Giá đắt phải trả cho những kẻ ảo tưởng "sức mạnh” trên không gian mạng
“Ảo tưởng sức mạnh” trên không gian mạng, nhiều đối tượng đã lợi dụng quyền dân chủ và tự do ngôn luận có các hoạt động tuyên truyền, phá hoại tư tưởng; phát ngôn xâm phạm đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức… Thực chất, hoạt động của các đối tượng chỉ với mục đích “đánh bóng tên tuổi” và kiếm tiền.
Phan Sơn Tùng (SN 1984, ở tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP Hà Nội) là một trong những trường hợp như vậy. Trước khi trở thành bị can trong vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đối tượng từng theo học tại một trường đại học danh tiếng của Hà Nội và là giám đốc của 2 công ty có tiếng trong lĩnh vực thiết kế xây dựng và hóa dược, dược liệu có trụ sở tại Vĩnh Phúc.
Bỏ qua tất cả, Tùng “bắt chước” số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước “tập tành” chém gió trên không gian mạng. Và càng nói càng cực đoan công khai, trực diện thì Tùng càng nổi, qua những video hàng triệu view. Những video của Tùng có ảnh hưởng xấu đến người dân.
Năm 2019, Phan Sơn Tùng tạo lập, quản trị hệ thống 3 kênh Youtube (“Vì Việt Nam thịnh vượng”, “Phan Sơn Tùng”, “Diễn đàn cánh hữu Việt Nam”) và 2 trang Facebook (“David Pham”, “Vì Việt Nam thịnh vượng”) với hơn 500.000 lượt người đăng ký theo dõi; phát tán 3.652 video clip, thu hút hơn 250 triệu lượt xem trên không gian mạng.
Trên các kênh này, Tùng “lượm lặt” thông tin trên không gian mạng; tích cực khai thác thông tin từ các trang phản động nước ngoài, số đối tượng phản động, chống đối rồi biên tập, cắt ghép hình ảnh và phát trực tiếp lên không gian mạng nhiều nội dung bình luận xuyên tạc, nhận định thiếu căn cứ về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước. Phán xét, phê phán sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội, điều hành của Chính phủ, công kích, bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo cấp cao, mỗi ngày khoảng 3 video clip.
Xuyên tạc, bịa đặt vô căn cứ, tung tin sai sự thật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây dư luận xấu trên không gian mạng. Những hành xử này của Phan Sơn Tùng các cơ quan chức năng đã nhắc nhở, cảnh báo, răn đe nhiều lần; báo chí, công luận lên tiếng phê phán nhưng đối tượng vẫn lặp đi lặp lại, không chịu chấm dứt hoạt động.
Phan Sơn Tùng công khai thách thức dư luận như một cách gây dựng tên tuổi, chứng minh bản thân, thậm chí ảo tưởng rằng mình là "người hùng mạng", tha hồ thóa mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm... của người khác, cho mình cái quyền được phán xét lịch sử, chỉ trích sự lãnh đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước.
Sự ngông cuồng và ảo tưởng của Phan Sơn Tùng còn thể hiện rõ nét khi vào ngày 5/8/2022, Phan Sơn Tùng liên tục phát tán các video clip, công khai ý đồ thành lập tổ chức chính trị đối lập với tên gọi “Đảng Việt Nam thịnh vượng” nhằm cạnh tranh quyền lực chính trị, yêu sách đòi thay thế vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với các hoạt động này, đối tượng cũng đã kiếm được một khoản tiền không nhỏ. Từ năm 2019 đến thời điểm bị bắt, Phan Sơn Tùng đã thu lời trên 3 tỷ đồng từ hoạt động quảng cáo trực tuyến của Google, gắn trên kênh Youtube của Tùng. Vào lúc cao điểm có thể lên tới 12.000 USD/tháng. Lợi nhuận thu được khiến đối tượng càng điên cuồng có những phát ngôn chính thống.
Ngày 6/9/2022, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phối hợp Công an TP Hà Nội thi hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Phan Sơn Tùng về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 117 Bộ luật Hình sự. Quá trình bắt, khám xét, cơ quan Công an đã tạm giữ nhiều thiết bị điện tử, tài khoản trực tuyến và một số tài liệu khác được đối tượng sử dụng để tiến hành hoạt động vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cộng đồng mạng có lẽ nhiều người biết đến kênh Youtube “Nói bằng thực TV”. Từ năm 2020 đến thời điểm bị bắt, kênh này phát tán hơn 700 video clip, thu hút 12 triệu lượt xem. Trên kênh này, đối tượng đưa rất nhiều thông tin xuyên tạc, bịa đặt về về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội; đả kích thể chế, chế độ XHCN tại Việt Nam, công kích, xúc phạm danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gây dư luận xấu trên không gian mạng.
Đối tượng quản trị, điều hành kênh này là Nguyễn Thái Hưng (SN 1970; HKTT: Kiến An, Hải Phòng; cư trú bất hợp pháp tại Phú Xuân, Tân Phú, Đồng Nai), từng có tiền án 3 tháng án treo về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tiếp đó, từ tháng 1/2009 đến tháng 4/2013, đối tượng đã bị đưa đi tập trung cai nghiện bắt buộc tại Đại Thắng, Tiên Lãng, Hải Phòng. Sau đó, y bị bắt với hành vi “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhiều đối tượng đã bị xử lý. Trước đó, là các trường hợp như Trương Châu Hữu Danh, Nguyễn Thị Bích Thuỷ (Bích Thuỷ TV), Đặng Như Quỳnh hay là Nguyễn Phương Hằng… Việc vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng đã có các dụng răn đe. Vậy nhưng, một số đối tượng vì lợi nhuận từ hoạt động quảng cáo trực tuyến, hay từ tâm lý “ảo tưởng sức mạnh” vẫn tiếp tục đưa ra các thông tin xuyên tạc, sai sự thật, các thông tin ngụy tạo.
Nguồn: CAND
Không có nhận xét nào