MKRdezign

TIN MỚI

Hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke (Bài 2): Đi tìm căn nguyên

 Tình trạng vi phạm quy định về đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong các quán hát karaoke, bar diễn ra khá phổ biến. Vậy đâu là căn nguyên của thực trạng này?


Công an kiểm tra thiết bị báo cháy tại phòng hát karaoke của khách sạn Phượng Hoàng 3, đường Lê Hoàn, phường Điện Biên (TP Thanh Hóa). Ảnh: Đ.Đ

Không thể đổ lỗi do dịch COVID-19

Từ ngày 15-8 đến hết ngày 11-9-2022, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an các huyện và UBND cấp xã đã ra quân, tổng kiểm tra an toàn về PCCC đối với 276 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar trên địa bàn toàn tỉnh. Qua kiểm tra đã đề xuất xử lý vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ, kiến nghị dừng hoạt động đối với 107 trường hợp, phạt tiền trên 342 triệu đồng. Riêng trong ngày 11-9, tiến hành kiểm tra đột xuất 75 cơ sở, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 56 cơ sở vi phạm, phạt tiền trên 287 triệu đồng; đề xuất tạm đình chỉ hoạt động đối với 9 cơ sở, kiến nghị dừng hoạt động 7 cơ sở. Trong đó Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH xử lý 10 trường hợp, tiền phạt trên 114 triệu đồng, đề xuất tạm đình chỉ 2 trường hợp, yêu cầu dừng hoạt động 3 trường hợp. Điều này có nghĩa số cơ sở vi phạm chiếm tới trên 74% số cơ sở bị kiểm tra đột xuất.

Theo Thượng tá Lê Như Cường, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, các sai phạm của các cơ sở kinh doanh karaoke, bar trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chủ cơ sở đã tiến hành cải tạo, thay đổi mục đích sử dụng, cơi nới so với thiết kế đã được thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC và không báo cáo với cơ quan chức năng để tiến hành thẩm duyệt, nghiệm thu lại. Còn bố trí, sắp xếp hàng hóa vật tư trên đường, lối thoát nạn, hoặc chèn, chặn làm mất tác dụng của lối thoát nạn. Chưa tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo quy định. Không kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC theo quy định. Một số cơ sở chưa đảm bảo an toàn hệ thống điện, còn để biển quảng cáo che chắn lối thoát nạn... Trong số đó, vi phạm nghiêm trọng nhất là chưa đảm bảo quy định về lối thoát nạn, chưa trang bị hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống chữa cháy tự động.

Khách quan mà nói, mới mở cửa trở lại sau 2 năm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dễ hiểu nhiều cơ sở kinh doanh karaoke chưa tiến hành bảo dưỡng định kỳ các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC. Và nguyên nhân này cũng được nhiều chủ cơ sở vin vào để đối phó với lực lượng chức năng. Tuy nhiên, những vi phạm như chưa đảm bảo quy định về lối thoát nạn, chưa trang bị hệ thống chữa cháy trong nhà... vốn là sai phạm cố hữu, phần nhiều xuất phát ngay từ khi cơ sở được cấp phép hoạt động, không thể đổ lỗi do dịch COVID-19.

Cái gốc vẫn là ý thức chấp hành pháp luật

Nguyên nhân của những vi phạm trên theo Thượng tá Lê Như Cường, trước hết là do phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke chuyển đổi mục đích xây dựng từ nhà ở sang. Các cơ sở đa phần quy mô nhỏ, do cá nhân thành lập, kinh doanh nên điều kiện kinh phí còn hạn hẹp dẫn đến việc thực hiện các quy định về công tác PCCC chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, nhất là trong đầu tư các trang thiết bị phục vụ công tác PCCC&CNCH.

Điều đáng nói là, một bộ phận người đứng đầu cơ sở chỉ chú trọng đầu tư vào kinh doanh chưa thực hiện hết trách nhiệm, còn tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác PCCC. Trong khi đó, nhân viên tại các cơ sở này phần lớn làm việc theo thời vụ, hợp đồng ngắn hạn, biến động thường xuyên nên công tác huấn luyện, tập huấn nghiệp vụ PCCC cho họ chưa được thực hiện theo đúng quy định. Điều này cũng có nghĩa là nhiều nhân viên tại quán hát karaoke không có kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy, thoát nạn và hướng dẫn thoát nạn cho khách hát. Vậy nên, các đội PCCC ở những cơ sở kinh doanh này vốn được kỳ vọng làm tốt công tác PCCC ban đầu khi hỏa hoạn xảy ra đã trở nên hình thức, lập ra chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

Vốn dĩ loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke có nguy cơ cao về hỏa hoạn, lại hoạt động chủ yếu vào buổi tối, tập trung nhiều dịch vụ nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp về an ninh trật tự, nguy cơ phát sinh tội phạm hình sự, tệ nạn, xã hội, nhất là sử dụng ma túy tổng hợp “bay lắc”, “thác loạn”, “ngáo đá”. Phần lớn người đến hát sử dụng nhiều rượu, bia nên kém tỉnh táo. Cộng với ý thức về PCCC của chủ cơ sở chưa cao, nhân viên không có nghiệp vụ về PCCC&CNCH, nếu hỏa hoạn xảy thì thiệt hại nặng nề về người và tài sản là điều khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, xét trên nhiều góc độ thì tình trạng vi phạm phổ biến các quy định về đảm bảo điều kiện an toàn PCCC tại các cơ sở kinh doanh karaoke, bar có một phần từ việc thiếu kiểm tra, giám sát của chính quyền cơ sở. Theo tìm hiểu của phóng viên tại nhiều địa phương trong tỉnh, trước thời điểm vụ hỏa hoạn thảm khốc xảy ra tại Bình Dương, việc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh karaoke, bar trên địa bàn cũng có hạn chế nhất định. Điều này được lý giải là sau khi Nghị định 54/2019/NĐ-CP ngày 19-6-2019 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường có hiệu lực (1-9-2019) đã phân cấp việc cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh và quản lý từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về UBND cấp huyện, thì dịch COVID-19 ập đến khiến các cơ sở này phải dừng hoạt động trong thời gian dài. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC tại cơ sở cũng chưa được chú trọng. Phong trào toàn dân PCCC tuy đã được quan tâm chỉ đạo song chưa sâu rộng, vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ sở, người lao động chưa nắm vững kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và thoát nạn...

Một nguyên nhân khác đã được nhiều lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương chỉ ra trong hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác PCCC diễn ra ngày 12-9, đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác PCCC áp dụng trong cả nước còn chưa hoàn thiện; mức chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm chưa đủ sức răn đe; trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác này chưa được quy định rõ ràng...

Khi hành lang pháp lý chưa cụ thể, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều nơi chưa chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý Nhà nước, cộng với tình trạng không ít chủ cơ sở chỉ chú trọng đến lợi nhuận, bất chấp tính mạng của “thượng đế”, thì những vi phạm về an toàn PCCC của các cơ sở dịch vụ karaoke, bar là điều có thể hiểu được.

Bài cuối: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Tại hội nghị trực tuyến về công tác PCCC diễn ra ngày 12-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện nhiều giải pháp để làm tốt công tác PCCC&CNCH trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan nghiên cứu sự cần thiết, tính khả thi, cấp bách xây dựng Luật PCCC&CNCH. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình về PCCC, CNCH phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào quá trình CNH, HĐH đất nước...

Nguồn: baothanhhoa


Không có nhận xét nào