Bài 4: Nhiều chồng chéo, “thất thoát”, sai lệch khi vận hành chủ trương
Trong vận hành đưa nghị quyết vào cuộc sống cần có đồng bộ các giải pháp tổ chức thực hiện. Nguyên nhân khiến không ít nghị quyết của tổ chức đảng các cấp chậm hoặc không đi vào thực tiễn có lỗi từ sự “rơi rụng” chủ trương đến chồng chéo nghị quyết, từ những chỉ tiêu, giải pháp “trên trời” đến triển khai không thống nhất...
Chữ “quan liêu” và những căn bệnh nan giải
Nói đến việc thực hiện nghị quyết của Đảng, chúng ta nhớ tới câu chuyện của Bác Hồ khi Người đề cập đến “chữ quan liêu viết như thế nào” in trong cuốn “Bác Hồ với chiến sĩ” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 1994.
Câu chuyện đã hơn 70 năm mà vẫn sâu sắc và thời sự. Đại ý: Vào năm 1952, trong một lần đến thăm lớp chỉnh huấn chính trị cán bộ trung, cao cấp, Bác cầm cái que vẽ trên mặt đất để đố chữ mọi người. Một vạch thì anh em đoán là chữ “nhất”, hai vạch là “nhị”, ba vạch là “tam” nhưng khi Bác thêm vạch nữa thì “các vị” lúng túng, không hiểu thế nào.
Điều đáng nói khi nhìn lại thì thấy vạch đầu tiên còn vừa phải, vạch thứ hai dài hơn đã có hơi lệch một chút, vạch thứ ba dài hơn chút nữa và không “song song” cho lắm, vạch thứ tư thì dài nhất và đã “cong” lắm rồi. Bác lại cầm que vạch một vạch, rồi hai vạch dọc từ trên xuống dưới, ban đầu thì thẳng đứng, xuống đến vạch ngang thứ hai thì đã “queo”, vạch thứ ba thì “quẹo”, vạch bốn như con giun. Bác hỏi:
- Chịu hết à? Có thế mà không đoán ra... Các chú biết cả đấy...
Rồi Người nói:
- Chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng đúng đắn... Đến tỉnh đã hơi cong, đến huyện đã “tả hữu”, đến xã đã sai lệch. Vì sao? Vì cán bộ không làm đúng, không nắm chắc chủ trương, đường lối, không gần gũi dân, không chịu làm “đầy tớ nhân dân” mà chỉ muốn làm “quan cách mạng”. Cho nên chữ ấy là chữ “quan liêu”. Các chú không học nhưng biết và vẫn làm. Còn cái các chú học, thì các chú lại ít làm...
Tranh của THÁI AN |
Câu chuyện trên cho chúng ta nhiều suy nghĩ, trong đó có sự nhắc nhở nghiêm khắc của Người với đội ngũ cán bộ khi để “rơi rụng” chủ trương, đường lối trong các nghị quyết của Đảng. Trong triển khai thực hiện, mỗi cấp làm sai lệch một ít, đến cơ sở thì nghị quyết trở nên méo mó. Hậu quả là nghị quyết chậm đi vào cuộc sống hoặc được thực thi một cách lệch lạc, dẫn tới những sai lầm trong nhận thức và hành động.
Giá trị đích thực của một nghị quyết là để giải quyết các vấn đề, nhất là những bức xúc của cuộc sống, tạo chuyển động tích cực, thậm chí là bước ngoặt trong thực tiễn. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: Thành công của đại hội đảng không phải chỉ ở việc thông qua được nghị quyết, bầu được ban chấp hành mới, quan trọng hơn là có biến được nghị quyết thành hiện thực sinh động hay không, có ra được của cải vật chất mang lại giàu có và hạnh phúc cho nhân dân hay không, đấy mới là thành công thực tế của đại hội.
Bên cạnh tình trạng làm “rơi vãi”, “thất thoát”, sai lệch nghị quyết như cảnh tỉnh của Bác Hồ qua câu chuyện kể trên thì hạn chế khá phổ biến trong triển khai thực hiện nghị quyết hiện nay là việc “sao y” nghị quyết của trên mà không có sự quán triệt và vận dụng sáng tạo, phù hợp vào cấp mình. Có đồng chí bí thư “lý luận” rằng: Nghị quyết của Trung ương, của trên chắc chắn đã được đầu tư kỹ lưỡng, là sản phẩm trí tuệ chung rồi thì không thể “chế biến” khác được. Cho nên, chỉ cần “thay tên đổi họ”, xử lý một số kỹ thuật câu chữ là thành nghị quyết của tổ chức đảng cấp mình...
