MKRdezign

TIN MỚI

“Hòa bình và tự vệ”: Tầm nhìn chiến lược và đúng đắn trong đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam

Đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta trong các thời kỳ cách mạng. Đường lối đó đã được khẳng định và thực hiện nhất quán, phù hợp với thực tiễn nước ta cũng như thế giới. Mọi âm mưu tuyên truyền của các thế lực thù địch, phản động hòng bóp méo, xuyên tạc đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam đều thể hiện sự sai lầm, phiến diện, thiếu căn cứ.

Các chiến sĩ tuần tra bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. (Ảnh: TTXVN)
NHỮNG LUẬN ĐIỆU LẠC LÕNG, XUYÊN TẠC ĐƯỜNG LỐI QUỐC PHÒNG - AN NINH CỦA VIỆT NAM

Thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Chúng ta đã khẳng định rất rõ và thể hiện mong muốn, quyết tâm trong việc phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời, tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn tính chất cơ bản của nền quốc phòng - an ninh Việt Nam là “hòa bình và tự vệ”.

Tuy vậy, bất chấp sự thật đó, nhiều cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí, thù địch, phản động vẫn ra sức tuyên truyền, rêu rao, tung tin thất thiệt, hòng dẫn dắt dư luận cả trong  và ngoài nước hướng vào ý đồ của họ. Họ cố tình phủ nhận những thành tựu của đất nước, tỏ vẻ quan tâm, lo lắng khi hiện nay, thế giới có những biến chuyển sâu sắc và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã tác động mạnh mẽ đến an ninh của các quốc gia và quốc tế. Từ đó, họ rêu rao rằng, Việt Nam “không thể” giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bởi theo họ, khả năng và sức mạnh tổng hợp quốc gia, sức mạnh quân sự, an ninh của Việt Nam hiện nay là “quá yếu” và “lạc hậu”, không đủ sức để tự bảo vệ. Họ “khuyên” Việt Nam nên “liên minh”, “chọn bên”, dựa vào nước lớn có thực lực quân sự, an ninh mạnh để nhận được sự bảo trợ, kể cả cung cấp, trang bị vũ khí; đưa lực lượng quân đội, an ninh đến trợ giúp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo quốc gia; rằng “chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc”?!

Ở một chiều cạnh khác, họ rêu rao rằng đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” của Việt Nam rất “mơ hồ”, “không rõ ràng quan điểm” và “phi thực tế”. Thậm chí, họ nhấn mạnh đây là “đối sách nhu nhược”, là “hành động tự trói”, không phù hợp với xu thế hiện nay. Đối với cuộc xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam luôn thể hiện quan điểm, lập trường rõ ràng, xuyên suốt, đó là kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, và điều này được thể hiện qua những lần Việt Nam bỏ phiếu thông qua các nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine. Nhưng một số kẻ lại trắng trợn xuyên tạc rằng, Việt Nam phản đối sử dụng vũ lực, nhưng không bỏ phiếu ủng hộ; Việt Nam vì lợi ích mà bỏ qua “công lý và đạo lý”, khiến nhiều người “phải suy nghĩ lại” về lập trường chọn chính nghĩa của Việt Nam(!). Cá biệt, có luận điệu rêu rao rằng, Việt Nam đang thể hiện quan điểm theo kiểu “chung chung”, rằng Việt Nam ngụy tạo về “đứng về lẽ phải, công lý”... Họ tung tin thất thiệt, suy diễn thiếu căn cứ rằng Việt Nam, một mặt, nói là tự vệ; mặt khác, lại đang đẩy mạnh các hoạt động tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, hiện đại hóa lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang với việc trang bị nhiều loại vũ khí để dụng ý răn đe, đe dọa, chống lại một nước thứ ba. Từ đó, họ quy kết Việt Nam khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vựctạo nguy cơ bất ổn trong khu vực.

