MKRdezign

TIN MỚI

Bảo đảm quyền con người trong các hoạt động vì cộng đồng

Thực tế, không riêng tại Việt Nam, mặt trái của các tổ chức, hội nhóm xã hội đang là một vấn đề nóng được chính phủ nhiều quốc gia quan tâm, nhận diện khi tình trạng một số cá nhân đại diện cho các tổ chức này vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý hình sự ngày càng gia tăng và phổ biến. Bởi lẽ dù các hoạt động điều tra, xét xử đều được tiến hành minh bạch trên tinh thần thượng tôn pháp luật nhưng vẫn vấp phải sự xuyên tạc, chống đối từ các tổ chức cực đoan, tự cho mình quyền giám sát, bảo vệ nhân quyền.

Các nhà hoạt động môi trường ném sơn vào lối vào nhà hát opera La Scala nổi tiếng của Milan. (Ảnh: AFP)
Các nhà hoạt động môi trường ném sơn vào lối vào nhà hát opera La Scala nổi tiếng của Milan. (Ảnh: AFP)

Thời gian qua, các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã ghi nhận một số cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động xã hội, từ thiện để gian lận tài chính, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền ước tính có thể lên đến hàng trăm nghìn USD. Theo đó, ngày 31/5/2023, ba nhà hoạt động ở Atlanta (Hoa Kỳ) bị bắt vì cáo buộc rửa tiền và lừa đảo từ thiện.

Theo cơ quan điều tra bang Geogia, ba thành viên của Quỹ Đoàn kết Atlanta là Marlon Scott Kautz, Savannah D. Patterson và Adele MacLean đã gian lận số tiền mà họ quyên góp để bảo lãnh và thuê luật sư cho các bị can tham gia vụ bạo loạn xảy ra tại trung tâm huấn luyện cảnh sát và lính cứu hỏa Atlanta đầu năm nay.

Các điều tra viên cũng cho biết, họ tìm thấy bằng chứng liên quan của cả ba bị can này với các tội phạm tài chính, không liên quan hoạt động tài trợ người biểu tình của Quỹ Đoàn kết Atlanta.

Trước đó, ngày 10/3, các công tố liên bang Hoa Kỳ đã buộc tội lừa đảo đối với Monica Cannon-Grant và Clark Grant, những người thành lập tổ chức Bạo lực ở Boston (Violence of Boston - hội được xây dựng với mục đích chống các hành vi bạo lực, phân biệt đối xử với người da màu tại Boston), nâng tổng tội danh mà họ phải đối mặt lên con số 27.

Tổ chức của Cannon-Grant được thành lập từ năm 2017 nhưng chỉ thật sự nổi lên sau các hoạt động tưởng niệm George Floyd, công dân Mỹ gốc Phi bị sát hại ngày 25/5/2020. Trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, Cannon-Grant và Clark Grant đã nhận được khoảng 54.000 USD quỹ cứu trợ đại dịch, nhưng đã rút 30.000 USD để thanh toán khoản vay mua ô-tô và hóa đơn bảo hiểm ô-tô.

Họ cũng bị cáo buộc về hành vi lừa gạt Văn phòng ổn định nhà ở của Boston để nhận được 12.600 USD hỗ trợ tiền thuê nhà; nộp hồ sơ giả để chiếm đoạt số tiền hỗ trợ thất nghiệp lên đến 145.269 USD.

Nguy hiểm hơn, tại một số quốc gia châu Âu, nhiều tổ chức, hội nhóm xã hội đã và đang sử dụng số tiền gây quỹ của họ để tài trợ, âm mưu kích động bạo loạn, phá hoại cùng nhiều hoạt động tội phạm nghiêm trọng khác.

Thực tế này đòi hỏi chính phủ các quốc gia phải đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa và đấu tranh trấn áp mới, bao gồm tăng mức xử phạt hành chính và áp dụng án tù đối với một số tội phạm nghiêm trọng.

Tại Italia, Bộ trưởng Văn hóa Gennaro Sangiuliano tuyên bố các hành vi phá hoại của Letzte Generation tại đài phun nước La Barcacia ở Rome, ném sơn vào Nhà hát opera La Scala ở Milan sẽ bị phạt tiền từ 10.000 đến 60.000 euro theo đạo luật mới, bên cạnh áp dụng án phạt tù.

Tương tự, dự luật Trật tự công cộng được Anh công bố gần đây đã có quy định mới về việc hình sự hóa với các hành vi gây rối nghiêm trọng, ảnh hưởng đến người khác, tài sản công cộng và cảnh quan, nhân danh các hoạt động biểu tình. Với thiệt hại dưới 5.000 bảng Anh người phạm tội có thể đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù.

Dự luật này được đưa ra nhằm đối mặt với các làn sóng gây rối nhân danh hoạt động chống biến đổi khí hậu và năng lượng hóa thạch diễn ra từ năm 2020 đến nay.

Tháng 4/2023, Tòa án Anh đã kết án hai thành viên Just Stop Oil (tổ chức bảo vệ môi trường Just Stop Oil được biết đến với nhiều hoạt động biểu tình quá khích tại Anh) với mức án tổng cộng là gần 6 năm tù về tội gây rối trật tự công cộng vì đã leo lên cầu Nữ hoàng Elizabeth II, buộc cảnh sát phải đóng cửa giao lộ Dartford trong 40 giờ.

