Lịch sử thành môn học bắt buộc bậc THPT: Thay đổi phương pháp dạy là điều quan trọng nhất
Nhiều giáo viên cho rằng, dù Lịch sử là môn học bắt buộc hay tự chọn, điều quan trọng nhất là giáo viên cần thay đổi để môn học này trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh.
Khi lịch sử thành môn bắt buộc, với 2 tháng liệu ngành giáo dục có kịp thời điều chỉnh chương trình tổng thể và nội dung giảng dạy cho môn này? chính các thầy cô giáo đã có ý kiến đóng góp.
Mới đây, Bộ GD&ĐT quyết định môn Sử được dạy bắt buộc ở bậc THPT. Theo đó, chương trình từ 70 tiết học chủ đề cốt lõi giảm xuống còn 52 tiết dạy, đồng nghĩa sẽ phải cắt 18 tiết.
Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng đây là việc cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt. Tuy nhiên, việc sửa chương trình môn Lịch sử gấp rút trong vòng 2 tháng cũng khiến thầy còn nhiều băn khoăn.
Nhiều giáo viên tâm huyết đều cho rằng khi sửa lại nội dung môn Lịch sử, các chuyên gia nên nghiên cứu kỹ lưỡng, không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học. Bởi vấn đề ở đây không phải học sinh có nhiều tiết học Lịch sử mà là học sinh sẽ được học nhiều hơn và hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này.
Trước băn khoăn về sự thay đổi này ảnh hưởng tới chương trình tổng thể các môn học, GS.TS Đỗ Thanh Bình, Tổng chủ biên sách giáo khoa môn Lịch sử khẳng định với cách điều chỉnh này, căn bản chương trình mới là ổn định. Khi môn Lịch sử trở thành bắt buộc trong nhà trường cũng có nghĩa là các thầy cô giáo giảng dạy môn Lịch sử sẽ gánh trên vai mình niềm tự hào và trọng trách lớn lao.
Để giáo viên nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh; giúp nhà trường, giáo viên xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học đạt hiệu quả, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Nguồn: VTV
Không có nhận xét nào