MKRdezign

TIN MỚI

Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép và những hệ lụy: Bài 3 - Bóc trần chiêu thức lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh sang Campuchia

 Các đối tượng môi giới đã lợi dụng triệt để các mối quan hệ quen biết với nạn nhân hoặc thông qua ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo… để đăng bài tìm kiếm, dụ dỗ, lôi kéo người xuất cảnh sang Campuchia trái phép

Ảnh minh họa từ Internet

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây môi giới

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh có công dân sang Campuchia lao động trái phép với tổng số 381 trường hợp. Bước đầu đã xác định được 65 trường hợp trở thành nạn nhân bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online và bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản, khống chế, ép buộc thực hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm vào người Việt Nam.

Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc với đối tượng lao động trái phép từ Campuchia trở về.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Qua xác minh, đấu tranh bước đầu chúng tôi nhận thấy phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia là lợi dụng mối quan hệ quen biết với nạn nhân hoặc thông qua ứng dụng mạng xã hội facebook, zalo để đăng thông tin dụ dỗ, lôi kéo các bị hại sang Caphuchia làm những công việc nhẹ nhàng, lương cao với mức lương từ 700 – 1.000USD/tháng. Những nạn nhân mà các đối tượng này hướng tới là những thanh, thiếu niên, không có việc làm ổn định, ham chơi, đua đòi, thích hưởng thụ. Để củng cố niềm tin với các nạn nhân, các đối tượng môi giới chủ động mua vé máy bay và gửi cho nạn nhân một số tiền nhất định để phục vụ chi phí đi lại, sinh hoạt. Việc làm này cũng nhằm ấn định thời gian để thuận tiện trong tổ chức đưa người xuất cảnh ở biên giới Tây Nam sang Campuchia.

“Công an tỉnh Thanh Hóa khuyến cáo quần chúng nhân dân nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin theo thủ đoạn môi giới đưa đi lao động tại Campuchia với mức lương cao, công việc nhẹ của các đối tượng; khi phát hiện các trường hợp bị lôi kéo, môi giới đi lao động trái phép tại Campuchia hoặc đối tượng, đường dây có hoạt động môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh lao động trái phép thì cung cấp thông tin theo đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa hoặc cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, đấu tranh, xử lý”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh Đối ngoại (PA01), Công an tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Khởi tố điều tra nhiều bị can về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài

Theo kết quả rà soát, báo cáo của Công an các huyện, thị xã, thành phố, trong tổng số 381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia đã có 179 trường hợp đã trở về nước (bao gồm 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động trong các sòng bạc, casino, cơ sở game online được cơ quan chức năng giải cứu; 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc về nước trong năm 2022). Hiện nay còn 202/381 trường hợp lao động trái phép tại Campuchia, trong đó bước đầu xác định có 86 trường hợp thuộc diện xuất cảnh trái phép, 21 trường hợp đang bị khống chế, cưỡng bức lao động trong các cơ sở đánh bạc trực tuyến, game online. Các địa bàn trọng điểm có đông công dân xuất cảnh lao động tại Campuchia đó là thị xã Nghi Sơn, các huyện Quảng Xương, Hà Trung, Thường Xuân, Hậu Lộc, Yên Định, Nông Cống, Nga Sơn, Cẩm Thủy, TP Sầm Sơn và TP Thanh Hóa.

Từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng Công an trong tỉnh cũng đã điều tra làm rõ 4 vụ/8 đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh trái phép sang Camphuchia xảy ra trên địa bàn huyện Nông Cống, Thường Xuân, thị xã Nghi Sơn, TP Sầm Sơn. Trong đó đã kết luận vụ án, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đề nghị truy tố 2 vụ/2 bị can.

Tiêu biểu trong tổng số 4 vụ đã khởi tố điều tra có thể nhắc đến trường hợp L.Q.M (thị xã Nghi Sơn). Theo báo cáo của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa), vào hồi 15 giờ 30 phút ngày 3-3-2022, trực ban hình sự tiếp nhận đối tượng L.Q.M (sinh năm 1989, trú tại thị xã Nghi Sơn) đến tự thú và khai nhận: Vào tháng 3-2021, M. đã tổ chức cho 3 công dân ở thị xã Nghi Sơn và huyện Nông Cống trốn sang Campuchia để lao động. Sau khi tiếp nhận đơn của L.Q.M, Cơ quan An ninh điều tra đã tiến hành xác minh. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập, ngày 4-3-2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Ngày 7-3-2022 ra quyết định khởi tố bị can đối với L.Q.M về tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài” quy định tại Khoản 1, Điều 349 Bộ luật Hình sự.

Ngày 14-6-2022, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận đơn xin đầu thú của đối tượng T.N.C (phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn). Theo nội dung đơn, T.N.C khai nhận đã rủ rê, lôi kéo, hướng dẫn cho 4 người vượt biên trái phép sang Campuchia và sẽ làm việc trong văn phòng, chủ yếu sử dụng máy tính với mức lương 500 USD (khoảng 12 triệu đồng/tháng), không cần chuyên môn, không có hộ chiếu, đi theo đường tiểu ngạch vượt biên trái phép và không phải chuẩn bị kinh phí…Hiện, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục xác minh, điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý đối tượng.

Bên cạnh việc tiếp tục xác minh, điều tra củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng nghi vấn trong đường dây môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh sang Campuchia và lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến đã phát hiện trên địa bàn, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện chính sách bảo hộ, giải cứu công dân bị khống chế, cưỡng bức lao động tại Campuchia trở về nước và tổ chức công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động lôi kéo, môi giới đưa người xuất cảnh sang Campuchia.

Cảnh báo của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia về lời mời chào việc nhẹ lương cao

Thời gian qua, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã nhận được rất nhiều thông tin về việc công dân Việt Nam bị lôi kéo, bị lừa sang Campuchia theo con đường hợp pháp hoặc bất hợp pháp để làm việc trong các sòng bài, cá độ, xổ số hoặc cơ sở game online. Trên cơ sở tin báo của các nạn nhân, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã khẩn trương liên hệ, đề nghị cơ quan chức năng của Campuchia tiến hành giải cứu và hỗ trợ được một số nạn nhân về nước. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp và chưa thực sự được giải quyết triệt để.

Nhân “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” 30-7-2022 sắp tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị mọi công dân đề cao tinh thần cảnh giác, tự bảo vệ bản thân và gia đình mình. Theo đó, cảnh giác với các mối quan hệ qua mạng xã hội, hứa hẹn công việc có thu nhập cao, cá nhân hoạt động tuyển dụng trên mạng không có địa chỉ hoặc tư cách pháp nhân Việt Nam, tổ chức nhập cảnh sang Campuchia qua đường tiểu ngạch…; từ chối mọi sự giúp đỡ về tiền bạc, lợi ích vật chất của người khác, nhất là những người lạ, người không quen. Hãy tuyên truyền, cảnh báo cho những người xung quanh về thủ đoạn của tội phạm buôn bán người; hiểu rõ hậu quả khi là nạn nhân của mua bán người.

Trường hợp cần hỗ trợ hoặc cung cấp thông tin liên quan đến tội phạm buôn bán người tại Campuchia, đề nghị liên hệ với số điện thoại: +855-974056789 hoặc Tổng đài bảo hộ công dân: +84-981848484.

(Còn tiếp) Bài cuối: Thanh Hoá tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn tình trạng xuất cảnh lao động trái phép sang Campuchia

Nguồn: baothanhhoa

Không có nhận xét nào