Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại
Thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, lượng hàng hóa lớn và là nơi tập trung đông người khiến cho các chợ, trung tâm thương mại có nguy cơ cháy nổ cao trong mùa hè. Do đó, việc thường xuyên kiểm tra, rà soát, chủ động phòng ngừa nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ luôn được Ban Quản lý các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị quan tâm thực hiện...
Chợ Tây Thành, phường Tân Sơn, TP.Thanh Hóa có diện tích 6.300m2, gồm 400 hộ kinh doanh với hơn 500 ki-ốt được tập trung nhiều loại hàng hóa, trong đó có nhiều mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ cao vì thế công tác phòng cháy luôn được Ban Quản lý (BQL) chợ Tây Thành quan tâm.
Ông Lê Viết Đang, Trưởng BQL chợ Tây Thành cho biết để chủ động phòng cháy, đơn vị đã phối hợp với các hộ kinh doanh trang bị 394 bình cứu hỏa cho từng gian hàng, đồng thời luôn duy trì lực lượng chữa cháy thường trực 24/24 giờ. Bên cạnh đó, BQL chợ thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các tiểu thương bày bán hàng hóa gọn gàng, không được chiếm dụng lối đi, lối thoát hiểm và nâng cao ý thức về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trong quá trình kinh doanh. Hằng năm BQL đều phối hợp với Công an TP.Thanh Hóa và lực lượng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ năng PCCC cho các lực lượng chữa cháy tại chỗ, kịp thời ứng phó với các sự cố về cháy nổ có thể xảy ra. BQL chợ cũng phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức PCCC cho bà con tiểu thương, người tới mua sắm. Nhờ vậy, phần lớn các tiểu thương đều nêu cao tinh thần chủ động trong công tác PCCC.
Tất cả các hộ kinh doanh trong chợ đều tuân thủ nghiêm các quy định PCCC. Mỗi ki-ốt đều phải trang bị một bình cứu hỏa cầm tay, thường xuyên được kiểm tra chất lượng bình. Đồng thời, thực hiện đúng quy định, khi đóng cửa ki-ốt phải cắt hết các nguồn điện để phòng chống cháy, nổ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình cũng như tài sản của các hộ kinh doanh khác - Ông Lê Ngọc Lương, một tiểu thương chợ Tây Thành cho biết thêm.
Tại Siêu thị Co.opmart, phường Điện Biên, TP.Thanh Hóa, các trang thiết bị PCCC đã được lắp đặt theo quy định. Tuy vậy, trong những thời điểm nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy nổ nên siêu thị luôn chủ động phòng cháy, sẵn sàng các phương án chữa cháy.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho lực lượng PCCC tại chỗ, chuẩn bị các phương án chữa cháy, đảm bảo có thể chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ. Cùng với đó là đầu tư hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, phương tiện chữa cháy xách tay, các họng nước chữa cháy đặt ở những vị trí thuận tiện cho việc thao tác khi xảy ra cháy. Các nhân viên thường xuyên kiểm tra tình hình hoạt động của trang thiết bị PCCC và các cửa thoát hiểm đảm bảo hoạt động trong điều kiện tốt nhất. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tại siêu thị chưa có sự cố cháy nổ nào xảy ra”.
Để đảm bảo an toàn cháy nổ tại các các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra định kỳ, đột xuất công tác PCCC và CNCH tại 265 chợ; 386 siêu thị, trung tâm thương mại, siêu thị điện máy... Qua kiểm tra đã đình chỉ hoạt động 7 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 73 trường hợp, phạt tiền hơn 482 triệu đồng; thực hiện tuyên truyền trực tiếp cho 1.064 lượt, phát 17.785 cuốn cẩm nang và tài liệu tuyên truyền về PCCC đối với các tiểu thương hoạt động tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các chủ cửa hàng, nhà hàng trên địa bàn tỉnh, xây dựng 56 mô hình tuyên truyền công tác PCCC trên hệ thống màn hình LED tại các cơ sở siêu thị điện máy...
Thượng tá Lê Như Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết: Đối với các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần xác định công tác PCCC lấy phòng là chính; nếu làm tốt công tác phòng cháy thì sẽ giảm được công tác chữa cháy, bởi thời điểm “vàng” chữa cháy chỉ có 5 phút. Vì vậy, cần thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong công tác PCCC (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ)... Ngoài ra, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại cần thực hiện tốt chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, thiết bị PCCC được trang bị, tập trung phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và xử lý các tình huống cháy, nổ giả định cho tiểu thương... Thường xuyên tự kiểm tra, đánh giá để kịp thời phát hiện những hạn chế, tồn tạị trong công tác PCCC để khắc phục...
Nguồn: Công an Thanh Hóa
Không có nhận xét nào