Thực chất của những luận điệu phiến diện, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị khi xuyên tạc đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam là hòng phủ nhận đường lối quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước ta, với dã tâm muốn phá vỡ nguyên tắc nền quốc phòng - an ninh tự chủ, tự lực, tự cường của một quốc gia độc lập, có chủ quyền, hòng làm suy yếu nền quốc phòng - an ninh của Việt Nam, dẫn đến sự lệ thuộc vào các lực lượng bên ngoài, gây nên những hệ quả xấu tới sức mạnh, chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia của Việt Nam. Mặt khác, họ mưu toan hướng lái Việt Nam vào tình thế đối đầu với nước khác để chia rẽ, làm mất lòng tin, phủ nhận truyền thống yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo của dân tộc Việt Nam cũng như thiện chí và sự đóng góp của Việt Nam trong thúc đẩy hòa bình trên thế giới.

SỰ NHẤT QUÁN VÀ TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC TRONG ĐƯỜNG LỐI QUỐC PHÒNG - AN NINH "HÒA BÌNH TỰ VỆ" CỦA VIỆT NAM

Cho dù các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị liên tục công kích, song sự thật vẫn là sự thật, Việt Nam luôn khẳng định sự nhất quán đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” và thực hiện một cách nghiêm túc, có trách nhiệm. Đây là sự thể hiện tầm cao trí tuệ, đúc kết tài thao lược quân sự, quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, phù hợp với thực tiễn đất nước cũng như bối cảnh quốc tế. Đồng thời, thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta; khẳng định sự nhất quán và tầm nhìn chiến lược nhằm triệt tiêu hoàn toàn mầm mống chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng để bảo đảm hòa bình thực sự không chỉ đối với Việt Nam, mà còn đối với các quốc gia khác trên thế giới.

Đối với Việt Nam, “hòa bình” là sự bình an, ổn định và phát triển, không để xảy ra xung đột giữa các quốc gia, không có chiến tranh, khủng bố, cướp bóc; con người được sống một cuộc sống an ninh, an toàn, yên bình và hạnh phúc. Hơn nữa, “hòa bình” còn là khát vọng, là giá trị thiêng liêng, là mục tiêu của cả dân tộc Việt Nam. Là quốc gia đã phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh tự vệ, chịu nhiều đau thương, mất mát, khi Tổ quốc bị xâm lăng, hòa bình bị hủy hoại, hơn ai hết, người Việt Nam thấu hiểu sâu sắc giá trị của hòa bình, mong muốn duy trì và quyết tâm gìn giữ hòa bình đất nước, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh, lợi ích quốc gia - dân tộc. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân, xây dựng môi trường thuận lợi để phát triển, nhưng phải gắn với bảo vệ hòa bình, và hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước”(1). Vì vậy, Việt Nam luôn mong muốn thế giới, khu vực, mọi quốc gia, dân tộc đều được hưởng hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc. Đường lối quốc phòng - an ninh mang tính chất chính nghĩa, hòa bình và tự vệ đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định nhất quán. “Hòa bình” ở đây là không “mơ hồ, ảo tưởng”, “phi thực tế” như giọng điệu lạc lõng mà các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã rêu rao. “Hòa bình” không chỉ là thông điệp, mà còn là cam kết của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam gửi đến các quốc gia trên thế giới, với phương châm “chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân”(2), đồng thời, “giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”(3) và “không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế”(4). Điều đó càng thể hiện sự yêu chuộng hòa bình, nhân văn, nhân đạo và thiện chí của Việt Nam. Đường lối đó không chỉ góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước, mà còn đập tan mọi âm mưu, hành động chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

“Tự vệ” trong đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam là “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”, “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(5), “nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh”(6). Mục tiêu xuyên suốt của đường lối quốc phòng - an ninh Việt Nam là “bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(7). Việt Nam cam kết và đã thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ quốc tế cao cả, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng, hợp tác phát triển chung của khu vực và thế giới bằng những hành động cụ thể, thiết thực với phương châm “thêm bạn, bớt thù”. Điều đó cho thấy, sự thật hoàn toàn trái ngược với luận điệu rêu rao, xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động.

Trong thời gian qua, Việt Nam chủ trương “xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”(8), theo đó hiện đại hóa vũ khí, trang bị, xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng để bảo vệ Tổ quốc đúng như tinh thần của đường lối quốc phòng “bốn không” của Việt Nam, không nhằm dụng ý răn đe sử dụng vũ lực hay sử dụng vũ lực chống lại nước khác. Mặt khác, Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh không đơn thuần là mua sắm, sản xuất, hiện đại hóa vũ khí trang bị, mà còn nâng cao sức mạnh quốc phòng - an ninh trên nhiều phương diện; xây dựng tiềm lực quốc phòng - an ninh theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khả năng tác chiến và trình độ, năng lực của lực lượng vũ trang cách mạng. Trước các cuộc xung đột, đối đầu diễn ra trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam luôn lên án, phản đối các hành động gây hấn, tạo cớ, xung đột, chạy đua vũ trang, với quan điểm không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tránh những va chạm không cần thiết, không để các đối tượng nước ngoài khiêu khích, kích động, thỏa hiệp xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc hoặc lôi kéo, khống chế, gây sức ép với nước khác phát động chiến tranh; kiên quyết đấu tranh, kiên trì giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, dù Việt Nam chủ trương không đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh quân sự trước trong quan hệ quốc tế, nhưng Việt Nam sẵn sàng và kiên quyết giáng trả mọi hành động xâm lược, phá hoại an ninh quốc gia với phương châm “nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình”(9).

Như vậy có thể khẳng định, “hòa bình và tự vệ” là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong đường lối quốc phòng - an ninh; cho thấy tầm nhìn chiến lược của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với các vấn đề an ninh khu vực và thế giới, gắn với thực tiễn cùng những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt về quốc phòng - an ninh, đặc biệt là trong bối cảnh sự tranh giành ảnh hưởng, cạnh tranh chiến lược ngày càng sâu sắc, các hoạt động tập hợp lực lượng giữa các nước lớn theo xu hướng phân cực và tối đa hóa quyền lực tiếp tục được đẩy mạnh, nhiều quốc gia đã bị cuốn vào vòng xoáy, nhất là các nước vừa và nhỏ đang chịu tác động của lực “kéo - đẩy” ngày càng mạnh từ cuộc cạnh tranh này. Do vậy, để giữ vững độc lập, tự chủ, vừa giữ được mối quan hệ, vừa tránh bị cuốn vào “cuộc chơi” giữa các nước lớn, đòi hỏi sự xử lý hài hòa, cân bằng mối quan hệ nước lớn trên cơ sở bảo đảm lợi ích quốc gia - dân tộc. Điều đó càng cho thấy tầm nhìn chiến lược và sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ”. Đề cập đến vấn đề này, nhiều học giả, chuyên gia nước ngoài đã đánh giá cao về đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam. Tiến sĩ Olli Pekka Suorsa thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore (RSIS) nhận định: Chính sách “bốn không” của Việt Nam tăng thêm sự minh bạch và giúp xây dựng lòng tin trong khu vực và quốc tế. Còn theo Tiến sĩ Collin Koh Swee Lean, Việt Nam mong muốn thể hiện chính sách quốc phòng hòa bình, không chỉ giúp khẳng định lợi ích quốc gia - dân tộc Việt Nam, mà còn cho thấy Việt Nam là một đối tác có tinh thần xây dựng đối với an ninh khu vực và quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam gia tăng hợp tác quốc phòng với các nước(10).

