 7/12, sau khi mua nguyên liệu trên mạng xã hội, Nguyễn Văn Linh đã thuê chị M.T.X (sinh năm 1993, trú ở thị trấn Bình Minh, huyện Kim Sơn) và chị T.T.G (sinh năm 1995, trú ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn) về chế tạo pháo để Nguyễn Văn Linh bán.
Khoảng 17h cùng ngày, khi Linh đang ở trong gian phòng ngủ của nhà thuê để thực hiện việc giao dịch đơn hàng trên máy tính (lúc này có cháu P.Đ.P, sinh năm 2019, là con trai của chị G cũng ở đó), thì gian bếp phát nổ. Linh chạy ra kiểm tra thì chứng kiến chị X và chị G đã tử vong; cháu P bị xây xát nhẹ. Nhà cửa, tài sản của gia đình anh Chính và các hộ dân xung quanh bị hư hỏng. Linh sợ hãi lấy xe máy đi về nhà tại thị trấn Bình Minh, sau đó đến trụ sở Công an huyện Kim Sơn để đầu thú. Căn cứ tài liệu thu thập, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kim Sơn đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép vật liệu nổ” và tạm giữ Nguyễn Văn Linh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sáng 3/12 vừa qua, nam sinh lớp 11 là H.L.V ở xã Đồng Cốc (Lục Ngạn, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu. Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã phải huy động một ê kíp gồm 6 chuyên khoa để cấp cứu cho V vì đây là trường hợp chấn thương do pháo nổ rất nặng, thậm chí ban đầu tiên lượng tử vong. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, V may mắn giữ được mạng sống nhưng bị rất nhiều tổn thương trên cơ thể. Xem clip ghi lại hiện trường sau vụ nổ, ai cũng rùng mình. Nạn nhân quằn quại vì đau đớn, sau đó nằm bất động. Sức công phá từ thuốc pháo mạnh đến nỗi căn bếp của gia đình V tan hoang, đồ đạc vỡ ngổn ngang; phần mái sụp xuống, thủng lỗ chỗ. Người nhà V cho biết, V học làm pháo trên mạng rồi mua nguyên liệu về thực hiện và dẫn đến tai nạn.
Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng vụ tai nạn xảy ra tại địa bàn thôn 8, xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) tối 17/11 làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng khiến nhiều người thương xót. Nạn nhân của vụ tai nạn đều ở độ tuổi thanh thiếu niên 15 - 24 tuổi. Điều tra ban đầu, cơ quan chức năng phát hiện chất lưu huỳnh và một số chất liên quan, vụ nổ xảy ra nghi do chế tạo pháo.
Tràn lan hội nhóm, clip mua bán dạy cách chế tạo pháo
Nguy hiểm là vậy nhưng những tai nạn thương tâm do pháo tự chế vẫn tái diễn hằng năm. Vào dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều bệnh nhân lại nhập viện vì pháo nổ, đa số là học sinh bậc THCS, THPT. Một trong những nguyên nhân dẫn đến những tai nạn thương tâm này là do việc mua bán các tiền chất chế tạo pháo hay các clip dạy chế pháo vẫn tràn lan trên mạng xã hội, khiến các em học sinh thích tò mò, khám phá.
Nạn nhân của pháo nổ tự chế.
Dạo quanh trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hàng loạt hội, nhóm trao đổi, mua bán nguyên liệu chế tạo pháo. Có nhóm còn đặt tên công khai như: “Hội mua bán kclo3, natri lưu huỳnh” hoạt động bên cạnh các nhóm riêng tư cũng liên quan đến vấn đề thuốc nổ, kíp nổ. Tại đây, hình ảnh pháo nổ, nguyên liệu chế tạo pháo được rao bán công khai. Hoặc nếu có nhu cầu chỉ cần tham gia vào nhóm là có thể đăng tải thông tin mua các loại thuốc nổ, dây cháy chậm, vỏ pháo… để làm pháo. Thậm chí còn rao bán cả pháo nổ thành phẩm nhập lậu cho ai mua chơi Tết. Thường các tiền chất chế tạo pháo sẽ được bán theo combo giá rẻ hơn, nếu bán lẻ thì kclo3 giá 100 nghìn đồng/1kg, natri 110 nghìn đồng/1kg, lưu huỳnh, than xay mịn 60 nghìn đồng/1kg. Nếu khách hàng chưa biết pha trộn, người bán sẵn sàng bán sẵn theo tỉ lệ trộn của từng loại pháo, phụ thuộc vào nhu cầu của khách.
Trên YouTube xuất hiện nhiều clip hướng dẫn cụ thể công thức, trộn hóa chất để tạo hiệu ứng nổ, tiếng hú, tiếng rền của viên pháo. Từ pháo hoa, pháo que bông, pháo trứng cho đến pháo cối, pháo dàn, pháo bi… đều được hướng dẫn tỉ mỉ. Theo đó, người xem không khó để thực hiện với từng loại pháo. Từ cách chuẩn bị nguyên liệu, nén pháo, dồn pháo cho đến đốt pháo… Để minh chứng cho chất lượng pháo, tay nghề làm pháo, các chủ kênh còn quay video thực hiện nổ pháo ngoài trời. Sau khi đăng tải đã nhận được hàng trăm lượt bình luận, trao đổi về cách làm pháo nổ để đạt chất lượng cao nhất.
