MKRdezign

TIN MỚI

Hồi chuông cảnh tỉnh về nguy cơ cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh karaoke (Bài 1): Vi phạm quy định vẫn... hoạt động!

 Vụ hỏa hoạn xảy ra tại tỉnh Bình Dương khiến 32 người tử nạn thương tâm đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ hỏa hoạn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, vũ trường trên phạm vi cả nước. Trong khi đó, tại Thanh Hóa, tiến hành kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), cứu nạn, cứu hộ (CHCN), lực lượng chức năng đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này, trong đó có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Công an TP Thanh Hóa lập biên bản xử lý vi phạm tại cơ sở kinh doanh karaoke Platinum, phường Quảng Thắng. Ảnh: Lê Quốc

Nguy cơ cháy, nổ rình rập

Song hành với phát triển kinh tế - xã hội là sự ra đời của nhiều loại hình giải trí, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân, trong đó có dịch vụ karaoke, bar, pub. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 875 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar (không có vũ trường), tập trung ở các đô thị lớn. Trong đó có 867 cơ sở đang hoạt động, 7 cơ sở đang tạm dừng hoạt động, 1 cơ sở chưa hoạt động. TP Thanh Hóa là nơi có nhiều cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này nhất với 107 cơ sở kinh doanh karaoke, 9 cơ sở kinh doanh giải khát, ăn uống và nghe nhạc dạng bar, pub.

Những cơ sở này thuộc loại hình kinh doanh có điều kiện, theo quy định phải có giấy phép đủ điều kiện về an ninh trật tự, có chứng nhận thẩm duyệt thiết kế, văn bản thẩm duyệt thiết kế và chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC, thẩm duyệt về an toàn PCCC trước khi được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh. Trong đó có quy định về đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, như lối thoát hiểm, hệ thống chữa cháy trong nhà, hệ thống báo cháy... Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, nhiều quán karaoke trên địa bàn tỉnh đã không đáp ứng được những yêu cầu bắt buộc này. Điều dễ nhận thấy là phần nhiều phòng hát được thiết kế kín, cách âm bằng các vật liệu dễ cháy, như mút, xốp, nhựa... Cùng với đó, việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt lớn với hệ thống âm thanh, hệ thống đèn laser hoạt động liên tục;... nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Chưa kể, các cơ sở kinh doanh karaoke thường nằm trong khu vực đông dân cư, được chuyển đổi công năng từ nhà ở, diện tích nhỏ, nên chủ cơ sở đã tận dụng tối đa lối đi hành lang để đảm bảo diện tích tối thiểu của phòng hát đạt 20m2 trở lên (chưa tính phòng vệ sinh), khiến đường đi lối lại chật hẹp. Trong khi đó, nhà ở sát vách nhau, trước nhà lắp biển quảng cáo tấm lớn, nên không thể lắp đặt cầu thang thoát nạn phía bên ngoài theo quy định. Vậy nên, nhiều quán hát chỉ có duy nhất một cầu thang thoát nạn bên trong nhà. Nếu có sự cố cháy tại các tầng phía dưới, khói nhanh chóng bao trùm cầu thang bộ trong nhà, việc thoát nạn ở tầng trên sẽ gặp nhiều khó khăn.

Nhiều quy định bị phớt lờ

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, từ ngày 15-8, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, công an các huyện, UBND cấp xã đã tiến hành kiểm tra chuyên đề đối với 276 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, phát hiện 107 cơ sở vi phạm (tính đến ngày 11-9). Riêng ngày 11-9, tiến hành kiểm tra đột xuất 75 cơ sở, lực lượng chức năng đã phát hiện tới 56 cơ sở vi phạm, trong đó có nhiều sai phạm nghiêm trọng.

Tại TP Thanh Hóa, đến ngày 15-9, qua kiểm tra tại 27 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke được phân cấp quản lý, lực lượng công an đã lập biên bản xử phạt tới 25 cơ sở. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy; không trang bị đầy đủ trang thiết bị PCCC cho nhân viên cơ sở; không có, hoặc không đủ 2 lối thoát nạn; làm mất tác dụng của lối thoát hiểm... Trên cơ sở các vi phạm này, bên cạnh việc nhắc nhở, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, bar, Công an TP Thanh Hóa đã đề nghị xử phạt hành chính 157 triệu đồng; tạm đình chỉ hoạt động 1 cơ sở; yêu cầu dừng hoạt động 18 cơ sở để khắc phục thiếu sót, vi phạm.

Như tại cơ sở kinh doanh dịch vụ 59 Lê Thành, phường Đông Cương (TP Thanh Hóa), lực lượng chức năng phát hiện một loạt lỗi vi phạm của chủ cơ sở, như: Không đủ 2 lối thoát nạn; không tổ chức huấn luyện nghiệp vụ CNCH; chưa có báo cáo kết quả tự kiểm tra; cửa thoát nạn không mở theo chiều thoát nạn; không trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy theo quy định. Qua đó, tổ kiểm tra đã lập biên bản vi phạm, đề nghị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30,5 triệu đồng; kiến nghị tạm dừng kinh doanh để hoàn thiện, khắc phục lỗi vi phạm. Hay tại cơ sở kinh doanh karaoke Google Thành Công, phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa), mặc dù có lối thoát hiểm, nhưng chủ cơ sở đã hàn kín và tháo dỡ thang ngoài, làm mất tác dụng của lối thoát hiểm; không tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH. Cơ quan chức năng đã lập biên bản vi phạm, đề nghị xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 22,75 triệu đồng và kiến nghị tạm đình chỉ để khắc phục...

Tương tự, ngày 11-9, tổ công tác của Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã tiến hành kiểm tra đột xuất cơ sở nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ karaoke 299, trên đường Lạc Long Quân, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa). Dù rằng cơ sở này đã lắp đặt hệ thống bơm nước chữa cháy, mua sắm, lắp đặt các trang thiết bị PCCC&CNCH, như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, hệ thống chuông báo cháy... nhưng lại chưa tiến hành tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho đội viên đội PCCC cơ sở theo quy định. Trong khi đó, phương án chữa cháy và phương án CNCH theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP ngày 18-7-2017 của Chính phủ cũng chưa được chủ cơ sở xây dựng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đáng nói hơn, tại tòa nhà Hải Nam Centre - Công ty CP Tập đoàn Việt Hưng, ở địa chỉ tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn (Nga Sơn), có kinh doanh dịch vụ karaoke, thì chủ cơ sở đã cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của nhà 6 tầng khi chưa có giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC theo quy định. Hay cơ sở JP CLUP - Công ty TNHH JP, trên đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa), chủ cơ sở cũng chưa tiến hành tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho đội viên đội PCCC cơ sở. Tại thời điểm kiểm tra cơ sở chưa tiến hành kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC định kỳ năm 2021...

Còn rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke, bar trên địa bàn tỉnh vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn PCCC. Điều này đã làm dấy lên nghi ngại cho người dân khi tham gia giải trí bằng loại hình dịch vụ này. Và nó cũng đặt ra quy luật, nếu chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà không đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC, thì vô tình các chủ cơ sở đang tự tay đóng cơ sở kinh doanh của mình.

Nguồn: baothanhhoa

Không có nhận xét nào