Xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép và những hệ lụy: Bài 1- Nhận “trái đắng” trên miền đất hứa
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (đặc biệt từ tháng 4-2022 trở lại đây) xuất hiện tình trạng công dân bị các đối tượng thông qua mạng xã hội hoặc trực tiếp môi giới sang Campuchia lao động trái phép và bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, casino, game online, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạn tài sản. Nhẹ dạ cả tin vào những lời mời chào hấp dẫn, nhiều người bỗng trở thành nạn nhân, cuối cùng phải trở về tay trắng, mang theo gánh nặng nợ nần, thậm chí đánh đổi bằng cả tính mạng.
“Chỉ mong con vẫn còn sống…”
11 giờ trưa ngày 13-6, theo chân cán bộ phòng An ninh Đối ngoại (PA01), Công an tỉnh Thanh Hóa và huyện Quảng Xương, chúng tôi đến thăm gia đình ông Tr.V.Tr., thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long, huyện Quảng Xương. Đây là hộ gia đình có con xuất cảnh sang Campuchia làm việc và nhận được thông tin con đã mất.
Dưới cái nắng gay gắt ngày hè, ngôi nhà cấp 4 càng trở nên vắng lặng, đìu hiu, hiện tại chỉ còn ông Tr. ở nhà. Những ngày này, ông Tr. thất thần, buồn bã khi nghe tin con trai là Trần Văn Hiếu (sinh năm 2002) sang Campuchia làm việc và đã mất. Tất cả thông tin mà gia đình ông Tr. biết được là thông qua những người bạn cùng làm bên Campuchia.
Ông Tr. cho biết, đầu năm 2022, Hiếu đi làm ở Bắc Ninh, Bắc Giang rồi được một người bạn giới thiệu sang Campuchia để làm việc. Ngày con đi có gọi điện về nhà nói sang Campuchia làm việc, còn làm việc gì thì con không nói rồi sau đó mất liên lạc. Một thời gian sau, vào đầu tháng 5, một người bạn của Hiếu gọi điện về cho gia đình và nói muốn đưa Hiếu về thì phải nộp tiền chuộc cho công ty bên Campuchia là 76 triệu đồng bằng cách gửi tiền vào tài khoản. Không liên lạc được với con để hiểu thêm sự tình thì ngày 24-5-2022, ông nhận được tin từ bạn của Hiếu gọi về nói con bị đánh đập dẫn đến tử vong. Muốn nhận được xác con về thì phải thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia can thiệp.
Ông Tr. nghẹn ngào nói: Tôi chỉ mong có một phép màu là con vẫn còn sống và nếu con thực sự mất rồi thì nhờ cơ quan chức năng giúp đỡ để được đưa thi thể con về quê.
Đồng chí Lê Văn Thi, Trưởng Công an xã Quảng Long, huyện Quảng Xương cho biết: Trong thời gian gần đây, Công xã Quảng Long phát hiện tình trạng công dân địa phương xuất cảnh sang Campuchia lao động trái phép. Lực lượng công an xã phối hợp với Công an huyện Quảng Xương thực hiện rà soát, trên địa bàn xã có 2 trường hợp đi lao động trái phép tại Campuchia, trong đó có 1 trường hợp là L.N.T, thôn Lộc Xá đi lao động trái phép tại Campuchia vào đầu năm 2022 vừa trở về. Để được về nước, T. cũng đã phải liên hệ với gia đình để nộp tiền chuộc với số tiền 137 triệu đồng. Còn trường hợp Trần Văn Hiếu, thôn Xuân Tiến, chưa có căn cứ xác định thông tin đã chính xác hay chưa?,
“Hiện nay trên địa bàn toàn xã có khoảng 100 người đi xuất khẩu lao động theo con đường chính ngạch. Công an xã Quảng Long đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã ban hành các văn bản tuyên truyền cho bà con không đi lao động trái phép mà đi theo đường chính ngạch để đảm bảo tính mạng, tài sản. Qua theo dõi, thời gian qua chủ yếu là các trường hợp đi lao động tại Trung Quốc, đối với các trường hợp đi lao động tại Campuchia hầu như mới xuất hiện gần đây, đặc biệt sau dịp Tết Nguyên đán 2022”, đồng chí Lê Văn Thi nói.
“Khi em sang đến nơi mới biết mình bị lừa”
Tiếp tục hành trình, chúng tôi gặp gỡ một trường hợp là anh N.V.B (huyện Quảng Xương) vừa từ Campuchia trở về. Trên khuôn mặt chàng trai trẻ vẫn còn vương nỗi lo lắng, sợ hãi sau khoảng thời gian lao động bên Campuchia và may mắn được trở về.
Kể về hành trình làm việc của mình tại Campuchia, B. cho biết, mình được một người bạn giới thiệu sang làm việc với mức lương 20 triệu đồng. Khi sang đến nơi em mới biết mình bị lừa. B. phải làm việc trong một sòng bạc trực tuyến. Công việc của B. là hack Facebook của những người có tương tác cao, đối tượng nhằm và là Facebook của người Việt Nam rồi bán cho sòng bạc. Sau khi hack Facebook sẽ đổi hình đại diện thành những cô gái trẻ đẹp và tìm những tài khoản Facebook tiềm năng để nói chuyện, “chăm sóc khách hàng” rồi mời đánh bạc trực tuyến. Nếu không mời được khách, không tuyển đủ chỉ tiêu vào đánh bạc trực tuyến thì sẽ bị chửi bới, dọa nạt, bắt buộc phải tuyển đủ người. Suốt thời gian làm việc, B. cùng nạn nhân khác đều ở tại công ty, chỉ được ra ngoài trong trường hợp đau ốm và sẽ có người giám sát.
Khi B. muốn về Việt Nam, ông chủ đã không cho về, vì vậy B. cố gắng tuyển đủ người vào chơi game online rồi nói dối người nhà ốm sắp mất và được ông chủ đồng ý cho về với điều kiện phải nộp số tiền chuộc là 52 triệu đồng. Không còn cách nào khác, B. đã phải gọi điện về cho gia đình đi vay mượn tiền và chuyển sang để được trở về. Vào đầu tháng 5-2022, B. đi xe khách hết 8 tiếng mới về biên giới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và biết mình đã được an toàn.
N.V B chia sẻ: Em làm việc 3 tháng, gửi về nhà được 15 triệu đồng, nhưng mất 60 triệu đồng bao gồm 52 triệu đồng tiền chuộc, xe cộ trở về và chi phí sinh hoạt ở công ty... Nơi em làm có rất nhiều người Việt Nam, họ muốn về cũng không thể trở về vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có tiền chuộc và bắt buộc tiếp tục làm việc hoặc có thể sẽ bị bán sang các công ty khác.
Chia tay chúng tôi, B. gửi lời cảnh tỉnh đến những người có ý định sang Campuchia lao động trái phép rằng: Sang đến nơi giữ được mạng sống của mình để trở về Việt Nam là may rồi, thực tế là không có lương cao, không có cuộc sống màu hồng mà chỉ có áp lực, bị đánh đập nếu không “lừa” được người khác chơi game online hoặc dụ dỗ thêm người sang làm việc. Và những người được mời chào chơi bạc online thì đừng nên tin bởi phần thắng luôn là người tạo ra trò chơi, họ cho mình thắng sẽ thắng, họ cho mình thua sẽ thua...
(còn nữa) Bài 2: Đem theo gánh nặng nợ nần trở về quê
Nguồn: baothanhhoa
Không có nhận xét nào