Trên YouTube, một tài khoản B.V đăng rất nhiều clip với nội dung test (thử) sức mạnh của các loại pháo, pháo chế khác nhau bằng cách cho nổ cây cối, nón bảo hiểm... Những clip này thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Điều đáng nói, dù chủ tài khoản chỉ đăng clip với lý do “mình rảnh, nghịch nghịch vui vui nên đốt pháo”, “đón bình minh bằng mấy quả pháo”... nhưng thực chất là cách rủ rê nhau đốt pháo nổ. Trong khi trong một video đốt pháo người này còn ghi rõ: “Mọi người muốn công thức thuốc và cách làm thì để lại bình luận nhé”.
Trong nội dung một kênh hoàn toàn về pháo, có những thông tin hướng dẫn người khác chế pháo với lời tự giới thiệu là “kênh làm đồ chơi Tết mới nhất 2024”, chỉ mang tính chất giải trí và không khuyến khích làm theo dưới mọi hình thức. Nhưng bên dưới video không quên để lại email liên hệ quảng cáo. Nhiều tài khoản tạo nội dung về các công thức chế tạo thuốc nổ mạnh nhẹ khác nhau để... chơi Tết 2024, bên dưới là những bình luận rôm rả của nhiều thành viên. Hầu như tất cả đều coi đó là một thú chơi, thú vui ngày Tết mà không hề nghĩ rằng đó là hành vi bị cấm.
Trên TikTok, nhiều tài khoản đăng quảng cáo bán phân bón dùng cho nông nghiệp. Thế nhưng thực chất là các nguyên liệu dùng cho việc chế thuốc nổ làm pháo chế. Khi có người hỏi: “Có làm pháo được không?”, chủ tài khoản khẳng định chắc nịch, “làm được chứ” và không quên để lại công thức chế pháo và cho rằng đây là “tỉ lệ an toàn nhất, dễ chơi, dễ nổ”.
Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ nổ do pháo tự chế ở Ninh Bình.
Một cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Cầu Giấy nhận định, pháo tự chế có thành phần hóa học rất đa dạng và dễ dàng mua ở các cửa hàng bán hóa chất như lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon, nên nhiều người tự chế pháo, gây tai nạn. Công thức chế tạo pháo hiện nay được chia sẻ nhiều trên mạng, tuy nhiên người chơi thường không kiểm soát được chất lượng, hàm lượng. Đa số người chế tạo pháo đều tiếp xúc gần trong khi đó các chất chế tạo pháo có thể gây cháy nổ bất cứ lúc nào, ví dụ lúc đang chế tạo pha trộn chịu ảnh hưởng ma sát, tia lửa điện hay va đập, bắt lửa khi vận chuyển. Do đó khi phát nổ sẽ bị tổn thương nặng ở vùng mặt, mắt, tay, cổ, ngực... Vết bỏng nặng sẽ gây nhiễm độc và để lại nhiều di chứng thẩm mỹ như sẹo xấu, sẹo co kéo, nặng hơn là ảnh hưởng tới cơ, xương... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp. Ngoài ra, nạn nhân khi bị bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo…
Điều đáng nói, dù nguy hiểm là vậy và cơ quan chức năng đã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo nhưng thực trạng hiện nay một số thanh thiếu niên vẫn tự chế pháo nổ, nhất là vào thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Ngày 5/12/2023, Công an xã Sơn Phú (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) vừa phát hiện 4 học sinh (đang học THCS) có hành vi mua bán các tiền chất gây nổ trên mạng xã hội để chế tạo pháo nổ.
Tại cơ quan Công an, các học sinh này thừa nhận thường xuyên theo dõi các video hướng dẫn chế tạo pháo nổ. Sau đó, thông qua các kênh bán hàng điện tử và mạng xã hội, 4 học sinh đã tìm mua hóa chất, vật liệu để chế tạo pháo nổ theo hướng dẫn của video. Bước đầu, lực lượng công an đã thu giữ 1,2kg tiền chất thuốc nổ, 6 quả pháo tự chế, 3m dây cháy chậm. Công an đã lập hồ sơ xử lý vụ việc, đồng thời phối hợp với gia đình và nhà trường có biện pháp xử lý học sinh vi phạm.
Trước đó, ngày 23 và 24/11, Công an huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã phát hiện 9 trường hợp trong độ tuổi học sinh có liên quan đến hành vi tàng trữ, chế tạo pháo. Các học sinh này khai nhận đã đặt mua hóa chất, công cụ trên mạng về sau đó tự chế pháo hoa. Lực lượng chức năng đấu tranh mở rộng và phối hợp với nhà trường, gia đình trong quản lý, giáo dục, răn đe các em.
Việc chế tạo, sản xuất, sử dụng nổ trái phép là hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự. Ở độ tuổi học sinh các em thường tò mò, thích khám phá, học đòi bắt chước trên mạng và tập tành thử sức sáng tạo. Trong khi có sẵn các clip hướng dẫn chế thuốc, làm pháo nổ trên mạng Internet; nhiên liệu rất dễ kiếm, có thể đặt mua qua mạng rồi về chế tạo pháo tại nhà.
Hậu quả các vụ nổ do pháo tự chế rất nghiêm trọng, nhẹ thì ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe; nặng thì không giữ được tay chân, thương tật, mất thị lực, tàn phế suốt đời. Đau lòng hơn là có nạn nhân tử vong khi đang ở lứa tuổi học sinh, để lại nỗi buồn đau không nguôi cho người thân.
Hiện nay, các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không buôn bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ đã được lực lượng Công an triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải có sự vào cuộc đồng bộ, sát sao hơn nữa của xã hội, nhà trường, đặc biệt là gia đình trong quản lý, giáo dục con em mình để tránh những sự việc đáng tiếc do pháo nổ gây ra.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào