Ngăn chặn ngay các hội nhóm tiêu cực trên mạng xã hội
Các hội nhóm tiêu cực có từ vài ngàn đến hàng chục ngàn thành viên, số lượng chia sẻ bài viết mỗi ngày của nhóm là gần cả trăm bài viết.
Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều hội nhóm tiêu cực với số lượng vài từ vài ngàn cho đến vài chục ngàn thành viên/nhóm. Số lượng chia sẻ bài viết mỗi ngày của mỗi nhóm là gần cả trăm bài. Đặc biệt có lúc chỉ trong vòng 1 giờ đồng hồ, PV ghi nhận có tới hơn 10 bài viết với nhiều nội dung được các thành viên chia sẻ.
Tham gia hội nhóm để được chia sẻ
Theo ghi nhận của PV tại “Hội những người…..” cùng một số hội nhóm tương tự, không ít trường hợp tham gia đều mang điểm chung là muốn được giải thoát khỏi cuộc sống bằng cách này hay cách khác. Không ít những bài đăng có nội dung tiêu cực trong nhóm khiến người đọc nếu tiếp xúc thường xuyên thì sớm muộn cũng dễ chìm theo vào những suy nghĩ tiêu cực.
Anh TMT, một thành viên trên nhóm “Hội những người…..”, cho biết mục đích ban đầu của nhóm là nơi để chia sẻ, giải tỏa và động viên các trường hợp trầm cảm, có ý định kết thúc cuộc sống của mình. Tuy nhiên, hiện nay trên diễn đàn của nhóm này đã có nhiều bài viết có nội dung tiêu cực, ảnh hưởng rất xấu đến các thành viên khác.
Người dùng mạng xã hội phải tự trang bị cho mình khả năng miễn nhiễm với các thông tin |
Trao đổi với PV, anh K hiện đang là sinh viên năm cuối và là thành viên của nhóm này, cho biết bản thân anh đã có một thời gian dài sống chung với chứng rối loạn lo âu. Biểu hiện của chứng rối loạn này là anh luôn suy nghĩ những ý nghĩ tiêu cực, thậm chí anh thường mất ăn mất ngủ chỉ vì lo lắng đến các vấn đề có thể xảy ra trong tương lai như việc anh không tìm được việc làm, cha mẹ thất vọng về anh… Những lúc như thế, anh thường dằn vặt với bản thân mình trong quá khứ và cứ thế anh cuốn vào những dòng suy nghĩ tiêu cực không hồi kết.
“Hơn một năm bị mắc kẹt với chứng rối loạn lo âu, là chuỗi ngày mà tôi không tìm thấy động lực để tiếp tục sống. Vì vậy, tôi chọn cách tham gia vào hội nhóm để tìm được những người đồng cảnh ngộ và hy vọng có thể nhận được sự chia sẻ” - anh K nói.
Theo tìm hiểu của PV, trên diễn đàn của các hội nhóm này có không ít trường hợp người đăng bài viết là các học sinh đang học cấp II, cấp III. Ngoài những câu chuyện áp lực với sự kỳ vọng điểm số, kết quả học tập từ gia đình thì những mâu thuẫn tưởng chừng rất nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày.
Điển hình như bài đăng của em H, một học sinh lớp 8, trên một hội nhóm chia sẻ về việc bị các bạn trong lớp cô lập. Nguyên nhân bị cô lập là do H đã đăng một dòng trạng thái trên trang cá nhân có nội dung đụng chạm, liên quan đến một số bạn trong lớp. Hậu quả là hằng ngày đến trường H phải gặp những ánh mắt khó chịu, những hành động xa lánh của bạn bè.
“Em đã nhiều lần nghĩ đến việc kết liễu chính mình nhưng lại sợ bố mẹ phải khóc rất nhiều vì em” - trích đoạn dòng trạng thái H chia sẻ tâm trạng của mình trên một hội nhóm.
Bình luận xấu, đẩy sự việc đi xa hơn
Trái với kỳ vọng nhận được sự đồng cảm, chia sẻ từ người lạ, nhiều bình luận tiêu cực từ các thành viên khác trên diễn đàn càng đẩy mọi chuyện đi quá xa. Dưới một bài đăng của một thành viên chia sẻ áp lực từ điểm số từ gia đình trên một hội nhóm, là những bình luận tiêu cực như “chết đi”, “mày đáng chết hơn”, “vậy bắt chước XXX nhảy lầu đi”, “chết là tốt nhất”… Những bình luận nguy hiểm như thế này rất dễ đẩy người đăng chia sẻ có những suy nghĩ dại dột nhất thời.
