MKRdezign

TIN MỚI

Tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa nhân dân ta đang xây dựng

Cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến những vấn đề rất cơ bản của cách mạng Việt Nam giai đoạn hiện nay. Một trong những vấn đề được Tổng Bí thư rất nhấn mạnh là chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Điều này thể hiện rõ tính ưu việt về chế độ xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm nơi ở, làm việc của Người. (Ảnh: TTXVN)

1. ĐIỂM NHẤN VỀ CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI THỰC HIỆN TIẾN BỘ, CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Về bản chất, phát triển kinh tế trong chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) luôn hướng đến và bao hàm sự tiến bộ, công bằng xã hội. Tiến bộ, công bằng xã hội không chỉ bị quy định bởi điều kiện, trình độ kinh tế mà nó còn là mục tiêu hướng đến, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo đảm cho kinh tế phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, “không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”(1), ngay từ khi khởi đầu công cuộc đổi mới, Đảng ta đã chọn phương thức thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Qua 35 năm đổi mới, tư duy lý luận của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã có những bước chuyển căn bản so với trước đó. Từ chỗ đồng nhất kinh tế thị trường với chủ nghĩa tư bản (CNTB) đến thừa nhận giá trị nhân loại của kinh tế thị trường và sáng tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, khẳng định đây là mô hình tất yếu để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam. Từ chỗ Đảng, Nhà nước bao cấp toàn bộ trong giải quyết việc làm và thực hiện chính sách xã hội chuyển sang Nhà nước tạo cơ chế để các giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, xã hội cùng tạo việc làm cũng như giải quyết các vấn đề xã hội. Từ chỗ chưa đặt đúng vị trí, vai trò chính sách xã hội trong tương quan với chính sách kinh tế đã đi đến nhận thức về sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất biện chứng giữa chính sách kinh tế với chính sách xã hội, xem phát triển kinh tế là cơ sở, tiền đề để thực hiện các chính sách xã hội và xem việc thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đây là sự thay đổi căn bản tư duy lý luận của Đảng về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Tiếp tục phát triển quan điểm của Đảng, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trước khi làm rõ thêm đặc trưng của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng, Tổng Bí thư đã chỉ ra bản chất của chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN). Đó là một xã hội “lấy lợi nhuận làm mục tiêu tối thượng, coi chiếm hữu của cải và tiêu dùng vật chất ngày càng tăng làm thước đo văn minh, lấy lợi ích cá nhân làm trụ cột của xã hội”(2). Tổng Bí thư khẳng định, đó là những đặc trưng cốt yếu của phương thức sản xuất và tiêu dùng TBCN. Đây là sự lý giải gián tiếp tại sao Việt Nam không lựa chọn phát triển đất nước theo con đường TBCN.

Mặc dù không phủ nhận những thành tựu to lớn mà CNTB đã mang lại, đặc biệt là khoa học và công nghệ song Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những mâu thuẫn mang tính bản chất của chế độ TBCN. Điều đó được thể hiện rõ nét qua những cuộc khủng hoảng trên quy mô lớn của các nước tư bản phát triển - những cuộc khủng hoảng mà Tổng Bí thư cho rằng nó đã “chứng minh tính không bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường sinh thái của nó”(3) (tức là phương thức sản xuất và tiêu dùng TBCN). Từ đó, Tổng Bí thư đưa ra quan điểm rất rõ ràng: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội”(4). Đây là điểm nhấn quan trọng, vừa là sự cụ thể hóa hơn, vừa cho thấy rõ sự phát triển quan điểm của Đảng về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội gắn với phát triển kinh tế, bởi lẽ Tổng Bí thư đã nhấn mạnh thêm tính ưu việt của chế độ xã hội mà nhân dân ta đang xây dựng. Tính ưu việt đó không chỉ được thể hiện trên phương diện lý luận, với những chủ trương, đường lối mà còn được hiện thực hóa thông qua những chính sách quản lý và phát triển xã hội đã và đang thực hiện thời gian qua.

Người dân tham gia kiểm tra, giám sát công tác vận hành, công tác bảo vệ môi trường, xử lý xỉ than trong Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, huyện Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). (Ảnh: TTXVN) 

Đồng chí Tổng Bí thư còn chỉ rõ một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội. “Mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn”(5). Quan điểm này tiếp tục nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng XHCN.

