MKRdezign

TIN MỚI

Không thể phủ nhận nỗ lực phòng, chống mua bán người tại Việt Nam

Vẫn như hằng năm, Hoa Kỳ tự xem mình là “chuẩn mực về nhân quyền” tự cho mình quyền đưa ra các phán xét về chính trị, kinh tế-xã hội các quốc gia, đặc biệt là chủ đề nhân quyền.

Tuyên truyền phòng, chống tội phạm buôn bán người ở vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Báo cáo năm 2022 về tình hình mua bán người trên thế giới của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (viết tắt là Báo cáo) đã xuất hiện những thông tin, những nhận định không xác thực, không phản ánh đầy đủ, chính xác về tình hình và nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng, chống mua bán người. Đó là các thông tin, nhận định liên quan tới tình hình lao động cưỡng bức đối với trẻ em, các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em, việc người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài...

Trước hết xin được khẳng định rằng: Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm mọi hành vi ngược đãi, mua bán người, bắt người làm nô lệ. Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ: Từ Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 đến 2013 đều có các quy định về quyền công dân và quyền con người được Nhà nước bảo hộ. Hiến pháp năm 2013 đã giành cả Chương II để quy định về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”. Trong đó có quy định rõ việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm quyền công dân như: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm (Điều 20). Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu (Điều 35). Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (Điều 37).

Để có căn cứ pháp lý cụ thể nhằm ngăn chặn, xử lý hành vi mua bán người, Việt Nam đã có Luật Phòng, chống mua bán người. Điều 3 Luật phòng, chống mua bán người quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm” bao gồm: Mua bán người; chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; môi giới để người khác thực hiện mua bán người; cản trở việc tố giác, khai báo và xử lý hành vi mua bán người; kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân...

Điều 4 về nguyên tắc phòng, chống mua bán người của Luật Phòng, chống mua bán người quy định rõ: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người. Giải cứu, bảo vệ, tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân kịp thời, chính xác. Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp và không kỳ thị, phân biệt đối xử đối với nạn nhân. Ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời, chính xác hành vi mua bán người...

Nhà nước ta đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách phòng, chống mua bán người. Công tác phòng, chống mua bán người là nội dung của chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và được kết hợp với việc thực hiện các chương trình khác về phát triển kinh tế-xã hội. Nhà nước khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia, hợp tác, tài trợ cho hoạt động phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; khuyến khích cá nhân, tổ chức trong nước thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật.

Nhà nước khen thưởng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác phòng, chống mua bán người; bảo đảm chế độ, chính sách đối với người tham gia phòng, chống mua bán người bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản theo quy định của pháp luật. Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; tham gia Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng, chống và trừng trị việc mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục triển khai có hiệu quả các hiệp định hợp tác với nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới về phòng, chống mua bán người; tiếp tục nỗ lực triển khai thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, thời gian qua, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống mua bán người với sự vào cuộc và tập trung cao độ của tất cả các bộ, ngành và địa phương. Các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), các văn bản chính sách, pháp luật về phòng ngừa mua bán người, lao động cưỡng bức, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng đã được ban hành. Ngày 18-7 vừa qua, các bộ: Lao động-Thương binh và Xã hội, Công an, Quốc phòng và Ngoại giao cũng đã ký Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Lực lượng chức năng của Việt Nam và các nước, nhất là các nước láng giềng thường xuyên phối hợp tổ chức các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người. Trong 6 tháng đầu năm 2022, khắc phục những khó khăn do đại dịch Covid-19, các lực lượng chức năng của Việt Nam đã phát hiện, điều tra, khám phá 33 vụ, với 75 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội phạm có liên quan đến mua bán người; đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị truy tố 17 vụ; 66 nạn nhân từ các vụ mua bán đã được tiếp nhận, xác minh, giải cứu, hỗ trợ...

Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ về phòng, chống mua bán người, Việt Nam chú trọng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng. Hàng trăm cán bộ của Việt Nam đã được bố trí tham gia các cuộc hội thảo, các lớp tập huấn chuyên đề, chuyên sâu về pháp luật và nghiệp vụ công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm mua bán người và bảo vệ nạn nhân bị mua bán...

Trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có những thông tin, đánh giá không chính xác về việc xuất khẩu lao động của Việt Nam. Có thể thấy rằng, pháp luật, chính sách của Nhà nước ta đã quan tâm, hỗ trợ cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) đã xóa bỏ các khoản phí môi giới và mở rộng phạm vi bảo vệ đối với người lao động. Cùng với đó, Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết; tiền ăn trong thời gian thực tế học; chi phí đi lại; hỗ trợ chi phí làm thủ tục hộ chiếu, visa, khám sức khỏe... Hỗ trợ chi phí đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề (Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 9-7-2015). Đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số nếu có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài thì được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Còn người lao động thuộc hộ cận nghèo, người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ Quốc gia về việc làm với mức vay tối đa là 100%.

Không phủ nhận rằng, Việt Nam vẫn đang trong tình trạng thiếu việc làm. Xuất phát từ nhu cầu nôn nóng muốn đi tìm việc ở nước ngoài mà có những người dân đã mắc lừa các tổ chức, cá nhân làm ăn phi pháp. Thời gian qua, Nhà nước ta đã xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm luật liên quan đến việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, ngay trong Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viết: “Trong năm 2020, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã thanh tra 84 doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, xử phạt 32 doanh nghiệp do vi phạm hành chính, rút giấy phép kinh doanh do vi phạm luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.

Từ những dẫn chứng nêu trên, có thể thấy rằng không ai có thể phủ nhận nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam và những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống mua bán người tại Việt Nam. Trong những năm qua, quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ đã phát triển vượt bậc, trở thành quan hệ đối tác toàn diện, mang lại những hiệu quả thực chất. Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên chấm dứt đưa ra những báo cáo về vấn đề nhân quyền không đúng sự thật, can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, trong đó có Việt Nam mà nên làm những việc có ích để tiếp tục phát triển quan hệ với các quốc gia, đóng góp tích cực vào hòa bình và phát triển của nhân loại./.

Nguồn: QĐND

Không có nhận xét nào