Thực tiễn cho thấy, Việt Nam luôn nỗ lực thực thi đúng đắn đường lối quốc phòng - an ninh đã đề ra. Việt Nam đã và đang thực hiện những hành động thiết thực và cụ thể để xây dựng môi trường hòa bình không chỉ cho đất nước Việt Nam, mà còn đối với khu vực và thế giới. Đường lối quốc phòng - an ninh mà Việt Nam đang thực hiện là nhằm bảo vệ đất nước, giữ nước “từ sớm, từ xa”, “từ khi nước chưa nguy”, sẵn sàng chống chiến tranh xâm lược, vì hòa bình, an ninh, an toàn và phát triển. Việt Nam tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh cũng chính là yếu tố để tự vệ, không ngoài mục đích giữ gìn hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, đồng thời góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. Trong quan hệ đối ngoại, Việt Nam luôn kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, bình đẳng, cùng có lợi; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Minh chứng rõ nét nhất là việc Việt Nam đã cử sĩ quan liên lạc công tác ở Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cử lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi... Đối với Việt Nam, hòa bình, ổn định và phát triển không tách rời hòa bình của khu vực và thế giới, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “giữ gìn hòa bình thế giới tức là giữ gìn lợi ích của nước ta”(11). Trước sự đối đầu giữa các nước, nhất là các nước lớn, Việt Nam không đứng về bên nào, Việt Nam đứng về lẽ phải và chính nghĩa, Việt Nam tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đối với Việt Nam, việc sử dụng vũ lực và liên minh quân sự không phải là phương thức tối ưu trong bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong giải quyết những bất đồng, Việt Nam luôn thực hiện hiệu quả đấu tranh hòa bình, trong đó sử dụng tổng hợp các biện pháp, như đấu tranh chính trị, đấu tranh pháp lý, đấu tranh bằng phương tiện truyền thông và dư luận xã hội trong nước cũng như quốc tế, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình ngoài thực địa... Song song với các biện pháp đấu tranh hòa bình, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chủ động đề ra kế sách bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; chủ động nhận diện, ngăn ngừa, triệt tiêu những nhân tố bất lợi, tiềm ẩn nguy cơ trở thành xung đột. Cùng với đó, các lực lượng vũ trang luôn đề cao cảnh giác, không để bị bất ngờ, thụ động; nhanh chóng, kịp thời phát hiện mọi âm mưu của nước ngoài đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực xâm phạm chủ quyền, an ninh đất nước. Nếu điều đó xảy ra thì Việt Nam sẽ sử dụng quyền tự vệ chính đáng của mình bằng tất cả sức mạnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình kết hợp sức mạnh của thời đại để đánh bại mọi âm mưu, quy mô, hình thái chiến tranh từ kẻ thù, bảo vệ vững chắc chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính nhờ đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” mà Việt Nam, một mặt, tiếp tục mở rộng quan hệ quốc tế; mặt khác, vẫn kiên định không tham gia liên minh quân sự hay liên kết với quốc gia này chống quốc gia khác. Hiện tại, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, nền văn hóa và lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh để phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, không để nảy sinh xung đột và xảy ra chiến tranh. Quan hệ ngoại giao của Việt Nam “phủ sóng” tới 189 trong tổng số 200 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước, cùng 13 nước đối tác toàn diện; là nước duy nhất tại khu vực Đông Nam Á xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn(12), góp phần định vị vững chắc hơn vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn trong bối cảnh cục diện khu vực, thế giới có nhiều biến đổi; có quan hệ đặc biệt với Lào, quan hệ hợp tác toàn diện với Campuchia; xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với những nước có vai trò quan trọng ở các khu vực khác, như châu Phi, Mỹ La-tinh... Có thể nói, đây là điều chưa từng có tiền lệ với Việt Nam; là cơ hội thuận lợi để Việt Nam ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột, chiến tranh, duy trì hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thăm Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam tại Phái bộ UNISFA (khu vực Abyei). (Ảnh: Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)