Những vụ án nêu trên cho thấy tính chất phức tạp của các tổ chức, hội nhóm xã hội khi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng cùng các hoạt động phủ khắp của họ trên nhiều lĩnh vực đã mang tới những thách thức cho cơ quan hành pháp ở nhiều quốc gia trong vấn đề giám sát, quản lý. Nhiều hội, nhóm chỉ quan tâm đến mục tiêu chiêu mộ thành viên mà bỏ qua hàng loạt những quy định quan trọng về phẩm chất, đạo đức của người ứng tuyển.

Một số tổ chức có ngân sách và nhiều khoản thu thường xuyên lên đến hàng nghìn cho đến hàng triệu USD. Mặc dù giữ số tiền giá trị như vậy nhưng các tổ chức này lại thiếu minh bạch trong hoạt động quản lý, thu, chi, kê khai thuế.

Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội này dễ dàng nhận được nhiều khoản tiền tài trợ từ khắp nơi trên thế giới dưới nhiều hình thức giải thưởng, học bổng, gây quỹ cộng đồng trực tuyến, donate (ủng hộ)... Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội như Facebook cũng cho phép tạo chiến dịch gây quỹ đối với những tổ chức phi lợi nhuận trên mạng xã hội với cam kết “chi trả toàn bộ phí xử lý thanh toán đối với tiền quyên góp cho tổ chức phi lợi nhuận trên Facebook”.

Do đó, một số tổ chức có ngân sách và nhiều khoản thu thường xuyên lên đến hàng nghìn cho đến hàng triệu USD. Mặc dù giữ số tiền giá trị như vậy nhưng các tổ chức này lại thiếu minh bạch trong hoạt động quản lý, thu, chi, kê khai thuế.

Không chỉ vậy, tình hình thế giới thời gian gần đây liên tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường cũng tạo ra nhiều khó khăn trong công tác quản lý hội, nhóm theo quy định của pháp luật. Cuộc khủng hoảng nhân đạo phát sinh do đại dịch Covid-19, mâu thuẫn sắc tộc, chiến tranh,... khiến cho nhu cầu thiện nguyện, hỗ trợ xã hội, bảo vệ các nhóm đối tượng yếu thế ngày một nhiều. Kéo theo đó, hiện tượng cá nhân, tổ chức lợi dụng các hoạt động xã hội, thiện nguyện để vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, nổi lên là các hành vi lừa đảo, rửa tiền, trốn thuế, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng và nghiêm trọng hơn cả là xâm phạm an ninh quốc gia.

Dù không thể phủ nhận những ưu điểm, mặt tích cực mà tổ chức, hội nhóm xã hội đem lại với cộng đồng, xã hội, các quốc gia đều cần phải đánh giá đầy đủ những mặt tối, hạn chế nảy sinh trong những hoạt động này. Trên bình diện quốc tế, các tổ chức liên chính phủ, liên minh đa quốc gia và những nước lớn cần có cái nhìn công tâm, đánh giá cẩn trọng trước các văn bản nhân danh báo cáo nhân quyền để bao che, dung túng cho các tội phạm hình sự, tài chính, kinh tế.

Những năm qua, để xóa bỏ vướng mắc và hiểu lầm chung quanh vấn đề nhân quyền, Việt Nam đã có nhiều đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới, vốn là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.

Minh chứng rõ nét nhất thể hiện qua sự hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc từ khi cơ quan này được thành lập. Ngày 11/10/2022, Việt Nam lần thứ hai trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Việt Nam cũng chủ động phát huy các cơ chế trao đổi, đối thoại, hợp tác song phương về quyền con người với Liên minh châu Âu (EU) và các nước lớn theo hướng tăng cường hợp tác trên các vấn đề quyền con người mà các bên cùng quan tâm.

Ngày 27/2, tại phiên họp cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tiếp tục khẳng định, phương châm tham gia Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam là “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chủ động phát huy các cơ chế trao đổi, đối thoại, hợp tác song phương về quyền con người với Liên minh châu Âu (EU) và các nước lớn theo hướng tăng cường hợp tác trên các vấn đề quyền con người mà các bên cùng quan tâm.

Ngày 19/6, tại Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam diễn ra tại Hà Nội, thông cáo báo chí chính thức của EU nhận định “Hai phái đoàn Việt Nam và EU đều bày tỏ sự đánh giá cao về quan hệ đối tác giữa Việt Nam và EU, đặc biệt kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) bắt đầu có hiệu lực từ tháng 8/2020 (...).

Những tiến bộ và phát triển liên quan đến bình đẳng giới, quyền trẻ em, quyền của người LGBT, cũng như liên quan đến việc chống nạn buôn bán người cũng được thảo luận chi tiết.

Việt Nam và EU ghi nhận vai trò quan trọng của các cơ quan truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác, cũng như sự cần thiết bảo đảm môi trường thuận lợi để họ có thể tham gia hiệu quả, bao gồm trong khuôn khổ Hiệp định chung về Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa EU và Việt Nam (PCA) cũng như trong khuôn khổ EVFTA”.

Bên cạnh đó, các quốc gia cũng cần xây dựng cơ chế hợp tác trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia dưới vỏ bọc của các đoàn thể xã hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động về bảo vệ môi trường và các quyền con người khác.

Đồng thời các cá nhân, tổ chức, hội nhóm hoạt động vì cộng đồng, xã hội cần nghiêm túc xác định rõ các mục tiêu, điều lệ và hành động luôn phải nằm trong khuôn khổ quy định pháp luật, kiên quyết loại bỏ những thành viên không đủ tiêu chuẩn, có biểu hiện tư lợi, ý đồ không trong sáng. Đây chính là nền tảng quan trọng giúp các hội, nhóm có thể đạt được những giá trị tốt đẹp, góp phần thúc đẩy tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nguồn: nhandan

Không có nhận xét nào