Tương tự, một thành viên trên nhóm đăng lời tạm biệt mọi người với hình ảnh là vỉ thuốc ngủ liều cao vì một chuyện buồn, thay vì nhận được sự can ngăn thì nhiều người vào đặt câu hỏi tìm chỗ bán thuốc ngủ, hay xúi dại hơn bằng những câu nói như “nhiêu đây chưa đủ đâu, phải năm vỉ trở lên …”.
Giải thích về việc các hội nhóm tiêu cực thu hút được nhiều người trẻ, PGS-TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết đôi khi chúng ta thấy bộ phận giới trẻ có cách nhìn về bản thân mình vô giá trị, cách nhìn thế giới bi quan, không kết nối được với cha mẹ. Nguyên nhân vì họ thiếu môi trường để giao lưu, trao đổi, những gì họ nói ra người bình thường thấy tiêu cực quá nên không chấp nhận, chia sẻ với họ, kể cả cha mẹ. Vì thực tế trên, họ phải tìm hội nhóm nào đó để tìm sự đồng cảm. Những bạn trẻ đó phần lớn có sự ấm ức với cha mẹ, ấm ức với cuộc đời, với bản thân mình. Và họ sẽ tìm cách để chia sẻ sự ấm ức này bằng cách tham gia các hội nhóm.
Ban đầu, việc tham gia các hội nhóm trên có thể để giải tỏa tâm sự nhưng rồi ai biết được những người có những ý tưởng tiêu cực ngồi với nhau thời gian dài lại có những ý tưởng điên rồ. Dần dần, những nhóm này trở nên nguy hiểm, gây hại cho người khác, kích động các hành vi vi phạm pháp luật.
Từ những câu chuyện trên, có thể thấy những hội nhóm mang tính chất tiêu cực trên mạng xã hội đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho giới trẻ. Đã đến lúc các ngành chức năng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, quyết liệt và thường xuyên hơn để ngăn chặn những hội nhóm tiêu cực này từ khi mới phát sinh.
Làm thế nào để miễn nhiễm với các thông tin tiêu cực?
Thực tế là các cơ quan chức năng vẫn luôn nỗ lực tiếp cận và phòng chống các thông tin độc hại từ Internet, mạng xã hội, đặc biệt là trên Facebook.
Ngoài ra, số lượng hội nhóm như trên hiện nay có khá nhiều, chỉ cần vài ba tuần thì các hội nhóm tiêu cực đã quy tụ được vài trăm đến vài ngàn thành viên, nên việc kiểm soát cần rất nhiều nhân lực, cùng đội ngũ có chuyên môn, trình độ kỹ thuật tốt.
Xu hướng chung của người dùng Facebook là dễ hùa theo đám đông, vì thế chúng ta phải có tinh thần vững vàng khi tiếp cận những thông tin trên mạng xã hội.
Người dùng Internet, mạng xã hội phải tự trang bị cho mình khả năng miễn nhiễm với các thông tin tiêu cực, nội lực mạnh mẽ, tâm lý lành mạnh, vững vàng để không hùa theo cảm xúc, thái độ và hành động tiêu cực của các thành viên từ hội nhóm tiêu cực. Tốt hơn hết, nếu được mời hoặc bị thêm vào những hội nhóm như vậy, người dùng nên nhanh chóng rời khỏi nhóm để tránh lây lan cảm xúc tiêu cực.
Để góp phần nâng cao tính lành mạnh, an toàn cho những người dùng mạng xã hội, mỗi người nên nói không với việc viết, chia sẻ, lan truyền các thông tin quá tiêu cực, kích động. Nếu được, nên thu thập các thông tin gây hại, xuyên tạc từ các nhóm và có hành động, thái độ phản đối, cũng như báo cáo cho cơ quan an ninh mạng, nhà chức trách để sớm có giải pháp xử lý.
ThS tâm lý LÊ MINH HUÂN
Nguồn: plo.vn
Không có nhận xét nào