Những lời khẳng định của Tổng Bí thư là lập luận giàu sức thuyết phục minh chứng cho tính ưu việt của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Đó cũng chính là luận cứ khoa học sắc bén để đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, cố tình xuyên tạc về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam.

Gần đây, một số quan điểm cho rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của chế độ TBCN nên “không thể dung hợp với CNXH”. Việc phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam chỉ là “sự gán ghép vô nguyên tắc” theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”, “đầu Ngô mình Sở”(6). Có ý kiến còn cho rằng: “Chủ trương kinh tế thị trường định hướng XHCN là không thực tế và thiếu khoa học”(7). Do đó, cần phải bỏ đuôi “định hướng XHCN” để kinh tế thị trường ở Việt Nam phát triển theo đúng xu thế thời đại. Có như vậy, nền kinh tế Việt Nam mới nhanh chóng thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu!

Về mặt lý luận, sai lầm của những quan điểm trên là đồng nhất kinh tế thị trường nói chung với kinh tế thị trường CNTB. Họ cho rằng chỉ có một loại kinh tế thị trường là kinh tế thị trường CNTB. Thực chất, kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, CNTB đã lấy kinh tế thị trường làm cơ sở cho sự tồn tại, vận động, phát triển của mình. Điều này cũng đã được Đảng ta chỉ rõ ở Đại hội IX: “Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại”(8). Nhận thức được điều đó, thời gian qua, Đảng ta đã coi kinh tế thị trường là công cụ, phương tiện, cách thức cần thiết để xây dựng CNXH ở Việt Nam. Với tư duy sáng tạo, Đảng ta đã đưa ra chủ trương về kinh tế thị trường định hướng XHCN trong đó phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng nhất, thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng.

Thời gian qua, quan điểm về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng có sự bổ sung, phát triển qua mỗi giai đoạn. Do đó, những quan điểm sai trái, thù địch về kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam hoặc là do nhận thức không đúng về bản chất của kinh tế thị trường, hoặc cố tình xuyên tạc, đối lập kinh tế thị trường với XHCN.

Về mặt thực tiễn, đúng như Đảng ta và đồng chí Tổng Bí thư khẳng định, sau 35 năm tiến hành đổi mới đất nước, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta ngày càng lớn mạnh. Việt Nam không chỉ có nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá mà còn có các chính sách phát triển xã hội hài hòa, nhân văn, vì con người. Hơn 35 năm qua, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Đây là những bằng chứng thực tiễn đầy sức thuyết phục đã được Tổng Bí thư chỉ rõ trong bài viết, vừa để khẳng định chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là đúng đắn song cũng là luận cứ thực tiễn sắc bén nhằm phản bác những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước ở Việt Nam giai đoạn hiện nay.

2. NỘI HÀM CỦA CHỦ TRƯƠNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ GẮN VỚI THỰC HIỆN TIẾN BỘ, CÔNG BẰNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Nội hàm của chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ở Việt Nam được thể hiện qua những khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, mục tiêu của chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đây cũng là đặc trưng đầu tiên của xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội cùng với “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân”(9) là một trong 8 phương hướng cơ bản để từng bước hiện thực hóa 8 đặc trưng cơ bản của xã hội XHCN ở Việt Nam. Đồng thời, theo tinh thần của Đại hội XIII, quan hệ “giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”(10) là một trong 10 mối quan hệ lớn cần nắm vững và giải quyết tốt để xây dựng thành công CNXH.

Thứ hai, chính sách xã hội được đặt ngang hàng với chính sách kinh tế; đồng bộ, tương thích với trình độ phát triển kinh tế và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ. Chính sách xã hội hướng đến con người vì con người là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, phải “kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần…”(11) đồng thời khuyến khích làm giàu hợp pháp và tích cực xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, “xây dựng và thực hiện đồng bộ thể chế, chính sách phát triển xã hội, quản lý phát triển xã hội bền vững, hài hòa”; “nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội”(12). Xây dựng thể chế bảo đảm thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh, an toàn xã hội; bảo đảm hài hòa các quan hệ lợi ích; quyền lợi và nghĩa vụ; cống hiến và thụ hưởng.

