“Nghĩ trước, bước sau” để không trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán phụ nữ.
Hồ Thị Vớn, sinh năm 1989, là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên ở bản Sông Đà, xã Nậm Mạ, huyện Sỉn Hồ, tỉnh Lai Châu. Năm 2013, Vớn lấy chồng ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm 2016, Vớn trở về Việt Nam kết hôn với N.V.V, ở Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng. Tại đây, Vớn liên lạc qua Wechat với một số đối tượng ở Trung Quốc để tổ chức đường dây bán phụ nữ với giá thỏa thuận từ 220 triệu đến 250 triệu một người.
Núp dưới vỏ bọc môi giới phụ nữ Việt Nam đi lấy chồng Trung Quốc, Vớn vào nhóm (Group) Hội phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc tìm móc ngoặc với các đối tượng, thiết lập đường dây phía Việt Nam. Thông qua Group trên, Vớn quen với Nguyễn Thị Dương, sinh năm 1994, ở xã Quảng Vọng, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Vớn trao đổi với Dương, nếu Dương tìm được một cô gái (chúng gọi là “dâu”) cho Vớn đưa sang Trung Quốc, Vớn sẽ trả cho Dương số tiền từ 190 triệu đồng đến 220 triệu đồng. Sau khi thỏa thuận với Vớn, Dương vừa trực tiếp đi tìm phụ nữ, vừa thông qua mạng xã hội Zalo cấu kết với Nguyễn Châu Tuấn, sinh năm 1992, ở Ấp Mỹ Phú, xã Tăng Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang để tìm phụ nữ đưa đi Trung Quốc.
Để tạo niềm tin cho những phụ nữ mong muốn được đổi đời, khi tiếp cận được “dâu”, các đối tượng đưa ra viễn cảnh sẽ được lấy chồng Trung Quốc tử tế, được chọn người đàn ông ở gia đình có điều kiện, không bị đánh đập, bóc lột, sống chung 06 tháng, 01 năm nếu không hợp thì sẽ được đưa về Việt Nam, ai đồng ý đi sẽ được trả cho số tiền từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng cho gia đình, chỉ cần đến biên giới là sẽ chuyển tiền về. Thực tế thì khi đưa “dâu” đến biên giới giao cho các đối tượng hoạt động phía Trung Quốc, là Vớn cùng đồng bọn đã hoàn thành nhiệm vụ trong đường dây mua bán người, việc đưa “dâu” trở về Việt Nam sau 06 tháng hay 01 năm chỉ là “mồi câu” các đối tượng đưa ra.
Bằng thủ đoạn trên, Vớn, Dương, Tuấn đã lừa được các chị N.T.Ch, ở Thường Xuân, Thanh Hóa, chị L.T.C ở Triệu Sơn, Thanh Hóa, chị L.T.Q, ở huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau và chị K.T.R, ở TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang. Trong đó chị R và chị Q còn không biết Trung Quốc ở đâu, không biết đường đi thế nào, không biết ai trả tiền, ai đưa đón R, Q về Việt Nam.
Với tinh thần kiên quyết, chủ động nắm tình hình, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hoá đã triệt phá đường dây mua bán người nêu trên, bắt giữ Hồ Thị Vớn, Nguyễn Thị Dương, Nguyễn Châu Tuấn khi các đối tượng đang tổ chức đưa người sang Trung Quốc qua sân bay Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Hồ Thị Vớn, Nguyễn Thị Dương đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tuyên phạt 09 năm tù giam, Nguyễn Châu Tuấn bị tuyên phạt 06 năm tù giam về tội Mua bán phụ nữ, quy định tại Điều 150, Bộ luật Hình sự 2015.
Qua sự việc nêu trên, Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo:
Mỗi người dân hãy cảnh giác, nhận biết âm mưu, thủ đoạn của tội phạm mua bán người. Tự bảo vệ chính bản thân mình và người thân trước những hành vi phạm tội của tội phạm mua bán người.
Các thủ đoạn phổ biến của tội phạm mua bán người đã được các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan pháp luật cảnh báo, như: Sử dụng mạng xã hội zalo, facebook, wechat… để kết nối, dụ dỗ nạn nhân “sập bẫy”. Các đối tượng trong đường dây mua bán người thường sử dụng chiêu thức lợi dụng những mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn rủ đi làm ăn xa, hợp tác làm ăn, tìm “việc nhẹ, lương cao”; giả vờ làm quen, yêu đương rồi đem bán; môi giới hôn nhân giả, hứa hẹn gả chồng giàu có, cho con nuôi, đi du lịch, du học…
“Nghĩ trước, bước sau” đó là thông điệp hết sức ý nghĩa của Bộ Công an khuyến cáo người dân cân nhắc trước tương lai, vận mệnh của mình và người thân. Mỗi chúng ta hãy tích cực tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm mua bán người; hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán tái hòa nhập cộng đồng. Mọi tình hình có liên quan, liên hệ đường dây nóng Công an tỉnh Thanh Hoá 02373.725.725./.
Nguồn: Công an Thanh Hóa
Không có nhận xét nào