“Bản sao” nghị quyết sẽ làm cho quá trình thực hiện dễ trở nên hình thức, tựa như là sự quán triệt, học tập nghị quyết của trên, chứ không phải nghị quyết thực sự ở cấp mình, không có thực tiễn sống động ở chi bộ, đảng bộ cấp mình và do đó khó có thể giải quyết được những vấn đề bức xúc của cơ sở. Thế nên, mới có tình trạng, nghị quyết của một số chi bộ ở nông thôn, miền núi nhưng cũng phân tích đặc điểm tình hình thế giới, trong nước, tác động của cuộc cách mạng 4.0, trí tuệ nhân tạo, đề ra những đột phá chiến lược, giải pháp vĩ mô...
Với quan điểm thẳng thắn, PGS, TS Nguyễn Danh Tiên, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, việc “sao chép”, “nhân bản” và nghị quyết chồng nghị quyết là tình trạng phổ biến trong các tổ chức đảng hiện nay, nhất là ở cơ sở. Nguyên nhân trước hết là do các cấp ủy chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm.
Nói về thực trạng này, đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (Ban Tổ chức Trung ương) chỉ rõ, chính việc sao chép nghị quyết cấp trên là một trong những nguyên nhân khiến nhiều nghị quyết ở các cấp ủy địa phương chưa đi vào cuộc sống vì đây không phải là cách “cụ thể hóa, hiện thực hóa” nghị quyết. Nói cách khác, cơ sở mà áp chủ trương của Trung ương vào vận hành thì chẳng khác nào “ếch ngồi đáy giếng”.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về “tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” thẳng thắn chỉ rõ: Nhận thức của một số cấp ủy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa sâu sắc, toàn diện về vai trò, vị trí, yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ...
“Bội thực nghị quyết” - thực tế đáng báo động
Bên cạnh văn bản dài dòng, số lượng nghị quyết trong một kỳ đại hội, hội nghị từ Trung ương đến địa phương cũng rất nhiều. Có thời điểm, các tổ chức đảng, nhất là cấp cơ sở phải chịu cảnh “bội thực nghị quyết".
Tìm hiểu tại một tỉnh miền núi phía Bắc, thấy rằng, riêng ở cấp tỉnh: Chỉ sau hơn một năm triển khai nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh, tỉnh ủy đã ban hành 11 nghị quyết chuyên đề, ban thường vụ ban hành 47 nghị quyết, chỉ thị, đề án; hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ban hành 41 nghị quyết, 18 đề án... Ngoài ra còn các nghị quyết, kết luận thường xuyên hoặc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các tổ chức chính trị-xã hội.
Đây là con số ở một tỉnh nhỏ, nếu ở địa bàn thành phố, tỉnh có quy mô lớn hơn, con số các nghị quyết có thể còn cao hơn nhiều. Trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị, đề án này, đến cấp huyện, xã... sẽ được tiếp tục cụ thể hóa thành nghị quyết ở cấp mình. Cấp cơ sở thì mật độ nghị quyết càng dày, ngành nào, lĩnh vực cơ bản nào cũng có nghị quyết dẫn đến tình trạng chồng chéo, nghị quyết chồng nghị quyết khiến cấp ủy không còn nhiều thời gian để nghiên cứu, cụ thể hóa và thực hiện. Đó cũng là nguyên nhân “nhân bản” nghị quyết, nội dung của dưới na ná trên, ở cơ sở nhưng toàn bàn những vấn đề vĩ mô, đao to búa lớn...
Kết quả điều tra xã hội học với đối tượng là bí thư đảng ủy, phó bí thư đảng ủy xã, phường, thị trấn ở 23 xã trên địa bàn 3 tỉnh khu vực Tây Nguyên cho thấy, phần lớn cán bộ còn không ít băn khoăn, trăn trở khi trong cùng một thời điểm lại có quá nhiều nghị quyết (các cấp, các ngành) được ra đời và triển khai trên địa bàn. Thực tế đó gây nên sự dồn tắc, chậm trễ, hoặc chồng lấn, hoặc phân tán sự tập trung sức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng.
Không khó để thấy, cơ sở đang hiện hữu tình trạng nghị quyết này vừa được ban hành chưa ráo mực, đang tổ chức học tập, thì nghị quyết khác đã ra đời và tiếp tục triển khai. Có nghĩa, nghị quyết cứ thế gối lên nghị quyết, khi ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã... đều ban hành nghị quyết thường kỳ; cùng với đó là hàng loạt nghị quyết chuyên đề; cộng thêm một số lượng không nhỏ kết luận, quy định, quy chế, đề án, chuyên đề, chương trình... về các lĩnh vực lãnh đạo, nhiệm vụ đặc thù.
Thậm chí, ở một số thời điểm, các chủ trương ban hành được ví như “bão lũ” ùa về gây choáng ngợp, lúng túng cho cơ sở. Thế nhưng, vẫn có một số nơi lại sinh ra bệnh tự mãn, tự cho rằng việc ban hành được nhiều nghị quyết là hay; xem đó là căn cứ để đánh giá về năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng cấp mình.
PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản trăn trở: “Khi mà nghị quyết trước chưa kịp thấm vào cán bộ, đảng viên thì nghị quyết sau lại ra đời khiến việc nhớ tên nghị quyết đã khó, nói gì đến việc triển khai hiệu quả”.
Cơ sở càng thêm lúng túng khi có nhiều nghị quyết cứ thế ra đời, nhưng cấp trung gian thường chỉ triển khai theo lối “sao y bản chính” rồi "giao" về cơ sở quán triệt, tổ chức thực hiện. Thành thử, khi có quá nhiều nghị quyết, văn bản hành chính... đổ dồn về cơ sở thì người quán triệt, tổ chức thực hiện sẽ gặp lúng túng là chuyện hết sức bình thường, nhất là ở khâu xác định đâu là nghị quyết trọng yếu, cấp thiết đối với địa phương để tổ chức thực hiện.
Thậm chí, vì có quá nhiều văn bản, nghị quyết nên ở một số nơi, cán bộ còn nảy sinh biểu hiện "phương phưởng luận" trong quán triệt, triển khai; không nắm rõ các nội dung, tinh thần nghị quyết, số nghị quyết; có nơi, việc học tập nghị quyết buộc phải vận hành theo lối đối phó, nặng hình thức, “đầu voi đuôi chuột”, “đánh trống bỏ dùi”...
PGS, TS Phan Xuân Biên, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết, ông đã nhiều lần tham gia các đoàn công tác sang Trung Quốc. Nước bạn dân số rất đông, diện tích rất lớn; phạm vi của các tỉnh, thành phố rất rộng, chẳng hạn tỉnh Vân Nam của bạn có diện tích còn lớn hơn cả nước ta.
Sự nghiệp phát triển đất nước đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng so với ta, nghị quyết của bạn ít hơn hẳn. Dẫn một góc nhìn tham chiếu, so sánh để thấy, chúng ta cần suy nghĩ để có giải pháp điều chỉnh, đổi mới trong nghiên cứu ban hành và triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Nghị quyết không cần nhiều, chỉ cần tinh gọn, sát thực và phải thực sự là những tư tưởng, nội dung “từ cuộc sống đi ra” để sau đó mới “đưa nghị quyết vào cuộc sống”...
Mặt khác, cơ sở cũng đang bị bội thực vì chính văn phong, câu từ nặng tính tung hô, mỹ từ sáo ngữ trong nhiều nghị quyết của đảng bộ cấp tỉnh, cấp huyện thường sử dụng, như: “Nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng tỉnh (huyện) vững về chính trị, giàu về kinh tế, đẹp về văn hóa, mạnh về quốc phòng, an ninh”; “Thực hiện tốt phương châm phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu”...
Phần đánh giá hạn chế, khuyết điểm trong nghị quyết của đảng bộ cấp dưới cũng có nội dung y hệt nghị quyết của đảng bộ cấp trên, như: “Sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện (xã) chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức đảng chưa ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ”... Đó thật sự là cách lập ngôn sáo ngữ, đao to búa lớn, “đơm đó ngọn tre”, gây khó cho cấp quán triệt, triển khai. Cho nên, vốn chủ trương đã không rõ ràng, cụ thể, thì làm sao cấp dưới và quần chúng có thể vận hành, triển khai sát đúng, hiệu quả cho được.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng... Nhận thức về một số chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa sâu sắc, thiếu thống nhất, do vậy một số công việc triển khai thiếu kiên quyết, còn lúng túng...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, một trong những giải pháp quan trọng là phải tích cực, kiên quyết đổi mới, nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết; khắc phục những vấn đề còn “gay trăm bề” trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng trên thực tế.
“Khi thi hành, kềnh kềnh càng càng, không hoạt bát nhanh chóng. Hoặc thi hành một cách miễn cưỡng, không sốt sắng, không đến nơi đến chốn. Kết quả nhỏ là: Nghị quyết đầy túi áo, thông cáo đầy túi quần. Kết quả nặng là: Phá hoại tổ chức của Đảng, giảm bớt kỷ luật của Đảng, bỏ mất thời cơ tốt, lúc nên làm thì không làm, khi làm thì trễ rồi” (Chủ tịch Hồ Chí Minh). |
“Chỉ đạo và tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết còn hạn chế, năng lực tổ chức thực hiện của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp”... “Tư tưởng trông chờ, thụ động, ỷ lại vào cấp trên, tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, kỷ cương phép nước không nghiêm còn khá phổ biến; chưa tạo được nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp có tính đột phá, đồng bộ để tháo gỡ khó khăn”... (Văn kiện Đại hội XIII của Đảng). |
(còn nữa)
Nguồn: QĐND
Không có nhận xét nào