Thứ tư, thực hiện “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh”(13). Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp với các giai tầng xã hội; giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, các quan hệ lợi ích trong xã hội. Không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng khẳng định đây là một trong những nội dung cấu thành 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ và là một trong những nội dung cấu thành 12 định hướng cơ bản để phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2045…

Đại hội XIII của Đảng một lần nữa khẳng định và nhấn mạnh: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. (Ảnh: TTXVN)

Những khía cạnh trên vừa là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; vừa xuất phát từ nhu cầu khách quan của sự phát triển đất nước trong tiến trình đổi mới và phát triển. Nó cũng phản ánh nhu cầu chính đáng của nhân dân là vừa mong muốn có đời sống kinh tế phát triển song cũng đồng thời phải được sống trong xã hội tiến bộ, công bằng. Do đó, chủ trương của Đảng ta về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã cho thấy rõ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Nó khác hoặc về chất so với những xã hội trước đó, trực tiếp là xã hội TBCN lấy tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận là mục tiêu phát triển chủ yếu. Điều này được C.Mác chỉ rõ trong tác phẩm Tư bản: “Sản xuất giá trị thặng dư hay lợi nhuận là quy luật tuyệt đối của phương thức này”(14). Để minh chứng cho điều này, C.Mác đã dẫn lại tờ Quarterly Rewiewer như sau: “Với một lợi nhuận thích đáng thì tư bản trở nên can đảm. Được đảm bảo 10 phần trăm lợi nhuận thì người ta có thể dùng tư bản vào đâu cũng được; được 20 phần trăm thì nó hoạt bát hẳn lên; được 50 phần trăm thì nó trở nên thật sự táo bạo; được 100 phần trăm thì nó chà đạp lên mọi luật lệ của loài người; được 300 phần trăm thì không còn tội ác nào là nó không dám phạm, dù có nguy cơ bị treo cổ. Nếu sự ồn ào và cãi cọ đem lại lợi nhuận thì tư bản khuyến khích cả hai. Chứng cứ là; buôn lậu và buôn nô lệ”(15).

Sự hoàn thiện không ngừng trong chủ trương của Đảng ta về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội qua mỗi kỳ Đại hội đã cho thấy Đảng ta luôn đặt mục tiêu phát triển vì con người, coi con người vừa là trung tâm, vừa là động lực của sự phát triển.

Trong bài viết, Tổng Bí thư khẳng định, phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 1980 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Nhiều chính sách xã hội có điều kiện được thực hiện tốt hơn như hầu hết các xã nông thôn đều có đường ôtô đến trung tâm, có điện lưới quốc gia, trường tiểu học và trung học cơ sở, trạm y tế và điện thoại. Hiện nay, Việt Nam có 95% người lớn biết đọc, biết viết.

Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng ta đã có điều kiện để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội như chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc. Đời sống văn hóa cũng được cải thiện đáng kể; sinh hoạt văn hóa phát triển phong phú, đa dạng. Hiện nay, Việt Nam có hơn 70% dân số sử dụng Internet, là một trong những nước có tốc độ phát triển công nghệ tin học cao nhất thế giới. Việt Nam được đứng vào nhóm nước có HDI cao của thế giới, nhất là so với các nước có cùng trình độ phát triển. Đây là những bằng chứng không gì thuyết phục hơn nhằm khẳng định đường lối đổi mới nói chung và chủ trương phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội của Đảng ta là đúng đắn, mang lại diện mạo hoàn toàn mới cho đất nước và làm thay đổi về chất cả đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Không phải ngẫu nhiên mà đồng chí Tổng Bí thư luôn so sánh những đặc trưng bản chất của chế độ TBCN mà nhiều nước trên thế giới đang theo và chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng. Đây có thể coi là lời khẳng định gián tiếp rằng, với tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày nay, Việt Nam có thể tự tin sánh vai với nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong việc thực hiện các chính sách phát triển xã hội. “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế”(16).

Có thể nói, quan điểm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là sự cụ thể hóa hơn, phát triển hơn chủ trương của Đảng, có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam hiện nay. Một mặt, quan điểm đó tiếp tục cổ vũ, tạo động lực cho nước ta trong phát triển kinh tế song mặc khác cũng đặt ra yêu cầu phải thực hiện đồng thời mục tiêu phát triển xã hội. Điều đó thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN mà nhân dân ta đang xây dựng, hướng đến mục tiêu phát triển vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc./.

Nguồn: tuyengiao.vn

Không có nhận xét nào