TIẾP TỤC KIÊN ĐỊNH, KIÊN TRÌ ĐƯỜNG LỐI QUỐC PHÒNG - AN NINH "HÒA BÌNH TỰ VỆ" TRONG BỐI CẢNH MỚI

Từ thực tiễn gần 40 năm đổi mới, trước tình hình thế giới, khu vực thường xuyên có những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đã và đang đặt ra những thách thức mới. Vì vậy, kiên định, kiên trì đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ” trong bối cảnh mới là vấn đề hết sức quan trọng, cần tiếp tục được quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc. Muốn vậy, thời gian tới cần thực hiện tốt một số biện pháp sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ”, tạo sự thống nhất cao nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm củng cố vững chắc lòng tin vào sự lãnh đạo, chỉ đạo và những quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trong giải quyết các tình huống xảy ra. Thực hiện giải pháp này, các cấp, các ngành, các lực lượng cần đa dạng những hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục; mở rộng đối tượng tham gia, chú trọng luận giải rõ vì sao phải gắn kiên định với kiên trì đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ”. Chống tư tưởng chần chừ, do dự hoặc nóng vội, chủ quan, thiếu cân nhắc, tính toán, dẫn đến những ứng xử sai lầm, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai là, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ diễn biến hết sức nhanh chóng, phức tạp, khó đoán định của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, các thách thức an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống nảy sinh, sự gia tăng chống phá của các thế lực thù địch, phản động,... công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược cần quán triệt sâu sắc quan điểm Đại hội XIII của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI, Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, đó là: “Nâng cao năng lực dự báo chiến lược; giữ vững thế chủ động chiến lược; không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống”(13). Việc nghiên cứu, dự báo phải hướng vào tư duy, phân tích những động thái, biểu hiện mang tính “bất thường” của các nước có liên quan, nhất là những điều chỉnh về chiến lược quốc phòng - an ninh, đối ngoại và sự thay đổi bố trí lực lượng của các nước lớn, từ đó dự kiến những “kịch bản”, phương án đối phó chính xác, kịp thời. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, các lực lượng liên quan trong nước và quốc tế để nắm bắt, thu thập, cung cấp, trao đổi thông tin, trên cơ sở đó nghiên cứu, dự báo và tham mưu kịp thời, chính xác. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu chiến lược bảo đảm đủ năng lực khai thác, phân tích và xử lý thông tin; kết hợp nâng cấp với đầu tư mua sắm bảo đảm cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong thực hiện đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ”. Lực lượng vũ trang giữ vai trò nòng cốt để vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động. Vì thế, cần phát huy đầy đủ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, của quân đội nhân dân và công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường khả năng phòng thủ, giữ vững môi trường an ninh, an toàn và duy trì cơ quan, đơn vị sẵn sàng chiến đấu cao; chủ động nghiên cứu, nắm vững, đánh giá, dự báo chính xác các tình huống chiến lược, có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển của Tổ quốc; đẩy mạnh công tác đối ngoại quốc phòng - an ninh, xây dựng lòng tin chiến lược, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, nhất là ở các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tôn giáo, dân tộc, các mục tiêu, tuyến, lĩnh vực, địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh, “xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân”(14).

Bốn là, tăng cường hợp tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại, góp phần nâng cao thế và lực để thực hiện đường lối quốc phòng - an ninh “hòa bình và tự vệ”. Hội nhập về quốc phòng - an ninh, đối ngoại là quan điểm nhất quán của Đảng ta và đã trở thành một bộ phận quan trọng trong tiến trình xây dựng, phát triển đất nước. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” và các nghị quyết có liên quan; tăng cường hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh, đối ngoại, phát huy các cơ chế hợp tác song phương, đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, phát huy hiệu quả sự đồng thuận của các quốc gia trong Cộng đồng ASEAN, tăng cường mối quan hệ với các nước trên thế giới. Hội nhập về quốc phòng - an ninh, đối ngoại cần gắn kết chặt chẽ với hội nhập về kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc.

Năm là, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tranh thủ sự giúp đỡ và đồng tình, ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc trong đường lối cách mạng của Đảng ta, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”(15). Vì vậy trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả hơn nữa Nghị quyết; tăng cường hợp tác tạo thế đan cài lợi ích với các nước, nhất là các nước lớn, các đối tác chiến lược, các nước láng giềng và các nước trong khu vực; tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc.

“Hòa bình và tự vệ” trong đường lối quốc phòng - an ninh của Việt Nam là quan điểm nhất quán, thể hiện tầm nhìn chiến lược và sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước tình hình mới. Nhận thức đúng đắn về quan điểm này là cơ sở để phản bác, đập tan các luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, bôi nhọ đường lối quốc phòng - an ninh của Đảng, Nhà nước ta, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị và nhân dân, thực hiện hiệu quả, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp quốc gia, vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong thực tiễn bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, mạnh, bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

Nguồn: tuyengiao.vn

Không có nhận xét nào