Việt Nam chủ động, tích cực trong triển khai thực thi Công ước chống tra tấn
Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước Liên hợp quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn hoặc Công ước CAT), Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả công ước, từ đó, đạt được những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ngày 20/11, tại TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, Ban soạn thảo Báo cáo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về thực thi Công ước CAT (Báo cáo CAT 2) tổ chức Hội thảo Tham vấn ý kiến rộng rãi của các cơ quan Chính phủ, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và người dân về dự thảo Báo cáo CAT 2. Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại, Bộ Công an chủ trì hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham dự của đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Viện KSND tối cao, Liên đoàn luật sư Việt Nam, TAND và Viện KSND các tỉnh, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; đại diện nhiều sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế....
Công ước CAT chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 7/3/2015. Từ đó đến nay, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi công ước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc bảo đảm các quyền con người được cộng đồng quốc tế công nhận, trong đó có Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước CAT. Từ khi trở thành thành viên đến nay, Việt Nam đã nộp 2 báo cáo lên Ủy ban Chống tra tấn (Ủy ban CAT), đó là Báo cáo CAT 1 (nộp năm 2017) và Báo cáo giữa kỳ (nộp năm 2020).
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ nêu rõ, nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, Việt Nam không ngừng nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả công ước, từ đó đạt được những thành tựu được cộng đồng quốc tế ghi nhận, trong đó bao gồm cả việc Báo cáo về thực thi công ước.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, để chuẩn bị cho kỳ báo cáo lần này, Ban soạn thảo báo cáo do Bộ Công an chủ trì hoàn thiện dự thảo báo cáo và nhiều lần lấy ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cập nhật thông tin, số liệu và các nội dung của báo cáo. Đến nay, dự thảo báo cáo và các phụ lục cơ bản hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu về nội dung và hình thức. Báo cáo đã được Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) đăng công khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Công an từ tháng 9/2023.
Trình bày tóm tắt nội dung của dự thảo báo cáo, đại diện Tổ Thư ký xây dựng Báo cáo CAT 2 chỉ ra rằng, trên cơ sở nghiên cứu kỹ các khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn (Ủy ban CAT), Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia để tăng cường thực hiện hiệu quả Công ước CAT trên phạm vi toàn quốc. Việt Nam đã ban hành hơn 56 luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Để triển khai thi hành các luật, Việt Nam tiếp tục ban hành hơn hàng trăm văn bản hướng dẫn nhằm chuẩn hóa các quy trình, công khai các quy định, bổ sung các chế định nhằm ngăn ngừa các hành vi tra tấn, bảo vệ những người có nguy cơ bị tra tấn cũng như hỗ trợ tốt hơn cho những nạn nhân của hành vi tra tấn.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn; mở nhiều chuyên mục, đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phổ biến, giải đáp pháp luật liên quan đến nội dung Công ước CAT và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn trên các phương tiện thông tin truyền thông, các chương trình phát thanh, truyền hình, mạng xã hội...
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về: Bố cục, cách thức trình bày Báo cáo CAT 2; viện dẫn các quy định của các bộ luật, các luật và các văn bản dưới luật, các thông tin, số liệu liên quan; chia sẻ các nội dung, số liệu trong dự thảo báo cáo cần sửa đổi, bổ sung; cung cấp các nguồn thông tin, số liệu để Ban Soạn thảo CAT 2 bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện.
Hội thảo lần này nhằm tham vấn ý kiến của các chuyên gia để việc xây dựng Báo cáo CAT 2, vừa đáp ứng các yêu cầu về chính trị, đối nội vừa phù hợp với các yêu cầu của quốc tế; đồng thời để các đại biểu hiểu rõ hơn về các nỗ lực của Việt Nam trong triển khai Công ước CAT.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào